Thâm hụt thương mại hàng hoá của Mỹ với Trung Quốc trong năm 2023 giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2010 - một tin tốt đối với cựu Tổng thống Donald Trump, người đã phát động chiến tranh thương mại Mỹ-Trung như một biện pháp để giải quyết mức thâm hụt thương mại khổng lồ kéo dài nhiều năm.
Số liệu do Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 7/2 cho thấy tổng giá trị hàng hoá mà Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc trong năm ngoái nhiều hơn 279 tỷ USD so với tổng giá trị hàng hoá mà nước này xuất khẩu sang Trung Quốc trong cùng khoảng thời gian.
Nếu tính theo tỷ trọng so với tổng sản phẩm trong nước (GDP), thâm hụt thương mại hàng hoá mà Mỹ có với Trung Quốc trong năm qua chỉ tương đương 1% GDP của Mỹ - mức thấp nhất kể từ năm 2002.
Hàng hoá Trung Quốc vào Mỹ đã phải đối mặt với hàng rào thuế quan cao hơn kể từ khi ông Trump khởi động cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung trong nhiệm kỳ cầm quyền của ông. Khi lên cầm quyền, chính quyền của Tổng thống Joe Biden cũng tìm cách giảm bớt vai trò của Trung Quốc trong các chuỗi cung ứng của Mỹ và thay vào đó, thúc đẩy quan hệ thương mại với các đồng minh và đối tác chiến lược của Washington.
“Dữ liệu năm 2023 là một sự xác nhận rằng xu hướng địa lý trong hoạt động nhập khẩu của Mỹ đang dịch chuyển khỏi Trung Quốc sang các đối tác khác”, nhà kinh tế cấp cao Maeva Cousin của tổ chức nghiên cứu kinh tế Bloomberg Economics thuộc hãng tin Bloomberg nhận định. “Thuế quan từ năm 2018 là một động lực quan trọng của những dịch chuyển này, nhưng giờ đây, chúng ta còn đang chứng kiến những dấu hiệu sớm cho thấy sự đa dạng hoá thương mại của Mỹ mở rộng sang các hạng mục khác nữa”.
Trái ngược với thâm hụt thương mại Mỹ-Trung giảm, thâm hụt thương mại hàng hoá giữa Mỹ với Đức, Italy, Hà Lan và nhiều quốc gia khác tăng mạnh lên mức cao mới.
Thâm hụt thương mại hàng hoá giữa Mỹ với các nền kinh tế gồm Mexico, Hàn Quốc, Đài Loan và Ấn Độ lập kỷ lục mới, phản ánh sự dịch chuyển đang nổi lên trong các dòng chảy thương mại toàn cầu, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị kéo dài, thuế quan tăng, và những gián đoạn chuỗi cung ứng đang thúc đẩy việc thay đổi địa chỉ sản xuất ở khắp nơi trên thế giới.
Thâm hụt thương mại của Mỹ với nước châu Âu có nguy cơ vấp phải phản ứng mạnh từ ông Trump nếu ông tái đắc cử tổng thống Mỹ trong cuộc bầu cử vào tháng 11 năm nay. Theo nguồn thạo tin, ê-kíp vận động tranh cử của ông Trump đã lên kế hoạch cho một loạt biện pháp trả đũa thương mại nhằm vào Liên minh châu Âu (EU) trong trường hợp ông trở lại Nhà Trắng, nhằm xử lý những vấn đề mà họ cho là sự thua thiệt bấy lâu của Mỹ trong quan hệ thương mại giữa hai bờ Đại Tây Dương.
Một điểm khởi đầu trong một nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Trump sẽ là áp thuế quan tối thiểu 10% lên toàn bộ hàng hoá nhập khẩu từ EU, và thuế suất như vậy cũng sẽ được áp dụng đối với hàng hoá Trung Quốc.
Có một điều cần lưu ý là nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc giảm trong năm 2023 không phải chỉ do thuế quan hay căng thẳng địa chính trị. Biến động tỷ giá, lượng hàng tồn kho còn lớn ở Mỹ, và nhu cầu tiêu dùng yếu đi đôi chút cũng là những yếu tố dẫn tới sự suy giảm đó. Ngoài ra, việc dịch chuyển sản xuất cũng đã diễn ra từ trước khi nổ ra chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, do chi phí nhân công ở Trung Quốc ngày càng cao.
Chưa kể, theo một phân tích vào năm 2021 của các nhà kinh tế thuộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), thuế quan mà ông Trump áp lên hàng hoá Trung Quốc có thể dẫn tới việc các nhà nhập khẩu Mỹ không báo cáo đầy đủ về lượng hàng mà họ nhập từ Trung Quốc.
Cả năm 2023, thâm hụt thương mại của Mỹ là 773,4 tỷ USD, giảm 18,7% so với năm 2022 và là mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2009 - theo Bộ Thương mại Mỹ. Mức thâm hụt này tương đương 2,8% GDP, giảm từ mức 3,7% GDP vào năm 2022.
Trong đó, xuất khẩu năm 2023 của Mỹ tăng 1,2%, đạt kỷ lục 3 nghìn tỷ USD, dẫn đầu là các mặt hàng máy móc và trang thiết bị, ô tô, linh kiện và động cơ. Nhập khẩu giảm 3,6%, còn 3,8 nghìn tỷ USD, với mức giảm nhiều nhất thuộc về các nhóm mặt hàng xăng dầu và sản phẩm tiêu dùng.