Nếu bạn là một nhân viên trẻ và tài năng, cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp sẽ không ở quá xa. Song, khi được tuyển vào vị trí cao từ quá sớm, bạn dễ dàng rơi vào kiệt quệ và thất bại, theo Courtney Hamilton, giám đốc điều hành (managing director), và Taylor Griffin, giám đốc vận hành (COO), tại công ty huấn luyện lãnh đạo The Miles Group.
Trong tập gần đây của chuỗi podcast C-Suite Intelligence thuộc The Miles Group, Hamilton và Griffin đã thảo luận về một vấn đề nổi cộm chốn văn phòng liên quan đến người lao động chưa đạt chuẩn (“uniquely unqualified” employees hay high-potential employees). Họ là những người trẻ, có tài năng nhưng thiếu kinh nghiệm và thường xuyên được các doanh nghiệp săn lùng.
Trong một cuộc khảo sát năm 2010 của tạp chí Harvard Business Review, 98% công ty được nghiên cứu tìm kiếm có chủ đích những kiểu nhân viên này.
Dù vậy, những công ty này lại không phát triển số lao động tìm được một cách phù hợp. Họ tuyển dụng và thăng chức cho nhân viên quá nhanh mà không thực sự cân nhắc kỹ lưỡng. Kết quả, người mới sẽ phát hiện bản thân đảm nhận một vị trí cao mà không có hoặc có rất ít kỹ năng và kinh nghiệm làm việc liên quan.
Thực tế, cất nhắc và thăng chức nhân viên yêu cầu sự tỉ mỉ và tinh tế nhất định. Việc này phải được thực hiện đủ sớm để giữ chân người lao động cũng như đủ muộn để họ tích lũy kinh nghiệm phù hợp cho chức vụ mới.
Dưới đây, CNBC Make It tổng hợp những phân tích hữu ích từ Hamilton và Griffin giúp bạn cẩn thận hơn với mỗi đề nghị thăng tiến được đưa đến.
Rủi ro
Hầu hết mọi sự thăng tiến đều đi kèm hai loại rủi ro liên quan đến phạm vi công việc (scale risk) và khả năng đảm nhận (scope risk).
Scale risk xảy ra khi bạn được giao những công việc tương tự trước đây song với phạm vi và yêu cầu lớn hơn nhiều. Chẳng hạn, thay vì quản lý công ty trị giá 100 triệu USD như cũ, người CEO, giám đốc điều hành, được đề bạt chịu trách nhiệm cho công ty trị giá 500 triệu USD.
Trong khi đó, scope risk diễn ra khi nhiệm vụ mới được giao hoàn toàn mới mẻ đối với bạn. Những đầu việc này không thực sự bất khả thi, song khó khăn hơn để những nhân viên mới làm quen và thành thạo.
Tuy nhiên, khả năng xử lý công việc mới của nhân viên tiềm năng chỉ phần nào góp vào thành công trong sự nghiệp. Những yếu tố khác chủ yếu liên quan đến những người xung quanh họ.
Đội ngũ làm việc hòa hợp
Vì chưa có kỹ năng hoặc kinh nghiệm cần thiết, nhân viên mới lên chức sẽ cần sự hỗ trợ từ đồng nghiệp hay những người cùng bộ phận. Nói cách khác, họ cần biết tận dụng đội ngũ của mình.
Tuy nhiên, cân bằng năng lực trong nhóm làm việc khi có người mới không phải là điều dễ dàng. Kinh nghiệm và khả năng của mỗi người thường không đồng đều. Nếu huấn luyện theo những cách quá cũ kỹ, nhân viên mới có thể bị hạn chế năng lực trong đề xuất những ý tưởng mới mẻ và có ích.
Theo Hamilton và Griffin, để thành công trong sự nghiệp, chúng ta cần đến nhóm làm việc hòa hợp. Nói cách khác, đội ngũ nhân viên cần high-potential employees cùng với anchors - những người giàu kinh nghiệm, cứng cáp với chức vụ cũng như sẵn sàng hỗ trợ những người đồng nghiệp yếu kém hơn.
Để làm được điều này, các nhà quản lý cần thường xuyên suy xét và phân loại nhân viên của mình. Theo đó, họ sẽ dễ dàng phân biệt và ưu tiên vị trí cho những tài năng “mới chớm” và nhân viên “lão luyện”.
Trong trường hợp thuộc vào hàng nhân viên mới, bạn có thể dùng chiến lược này để xác định xem thăng chức có thực sự phù hợp với bạn không. Theo đó, khi chật vật với chức danh mới, bạn sẽ biết cách tìm sự giúp đỡ từ những người đồng nghiệp giàu kinh nghiệm.