Thị trường chứng khoán đang bước vào tháng Ngâu (tháng 7 Âm lịch), khoảng thời gian khiến nhiều người khá kiêng kị trong việc đầu tư nói chung và chứng khoán nói riêng. Thị trường chung thường lệch pha bởi thiếu vắng thông tin hỗ trợ, tâm lý nhà đầu tư cũng thiếu tích cực.
Theo thống kê các chỉ số chứng khoán trong tháng Ngâu của giai đoạn 12 năm liên tiếp từ 2010 đến 2021, chỉ số UPCoM tăng được 1,62%, HNX đi lên 0,77%, VN-Index có thêm 0,35% và kém nhất là VN30 với mức tăng chỉ 0,25%.
Nói về biến động này, Kinh tế trưởng SSI Phạm Lưu Hưng cho biết tháng Ngâu cũng thường rơi vào tháng 8 Dương lịch. Đây là thời điểm mà số liệu kinh doanh của các doanh nghiệp đã bắt đầu được định hình cho bức tranh cả năm.
"Đây là lúc đó câu chuyện của năm hiện tại cũng đã phản ánh khá nhiều vào giá cổ phiếu, nếu đầu tư dài hạn thì là lúc phải nhìn sang triển vọng năm sau", ông nói.
Chuyên gia vĩ mô khuyến nghị nhà đầu tư nên nhìn các yếu tố cơ bản và bắt đầu phải nhìn sang triển vọng năm sau để có kế hoạch riêng, không nên nhìn quá nhiều vào yếu tố ngắn hạn bởi câu chuyện 2022 đã khá rõ với nhiều nhóm ngành.
Trong khi đó, Giám đốc Môi giới chứng khoán cá nhân Trần Đăng Nam tin rằng tháng Ngâu là đầu chu kỳ đi săn mới của "bầy sói", chu kỳ này có thể kéo dài đến cuối năm hoặc thậm chí đầu năm sau.
Hơn nửa năm kinh doanh thì các doanh nghiệp cũng đã bộc lộ những kết quả tốt xấu khác nhau, có sự phân hóa về những ngành chịu tiêu cực và cũng lộ diện những ngành được ưu ái về chính sách chung.
"Vào đầu chu kỳ, những cái 'con sói' phải tìm kiếm và lựa chọn điểm mua phù hợp. Họ thường không đẩy giá cổ phiếu ngay lúc đầu mà sẽ đẩy mạnh giá vào cuối chu kỳ. Do vậy biến động tăng trong tháng 7 âm lịch thường khá thấp", ông Nam nhận định.
Vị Giám đốc môi giới chứng khoán tin rằng trong bất cứ giai đoạn nào của thị trường thì vẫn luôn có một nhóm các doanh nghiệp được hưởng lợi, bất luận thị trường khó khăn đến thế.
Đơn cử khi dòng tiền khó khăn như thời gian vừa qua bởi không thể dàn trải, thay vào đó sẽ tập trung vào số ít các ngành như lương thực, thực phẩm và năng lượng. Đây là các ngành phòng thủ tốt bởi trong khó khăn thì vẫn phải tiêu dùng thực phẩm và năng lượng.
Ông Phạm Lưu Hưng nêu quan điểm ưa thích cổ phiếu ngân hàng hơn trong ngắn hạn. Điều này do nợ xấu từ đợt Covid-19 không tác động nhiều như kỳ vọng và triển vọng lợi nhuận nửa cuối năm của các ngân hàng vẫn ở mức cao đến 40%.
Trong khi đó các rủi ro liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp hay tăng trưởng tín dụng là các rủi ro về trung dài hạn, do vậy cơ hội ngắn hạn với cổ phiếu ngân hàng vẫn có.
Ngược lại, kinh tế trưởng của SSI không ưu thích các cổ phiếu có liên quan đến biến động giá cả hàng hóa và nhóm cổ phiếu có xuất khẩu trong tháng Ngâu này.