Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, đã chỉ rõ những tồn tại này trong Báo cáo trước Quốc hội ngày 21/11, về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023.
Phát hiện vi phạm về kinh tế 232.197 tỷ đồng, 1.031 ha đất
Đối với kết quả thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, ông Phong cho biết, toàn ngành Thanh tra đã triển khai 9.382 cuộc thanh tra hành chính và 211.545 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.
Qua thanh tra chấn chỉnh quản lý, kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế 232.197 tỷ đồng, 1.031 ha đất; kiến nghị thu hồi 166.239 tỷ đồng, 483 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 65.959 tỷ đồng, 548 ha đất. Đồng thời kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 2.269 tập thể và 8.242 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 404 vụ, 459 đối tượng.
Toàn ngành tiến hành đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 10.860 kết luận và quyết định xử lý về thanh tra, đã xử lý, thu hồi 6.769 tỷ đồng, 30 ha đất; xử lý hành chính 3.867 tổ chức, 9.638 cá nhân; khởi tố 16 vụ, 34 đối tượng.
Cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã giải quyết 23.023/29.277 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 78,6%. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho nhà nước 11,8 tỷ đồng, 16,4 ha đất; trả lại cho tổ chức, cá nhân 463,8 tỷ đồng, 20,1 ha đất; khôi phục, đảm bảo quyền lợi cho 516 cá nhân; kiến nghị xử lý 532 người; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý 42 vụ, 34 đối tượng.
Cùng với đó, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 65.259,9 tỷ đồng, trong đó các khoản tăng thu là 4.515,3 tỷ đồng; các giảm chi ngân sách nhà nước là 25.185,5 tỷ đồng; kiến nghị xử lý khác 35.559,1 tỷ đồng.
Đã kiến nghị huỷ bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 252 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý. Đã cung cấp 373 báo cáo kiểm toán và tài liệu có liên quan cho các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Cơ quan Điều tra và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát, ông Phong cho biết.
Các Cơ quan điều tra trong Công an Nhân dân đã thụ lý điều tra 1.103 vụ án/2.951 bị can phạm tội về tham nhũng; trong đó khởi tố mới 732 vụ án/2.106 bị can. Đã kết luận điều tra, đề nghị truy tố 499 vụ án/1.205 bị can
Về công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn truy tố, Viện kiểm sát các cấp thụ lý giải quyết 743 vụ/1.987 bị can (trong đó án mới 699 vụ/1.920). Tòa án Nhân dân các cấp giải quyết theo thủ tục sơ thẩm 747 vụ/1.800 bị cáo; đã giải quyết 699 vụ/1.800 bị cáo, trong đó xét xử 562 vụ/1.207 bị cáo về các tội tham nhũng.
Công tác thi hành án liên quan đến việc thu hồi tài sản tham nhũng, ông Phong cho hay, tổng số phải thi hành có 4.879 việc, với số tiền hơn 97.261 tỷ đồng; đã thi hành xong 2.264 việc đã thi hành xong hơn 20.405 tỷ đồng.
Tham nhũng ngày càng tinh vi, diễn biến phức tạp
Đánh giá về công tác phòng chống tham nhũng, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, trong năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan chức năng đã nỗ lực lớn, quyết tâm cao, thực hiện nghiêm túc kết luận của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo. Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, có bước tiến mới, quyết liệt, đồng bộ, toàn diện và hiệu quả hơn.
Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng được đẩy mạnh, thường xuyên được rà soát, điều chỉnh phù hợp với thực tế; nhiều biện pháp phòng ngừa đã phát huy hiệu quả trong thời gian qua. Kiên quyết làm rõ, quy trách nhiệm chính trị của người đứng đầu để xảy ra vi phạm, từ đó khuyến khích cán bộ tự giác nhận khuyết điểm, nhận trách nhiệm, xin từ chức.
Tổng thanh tra Chính phủ đánh giá, tham nhũng ngày càng tinh vi, diễn biến phức tạp; phát sinh nhiều vụ việc có tổ chức, mang tính lợi ích nhóm; tài sản tham nhũng có giá trị lớn, có yếu tố nước ngoài. Tham nhũng không chỉ xảy ra trong khu vực nhà nước mà xảy ra ở cả khu vực ngoài Nhà nước...
Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử được đẩy mạnh, phát hiện, xử lý nghiêm nhiều vi phạm; chủ động phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố các vụ án đặc biệt nghiêm trọng trong các lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động khép kín, có tổ chức.
Đặc biệt đã điều tra, truy tố, xét xử vắng mặt những đối tượng bỏ trốn; mở đường để xử lý nhiều đối tượng bỏ trốn ở một số vụ án khác; là cơ sở để dẫn độ tội phạm đã được tòa án kết tội; là hồi chuông cảnh tỉnh, răn đe, cơ sở để nghiên cứu, ban hành án lệ, áp dụng thống nhất trên cả nước, Tổng Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh.
Cùng với đó, việc thành lập, triển khai hoạt động có hiệu quả Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, tạo sự đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, bước đầu khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Số vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực được phát hiện, xử lý tăng cao so với năm 2022. Kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời những trường hợp tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan chống tham nhũng, tiêu cực.
Tuy nhiên, ông Phong cũng thẳng thắn chỉ ra tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực còn diễn biến phức tạp, nghiêm trọng. Trong đó nổi lên là các sai phạm lớn trong lĩnh vực đất đai, đấu thầu, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, hoạt động ngân hàng, đăng kiểm, y tế... gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; có sự câu kết, móc nối giữa cán bộ thoái hoá với doanh nghiệp, tổ chức để trục lợi, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý có biểu hiện làm việc cầm chừng, né tránh, sợ sai không dám làm.
Ngoài ra, quy định của pháp luật trên một số lĩnh vực còn sơ hở, bất cập, chậm được sửa đổi, bổ sung, nhất là lĩnh vực đất đai, đấu giá, đấu thầu, định giá, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp…
Công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ chưa nhiều chuyển biến. Vẫn xảy ra các vụ việc tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan có chức năng phòng chống tham nhũng, tiêu cực, gây dư luận không tốt.
Công tác giám định, định giá tài sản, cung cấp thông tin, tài liệu trong một số vụ án, vụ việc còn chậm, chất lượng còn hạn chế; thu hồi tài sản mặc dù tăng cao so với giai đoạn trước nhưng giá trị tài sản phải thu hồi còn tồn đọng lớn.
Tổng thanh tra Chính phủ cho biết, trong năm 2024, sẽ tập trung kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp khi giao dịch với cơ quan nhà nước; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng…
Triển khai các cuộc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm việc thực hiện các quy định pháp luật về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo kế hoạch và chỉ đạo của Ban chỉ đạo. Tăng cường thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật. Kịp thời chuyển ngay các vụ việc có dấu hiệu tội phạm phát hiện qua thanh tra sang cơ quan điều tra để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, tiêu cực. Đẩy nhanh tiến độ điều tra, xác minh các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, nhất là các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; triệt để thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt; kiên quyết khắc phục tệ “tham nhũng vặt” và tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”.