Năm 2022 là một năm đầy thành công của AMD (Advanced Micro Devices) khi lần đầu tiên trong lịch sử của hãng, tổng mức vốn hóa thị trường vượt qua kẻ đứng đầu là Intel, phá vỡ mức 200 tỷ USD.
Mặc dù tình hình doanh số máy tính cá nhân suy giảm ảnh hưởng đến doanh thu của cả 2 đối thủ này nhưng trong khi cổ phiếu Intel giảm hơn 7% sau báo cáo kết quả kinh doanh thì AMD lại tăng gần 2%.
Hiện nay AMD là nhà cung cấp chip điện tử cho 2 mẫu xe của Tesla, xe thám hiểm sao Hỏa Mars Perseverance của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), tháp sóng 5G và những siêu máy tính nhanh nhất thế giới.
“AMD đang đánh bại Intel ở mọi mặt trận và trừ phi ông lớn này có sự thay đổi toàn diện hoặc tìm ra hướng đi mới, bằng không sớm hay muộn thì ngôi vị số 1 thế giới ngành chip cũng sẽ đổi chủ”, chuyên gia tư vấn Jay Goldberg của D2D Advisory cảnh báo.
Điều trớ trêu là cách đây 10 năm, chẳng ai tin AMD có thể làm được điều này khi hãng đang bên bờ vực phá sản. Thậm chí ngay từ khi mới thành lập, AMD cũng chỉ là hãng ăn theo các sản phẩm của Intel.
“Nghe thì cứ như một chuyện cười vậy, bởi trong suốt nhiều thập niên từ khi thành lập, AMD đã gặp rắc rối về chất lượng sản phẩm, thế rồi chỉ trong 10 năm mọi thứ hoàn toàn thay đổi”, chuyên gia Goldberg thừa nhận.
Kẻ đi sau
Kể từ khi thành lập năm 1968, Intel luôn là ông vua thống trị thị trường chip điện tử. Thương hiệu của hãng chip này đồng nghĩa với sự đảm bảo về chất lượng bên trong. Trong suốt 25 năm từ 1992-2017, Intel dẫn đầu thị trường chip điện tử về doanh thu. Thậm chí đến hiện tại, Intel vẫn là hãng chip có doanh số lớn nhất nước Mỹ.
Trong khi đó, AMD cũng được thành lập tại Thung lũng Silicon tương tự Intel chỉ 10 tháng sau khi đối thủ đi vào hoạt động. Nhà sáng lập AMD cũng là cựu đồng sự của những kỹ sư đã thành lập nên Intel. Ban đầu, AMD chủ yếu sản xuất những loại chip mà Intel đã làm và hướng đến việc bám đuôi kẻ đi đầu.
Vào năm 1970, Intel cho ra mắt dòng chip 1103, loại chip nhớ bán dẫn đầu tiên trên thế giới. Chỉ 1 năm sau đó, sản phẩm này là loại linh kiện bán dẫn có doanh số tốt nhất thế giới và AMD cũng theo sát với kiểu hàng nhái tương tự có giá thành rẻ hơn.
CPU là bộ não của máy tính khi bao gồm các bộ chip xử lý giữ liệu. Cấu trúc của nó là một bảng bán dẫn có chứa các kim loại dẫn điện như Phosphorus hay Boron. Trên bảng bán dẫn là những bóng bán dẫn (Transistor) siêu nhỏ tắt bật liên tục, qua đó chuyển hóa thành các dữ liệu nhị phân dưới dạng 0-1, sau đó chuyển đến bộ nhân (Core) để xử lý thông tin và đưa ra mệnh lệnh.
Những mệnh lệnh này góp phần làm nên phản ứng của máy tính khi được người dùng yêu cầu các chỉ lệnh như mở website hay thư điện tử. Nếu bộ chip là bộ não của máy tính thì phần nhân là một não bộ siêu nhỏ thứ 2.
Năm 1971, Intel tiếp tục cho ra lò chip xử lý 4004, một thành công lớn khác và cứ như vậy, công ty tiếp tục cho ra các sản phẩm mới thống trị thị trường, đồng thời tạo nên hàng loạt các tiêu chuẩn cho dòng chip bán dẫn.
Đến năm 1997, Intel được dùng trong 84% số máy tính trên toàn cầu, doanh số cao gấp 10 lần AMD và sản lượng sản xuất cao gấp 6 lần.
Bước sang thập niên 2010, AMD đứng trước nguy cơ phá sản cũng như tin đồn sẽ bị bán lại và sa thải hàng loạt người lao động. Thương hiệu này đã phải từ bỏ nhiều mảng kinh doanh trong ngành bán dẫn. Thế nhưng bất ngờ thay vào năm 2014, hãng có một nữ CEO mới mang tên Lisa Su và chính nhân vật này đã tạo nên bước ngoạt cho AMD.
Bước ngoặt
Điều đầu tiên mà CEO Su làm là quyết định từ bỏ cuộc đua công nghệ cho smartphone hay cảm biến cho “Internet of Things”. Dù đây là những mảng cực kỳ hấp dẫn nhưng chúng không phải thế mạnh chính của AMD, và công ty cũng không đủ nguồn lực để dàn trải khắp mặt trận.
