Trong nhiều năm qua, cuộc chiến giữa các đại cổ đông tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank – mã chứng khoán EIB) đã luôn là mối quan tâm nóng hổi trên thị trường tài chính. Cho đến khi cuộc họp Đại hội cổ đông thường niên 2021 được tổ chức thành công vào ngày 15/02/2022 (sau 11 lần bất thành), Eximbank được cho rằng đã xác lập xong cục diện với sự "phân chia" của các nhóm cổ đông lớn: nhóm có liên hệ với Hoàn Cầu Group - Bamboo Capital (BCG); nhóm đại diện cho Thành Công Group và Âu Lạc; đại diện của cổ đông ngoại SMBC.
Theo số liệu chúng tôi có được, vào tháng 1/2022, nhóm các đơn vị và cá nhân liên quan đến Hoàn Cầu và Bamboo Capital nắm hơn 25%. Nhóm đơn vị và cá nhân liên quan đến Thành Công Group – Âu Lạc nắm gần 32%.
Tổng số cổ phần của VOF Investment Limited (VOF) - một quỹ đầu tư của VinaCapital, SMBC, nhóm Thành Công, Âu Lạc tại thời điểm đầu năm là 51,52%. Và đến lúc này, các đơn vị đó đều đã hoặc chuẩn bị rút khỏi Eximbank.
Cụ thể, vào đầu tháng 3/2022, VOF đã bán ra toàn bộ số cổ phiếu EIB mà đơn vị này nắm giữ, tương đương 4,93% vốn cổ phần.
Còn SMBC – tổ chức nắm 15% vốn cổ phần của EIB cũng thông báo chính thức chấm dứt thỏa thuận liên minh chiến lược với Eximbank. Dù SMBC chưa chính thức thoái vốn nhưng mới đây, ông Võ Quang Hiển – đại diện tại Eximbank theo ủy quyền của SBMC thông báo đã không còn là thành viên HĐQT Eximbank.
2 ngày trước, đến lượt Tập đoàn Thành Công thông báo đăng ký bán toàn bộ 60,54 triệu cổ phiếu EIB. 2 tổ chức khác thuộc nhóm Thành Công là Hợp tác xã cổ phần Thành Công đăng ký bán hết hơn 44,7 triệu cổ phiếu và CTCP Phúc Thịnh đăng ký bán hơn 12,3 triệu cổ phiếu EIB.
Tổng khối lượng nhóm cổ đông muốn bán là hơn 117,6 triệu cổ phiếu, tương đương 9,52% tổng số cổ phần đang lưu hành, đều theo phương thức thỏa thuận trong thời gian từ 7/10 đến 31/10.
Trước đó, một cổ đông khác được cho là “cùng phe” với Tập đoàn Thành Công trong cuộc chiến vương quyền tại Eximbank là CTCP Âu Lạc - doanh nghiệp gắn liền với doanh nhân Ngô Thu Thúy, trong nửa đầu năm nay cũng đã bán gần hết lượng cổ phiếu EIB mà đơn vị này nắm giữ (0,35%).
Nhóm Âu Lạc của bà Ngô Thu Thuý đã có mặt tại ngân hàng từ năm 2015. Khi đó, bà Ngô Thu Thuý - chủ tịch CTCP Âu Lạc giữ vị trí cố vấn cấp cao HĐQT Eximbank. Ông Lê Minh Quốc - cựu Phó Chủ tịch HĐQT Âu Lạc giữ vị trí Chủ tịch HĐQT Eximbank từ cuối năm 2015 đến tháng 5/2019 trước khi ngân hàng có Nghị quyết chấp thuận đơn từ nhiệm của ông này. Một đại diện khác thuộc nhóm Âu Lạc trong Eximbank là Thành viên HĐQT Nguyễn Thanh Tùng – vốn là cựu Thành viên HĐQT Âu Lạc.
Tính đến tháng 1/2022, bà Ngô Thu Thúy nắm giữ 60,5 triệu cổ phiếu EIB tương đương 4,9% vốn cổ phần của ngân hàng này. Hiện tại, không rõ bà Thúy còn giữ EIB hay không nhưng với xu hướng rút chân của nhóm Thành Công và CTCP Âu Lạc thì rất có khả năng bà Thúy cũng đã chào tạm biệt Eximbank.
Tại EIB, giao dịch thỏa thuận thường diễn ra rất sôi động với khối lượng lớn. Riêng tại ngày 30/09, hơn 70 triệu cổ phiếu này được trao tay qua hình thức thỏa thuận, tương đương giá trị 2.742 tỷ đồng.
Do đó, thị trường đang chờ đợi xem đơn vị nào sẽ thế chân nhóm này ở Eximbank.
Trước cuộc họp ĐHCĐ then chốt nói trên của Eximbank, thị trường đã có tin đồn Nova Group tham gia mua cổ phần, tuy nhiên lãnh đạo ngân hàng này lúc đó nói rằng chỉ là tin đồn. Nova Group nhiều lần là cái tên được nhắc đến mỗi khi xuất hiện thông tin M&A mới nào đó trên thị trường, nhất là ở lĩnh vực tài chính – khi mà hệ sinh thái đa ngành đồ sộ của Tập đoàn do ông Bùi Thành Nhơn làm chủ tịch có một Tổng công ty mang tên Nova Finance nhưng chưa có thành viên nào cụ thể.
Ngoài NovaGroup, Doji của ông Đỗ Minh Phú cũng từng bị lôi vào tin đồn mua lại 15% cổ phần Eximbank từ SMBC để mở rộng quy mô mảng ngân hàng sau khi đã khá thành công với TPBank. Phía Doji nhanh chóng bác bỏ thông tin này.