Theo hãng tin Bloomberg, rất nhiều người tiêu dùng Mỹ hiện nay lâm vào tình cảnh mua một chiếc xe hơi mà nhà sản xuất đã ngừng chế tạo, hoặc chẳng cung ứng nổi chế độ hậu mãi. Hậu quả là nhiều người phải vất vả duy trì bảo dưỡng những chiếc xe này hoặc đơn giản là chỉ vứt xó làm cảnh, chấp nhận mua một chiếc ô tô khác. Những phương tiện này thường bị gọi là “những chiếc xe xác sống” (Zombie Cars).
Điều tương tự cũng đang diễn ra với thị trường xe điện khi vô số các nhà sản xuất mới tự hào tuyên bố thành quả đột phá, tham gia cuộc cách mạng mới của toàn ngành nhưng lại chẳng thể sản xuất được hàng loạt với số lượng đủ lớn để đáp ứng nhu cầu thị trường. Nhiều startup thậm chí còn chẳng thể đảm bảo được chế độ hậu mãi cho các dòng xe điện cũ của họ khi đã ngừng sản xuất vì công nghệ lỗi thời.
Hàng loạt những cái tên như Lucid, Rivian, Lordstown Motors...nghe lạ hoắc xuất hiện trên thị trường thay thế cho Ford, Toyota, Mercedes...Tuy nhiên nhiều người mua sản phẩm của các startup này thuần túy vì hiếu kỳ, hoặc đơn giản chỉ để trưng bày cho đẹp chứ không thực sự sử dụng thường xuyên như xe xăng.
Câu hỏi đặt ra hiện nay là khi cuộc chiến dìm giá của Elon Musk kết thúc và nhiều startup xe điện đóng cửa, hoặc dừng sản xuất các dòng xe điện cũ thì những khách hàng đầu tiên ủng hộ họ sẽ như thế nào?
Mật ngọt ruồi bu
Hãng tin Bloomberg cho biết thị trường xe điện hiện nay chẳng khác nhiều thời kỳ đầu ô tô xăng bùng nổ.
Kể từ khi Henry Ford cùng những đối thủ của ông thổi bùng lên cuộc chiến xe xăng vào năm 1903, đã có thời điểm nước Mỹ có đến 2.500 doanh nghiệp sản xuất ô tô. Người người, nhà nhà khi đó đổ xô vào mảng kinh doanh mới, được mệnh danh là tạo nên cuộc cách mạng toàn ngành này.
Hiện nay, Mỹ chỉ còn 50 hãng xe.
Thậm chí ngay cả những thương hiệu còn trụ lại được thì đằng sau thành công của mỗi chiếc xe là vô số những dòng sản phẩm thất bại hoặc bị bỏ đi khác.
Số liệu của Hagerty cho thấy gần 1/5 số xe “xác sống” hiện nay được sản xuất bởi những công ty không còn tồn tại.
Người Mỹ yêu xe hơi là chuyện ai cũng biết, nhưng cuộc cách mạng ô tô đã khiến vô số người lâm vào cảnh sử dụng những dòng sản phẩm bị thay thế không còn được sản xuất, khiến họ phải săn lùng từng linh kiện mỗi khi muốn bảo trì hoặc thay thế.
Theo Bloomberg, điều tương tự cũng đang diễn ra với xe điện khi vô số công ty đua nhau cho ra đời các dòng sản phẩm, khuyến khích khách hàng mua xe mà chẳng biết bao giờ sẽ ngừng sản xuất, hoặc thậm chí là sống sót nổi qua đợt dìm giá của nhà Elon Musk hay không.
Xin được nhắc là ngoài 14 tập đoàn xe hơi lớn, vô số những startup ô tô điện cũng tham chiến và thuyết phục khách hàng rằng họ sẽ tồn tại dài lâu để chịu trách nhiệm cho sản phẩm. Thế nhưng những con số chẳng bao giờ nói dối và các khách hàng mua xe điện đời đầu có lẽ đang hối hận.
Sự cạnh tranh gay gắt của toàn ngành xe điện với vô số người chơi tham gia đang khiến các công ty đốt tiền chưa từng có cho các dự án xây dựng nhà máy, thiết lập chuỗi cung ứng và kênh phân phối. Trong khi đó cuộc chiến dìm giá khiến các hãng xe điện chẳng có mấy lợi nhuận, nếu không muốn nói là lỗ nặng.
Ví dụ cho mỗi chiếc xe điện Lucid bán được năm 2022, startup này đem về doanh thu 139.000 USD nhưng chi phí sản xuất, bán hàng lại lên đến 376.000 USD. Tương tự, Rivian lỗ 235.000 USD cho mỗi chiếc xe tải điện họ bán trong năm ngoái.