Thay vào đó, AMD nhắm đến chip điện tử cho các siêu máy tính, chip đồ họa cho chơi game, trí thông minh nhân tạo hay những thiết bị đòi hỏi chất lượng vượt trội.
Đây là một quyết định quan trọng khi AMD phải tìm được thị trường ngách trong ngành chip bán dẫn vốn bị thống trị bởi rất ít người chơi. Intel là chúa tể mảng chip xử lý CPU trong khi Nvidia là ông hoàng chip đồ họa GPU.
“Nếu bạn nhìn vào phương thức kinh doanh của chúng tôi cách đây vài năm thì có lẽ 80-90% số khách hàng là người tiêu dùng cá nhân, tập trung cho mảng máy tính cá nhân, máy chơi game. Thế nhưng tôi nghĩ rằng những siêu máy tính, trung tâm dữ liệu lớn cho điện toán đám mây mới là mỏ vàng thực sự mà AMD cần hướng tới”, CEO Lisa Su nhấn mạnh.
Kết quả là sau này AMD trở thành nguồn cung chip điện tử cho mảng điện toán đám mây AWS của Amazon, Google Cloud của Alphabet, Oracle, IBM và cả Azura của Microsoft. Tất cả đều là những mảng kinh doanh chủ lực kiếm tiền cho các công ty lớn.
Bên cạnh đó, CEO Su cũng quyết định cắt giảm chi phí khi thuê ngoài thay vì tự xây dựng các nhà máy sản xuất, qua đó hạ giá thành sản phẩm. Chiến lược này trái ngược hoàn toàn với Intel khi hãng tăng gấp đôi ngân sách xây dựng nhà máy vào năm 2021, bao gồm dự án nhà máy 20 tỷ USD ở Arizona và siêu nhà máy 100 tỷ USD ở Ohio. Kể cả vậy thì Intel cũng phải đợi rất nhiều năm mới chờ được các nhà máy này hoàn thiện xong.
Quay trở lại câu chuyện, vào năm 2017, AMD có cú gượng dậy đầy ngoạn mục với chip Ryzen, phá vỡ nhiều tiêu chuẩn về chip điện tử mà Intel đã đặt ra trước đó. Đầu tiên, các bóng bán dẫn được thiết kế mới theo kiểu “Zen Architecture”.
Tiếp đó, thay vì dùng một CPU và nâng cấp chúng sao cho xử lý nhanh nhất có thể, AMD tạo nên một tổ hợp CPU gồm nhiều CPU nhỏ hơn trên cùng một bảng bản dẫn, kết nối với nhau và hoạt động như một thể thống nhất.
Theo tờ Wall Street Journal (WSJ), những đột phá này khiến AMD giành được lợi thế về chi phí sản xuất, tiết kiệm điện năng mà vẫn hiệu quả chẳng kém các chip tiên tiến của Intel. Tại thời điểm ra mắt, Ryzen được quảng bá là rẻ bằng một nửa và nhanh hơn so với các sản phẩm cùng dòng của Intel.
Nhờ sản phẩm mới Ryzen cùng những thay đổi chiến lược mà tính đến giữa năm 2018, tổng mức vốn hóa thị trường của AMD đã vọt lên hơn 30 tỷ USD.
Đến năm 2020, Intel có một quyết định đi vào lòng đất khi cố gắng giảm kích cỡ chip từ 14 nanomete (nm) xuống 10 nm. Thế nhưng trong khi chật vật với nghiên cứu mới thì nguồn cung chip 14 nm của hãng không đáp ứng đủ nhu cầu trong bối cảnh đại dịch hoành hành làm đứt gãy chuỗi cung ứng. Hệ quả là Intel phải chính thức ra thông cáo xin lỗi.
Trái lại, AMD đã nhanh nhạy cho ra mắt dòng chip có sức mạnh tương đương chip 10 nm trước Intel và có cú bứt tốc ngoạn mục.
Đầu năm 2022, tức 5 năm sau ngày ra mắt Ryzen, tổng mức vốn hóa của AMD chính thức vượt qua Intel ở ngưỡng 200 tỷ USD nhưng không giữ được lâu. Đến tháng 8/2022, AMD lại một lần nữa vượt Intel nhưng lần này giữ được lâu hơn trước khi bị tụt lại lần nữa.
Tính trong khoảng 2014-2020, tức là từ khi CEO Lisa Su lên nắm quyền, cổ phiếu của AMD đã tăng 1.300%. Kể cả khi thị trường máy tính cá nhân gặp khó thì cổ phiếu của AMD cũng tăng trưởng tới 660% trong 5 năm qua, trái lại Intel lại giảm 34%.
Tất nhiên, con đường trỗi dậy và tham vọng soán ngôi Intel của AMD cũng chẳng dễ dàng.
Việc Mỹ có những động thái nhằm thúc đẩy sản xuất chip điện tử trong nước, hạn chế nhập khẩu từ nước ngoài khiến AMD gặp khó do hãng này phần lớn thuê ngoài sản xuất. Đó là chưa kể sự suy giảm nhu cầu của ngành chip trong bối cảnh hiện nay.