Trên khắp nước Anh, các hộ gia đình và doanh nghiệp đang lo sợ rằng sẽ không thể vượt qua mùa đông lạnh giá nếu không có sự giúp đỡ của chính phủ. Theo CNN, đó là thách thức lớn với bà Liz Truss, tân thủ tướng Anh.
Trong nhiều tháng, ghế lãnh đạo của Anh đã bị bỏ trống. Đất nước trượt dài tới suy thoái và khủng hoảng nhân đạo khi giá nhiên liệu tăng vọt.
Kể từ khi ông Boris Johnson tuyên bố từ chức, triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế đã suy yếu nghiêm trọng. Lạm phát vượt ngưỡng 10% vì giá thực phẩm và nhiên liệu tăng vọt. Tiền lương không theo kịp lạm phát khiến hàng nghìn người lao động đình công.
Khủng hoảng chồng chéo
Đồng bảng Anh vừa ghi nhận tháng giảm mạnh nhất kể từ cuộc trưng cầu dân ý về Brexit hồi năm 2016. Giá bảng Anh đã rơi xuống mức thấp nhất so với đồng USD trong hơn 2 năm.
"Hết đòn giáng này đến đòn giáng khác. Dường như tôi không thể thấy bất cứ tin tốt nào", ông Martin McTague - người đứng đầu Liên đoàn Doanh nghiệp nhỏ tại Anh - tuyệt vọng.
Tình hình đang ngày càng xấu đi. Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) dự báo lạm phát sẽ vọt lên 13% khi cuộc khủng hoảng năng lượng phình to. Citigroup cảnh báo lạm phát có thể đạt đỉnh 18% vào đầu năm 2023.
Trong khi đó, ngân hàng đầu tư Goldman Sachs cho rằng lạm phát tại Anh có thể lên tới 22% nếu giá khí đốt tự nhiên vẫn duy trì tốc độ tăng hiện tại.
Thách thức lớn nhất đối với bà Truss là chi phí năng lượng tăng vọt. Giá tăng có thể khiến các doanh nghiệp phải đóng cửa, hàng triệu người cân nhắc giữa mua thức ăn và sưởi ấm trong mùa đông.
Giới quan sát cảnh báo rằng nếu không gấp rút hành động, nhiều người có thể rơi vào cảnh khốn cùng, số người chết vì lạnh sẽ tăng lên.
Kể từ tháng 10, các hộ gia đình Anh có thể phải trả trung bình 3.549 bảng Anh (tương đương 4.106 USD) mỗi năm cho nhiên liệu, tăng 80%.
Khi người tiêu dùng phải thắt lưng buộc bụng vì lạm phát, sự bùng nổ chi tiêu trong giai đoạn hậu Covid-19 tan biến nhanh chóng. BoE cảnh báo kinh tế Anh có thể rơi vào suy thoái trong những tháng tới.
"Giá năng lượng tăng cao khiến các hộ gia đình, nhất là những hộ nghèo, phải chật vật để trang trải chi phí sinh hoạt", ông Ben Zaranko - chuyên gia kinh tế cấp cao tại Viện Nghiên cứu Tài khóa - bình luận.
"Điều này đồng nghĩa với việc họ phải mạnh tay cắt giảm những khoản chi tiêu khác", ông nói thêm.
Không dễ đối phó
Trong khi đó, theo ông Jonathan Neame - ông chủ của hãng bia Shepherd Neame, nhiều chủ doanh nghiệp đang hoảng loạn. Kể từ đầu năm, họ nhận được các giấy báo tiền điện với những con số trên trời.
Ông Nick Mackenzie - người đứng đầu chuỗi quán rượu Greene King - tiết lộ một trong số các cơ sở của chuỗi đã ghi nhận tiền điện tăng thêm 33.000 bảng Anh ( 38.167 USD) mỗi năm.
"Đó là thách thức lớn với các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19", ông McTague chia sẻ.
Sự suy yếu của đồng bảng Anh càng làm nghiêm trọng thêm vấn đề. Năng lượng và các hàng hóa nhập khẩu khác trở nên đắt đỏ hơn, đẩy lạm phát lên cao hơn nữa.
Đó không phải lý do duy nhất khiến các chủ doanh nghiệp và nhà đầu tư hoảng loạn. Tình trạng thiếu hụt nhân sự đã thuyên giảm trong giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 7, nhưng vẫn cao hơn mức trước đại dịch.
Hết đòn giáng này đến đòn giáng khác. Dường như tôi không thể thấy bất cứ tin tốt nào
Ông Martin McTague - người đứng đầu Liên đoàn Doanh nghiệp nhỏ tại Anh
Sau khi Anh rời Liên minh châu Âu (EU), việc tìm kiếm người lao động càng trở nên khó khăn. So với năm 2019, số công dân của các nước EU sống ở Anh trong năm 2021 đã giảm đi 317.000 người.
Brexit cũng làm xáo trộn các hoạt động thương mại, nhất là với EU, đối tác thương mại lớn nhất của Anh. Theo ước tính của Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách Anh, về lâu dài, xuất khẩu và nhập khẩu của Anh sẽ giảm 15% so với kịch bản nước này ở lại EU.
Không dễ để bà Truss có thể giải quyết những cuộc khủng hoảng nối tiếp nhau giáng vào kinh tế Anh. Bà đã tuyên bố sẽ vực dậy nền kinh tế bằng cách giảm thuế. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại rằng biện pháp này có khả năng làm gia tăng lạm phát và gây tổn hại đến hệ thống tài chính công của đất nước.
Việc giảm thuế có thể không giúp ích nhiều cho những đối tượng dễ tổn thương nhất.
"Việc giảm thuế sẽ đem lại lợi ích lớn cho những người phải trả thuế cao, tức có nhiều tiền hơn", ông Jonathan Marshall, nhà kinh tế cấp cao tại Resolution Foundation, nhận định.
Anh sẽ buộc phải trả giá đắt để đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng trong mùa đông này. Tuy nhiên, CNN cho rằng chính phủ của bà Truss có thể đưa ra những biện pháp có mục tiêu để tránh lãng phí.
Theo tính toán của Viện Nghiên cứu Chính phủ, giá khí đốt và điện tăng cao trong 2 mùa đông tới có thể khiến chính phủ Anh tiêu tốn khoảng 100 tỷ bảng Anh ( 116 tỷ USD).
Câu hỏi đặt ra là chính quyền của bà Truss sẽ cân đối ngân sách thế nào để giải cứu nền kinh tế, nhất là khi việc cắt giảm thuế vẫn là ưu tiên.
Chính phủ Anh đã vay khoản tiền khổng lồ để hỗ trợ nền kinh tế trong giai đoạn phong tỏa vì Covid-19. Tổng nợ của đất nước hiện gần bằng 100% GDP. Khi lãi suất ở mức thấp, đây không phải là vấn đề lớn.
Nhưng tình hình hiện đã thay đổi, BoE nâng lãi suất mạnh tay trong năm nay để đối phó với lạm phát. Điều đó khiến khoản nợ công càng phình to.
Anh cũng đã phát hành một lượng lớn trái phiếu được điều chỉnh theo lạm phát. Như vậy, nước này càng trở nên dễ tổn thương hơn khi giá cả tăng cao.