Thậm chí đến Tesla cũng phải giảm giá sâu, chấp nhận ăn mòn lợi nhuận để tranh giành thị phần.
Hậu quả của tình hình này là rất rõ ràng. Tổng mức vốn hóa thị trường của Rivian đã giảm 12 tỷ USD kể từ mức 150 tỷ USD lúc mới ra mắt cuối năm 2021, trong khi Lordstown Motors thì cho biết nếu thương vụ với Foxconn không thành công thì hãng sẽ phải nộp đơn xin phá sản.
Kinh doanh thua lỗ, đốt quá nhiều tiền của nhà đầu tư mà không giành nổi thị phần còn khách hàng thì từ chối mua sản phẩm vì lo sợ hãng không chịu trách nhiệm đến cùng. Hàng loạt những thông tin tiêu cực khiến ngành xe điện chẳng hề hấp dẫn như lời đồn.
Theo bảng xếp hạng Altman Z Scores, một biểu đồ đo lường khả năng phá sản của các hãng xe điện trên thế giới, thì ít nhất 6 startup non trẻ hiện nay đang có nguy cơ đóng cửa.
Không như lời đồn
Khảo sát của JD Power cho thấy 6/10 số người mua xe được hỏi cho biết đã suy nghĩ về việc thử sản phẩm ô tô điện. Thế nhưng họ lại chỉ nghĩ đến những thương hiệu có tiếng, biết chịu trách nhiệm về sản phẩm chứ không phải các startup mới nổi hay những tên tuổi lạ hoắc trên thị trường.
Đây là lý do chính cho cuộc đua dìm giá giành thị phần, nhận diện thương hiệu của Tesla cùng nhiều hãng xe điện hiện nay. Thật không may, những người chơi vào sau hoặc không phải công ty có truyền thống xe xăng sẽ khó có lợi thế.
Ngay cả như vậy, phó chủ tịch Elizabeth Krear của JD Power cũng cho rằng việc vô số người chơi liên tục cho ra các dòng sản phẩm mới sẽ khiến thị trường trở nên hỗn loạn hơn. Công nghệ ngày một phát triển khiến những chiếc xe điện mới mua nhanh chóng trở thành đồ cổ, bị mất giá và tác dụng tiêu cực ngược trở lại tâm lý khách hàng.
Cái bẫy giăng ra
Một chiếc xe, bất kể là xe điện hay ô tô xăng không chỉ là một sản phẩm đơn nhất mà là cả một hệ sinh thái, từ bảo dưỡng bảo trì cho đến vô số những phụ tùng, dịch vụ, phần mềm đi theo.
Bởi vậy khi mua xe, khách hàng rất ngại việc công ty không chịu trách nhiệm, ngừng sản xuất dòng sản phẩm đó. Phụ tùng thay thế sẽ dần khan hiếm, thợ máy cũng dần quên đi những hiểu biết cần có về dòng xe.
“Đến một lúc nào đó thì những chiếc xe ‘xác sống’ này chẳng khác gì đồ trang trí trong nhà bạn cả”, tổng biên tập Brian Moody của tờ Autotrader cười nói.
Chính bởi vì điều này mà người mua thường thích các thương hiệu lớn lâu năm, bởi chỉ có hệ sinh thái của họ mới đủ lớn để chịu trách nhiệm cho nhiều dòng sản phẩm.
Ví dụ như chiếc Corvette đời cũ vẫn được người Mỹ sử dụng bởi GM đã sản xuất gần 2 triệu chiếc trong hơn 70 năm và luôn có đồ phụ tùng thay thế cũng như thợ sửa chữa lành nghề. Thế nhưng sản phẩm của Tesla thì chưa tạo được độ tin cậy dài lâu đến như thế. Các startup như Lucid, Rivian hay Polestar cũng mới chỉ sản xuất được chưa đến 130.000 xe điện.
Đó là chưa kể những chiếc ô tô điện tích hợp cả phần mềm và nhiều công nghệ mới, nghĩa là những người mua xe điện cũ sẽ phải cập nhật liên tục rất nhiều thứ khi kỹ thuật này vẫn đang cần hoàn thiện.
Bạn không tin ư? Hãy hỏi những người mua dòng xe điện đầu tiên trên thế giới, Coda vào năm 2012, hoặc những khách hàng của Fisker Karma năm 2009.
Tất nhiên nếu người mua giàu có thì chẳng có gì phải lo lắng. Ví dụ như nhà đầu tư bất động sản Ryan Dossey tại Florida đã bán chiếc Tesla Model X đi để mua một chiếc Lucid Air.
“Khi nào dòng xe này cũ thì tôi chỉ đơn giản là bán, hoặc vứt nó đi là xong”, anh Dossey nói thẳng.