Trong năm qua, con phố mua sắm Myeongdong nổi tiếng ở thủ đô Seoul dần lấy lại được sức sống vốn có của nó, khi các biện pháp giãn cách xã hội tại Hàn Quốc được dỡ bỏ và khách du lịch quay trở lại.
Vốn phụ thuộc nhiều vào du khách nước ngoài, hoạt động kinh doanh của con phố bắt đầu hồi phục trở lại. Trên vỉa hè, dòng người đứng quanh phía trước những xe hàng rong bán đồ ăn và tiếng nhạc sôi động phát ra từ các cửa hàng.
Cơ quan Du lịch Seoul thống kê có 490.000 người nước ngoài đã truy cập website của trung tâm thông tin này từ tháng 1 đến tháng 11 năm ngoái, tăng gấp 8 lần so với năm 2021. Trong đó, thông tin về Myeongdong có nhiều lượt truy cập nhất, với gần 13.000 lượt.
Hiện tại, con phố này vẫn huyên náo, đầy ắp người bán hàng và khách du lịch. Từ đầu giờ chiều, bàn ăn trong các nhà hàng và quán cà phê đều có người ngồi.
Nhưng đặc trưng nổi tiếng nhất của Myeongdong – những dãy cửa hàng mỹ phẩm nối đuôi nhau – vẫn đang “vật lộn” để trở lại thời huy hoàng trước đây.
Các cửa hàng trống trơn
Bettina Prado và Jillian Lee (đều 16 tuổi, Philippines), từng du lịch Hàn Quốc vài lần trước khi Covid-19 xảy ra. Vào chuyến đi gần nhất vào đầu năm 2023, điểm dừng chân đầu tiên của cả hai là Myeongdong.
Hai thiếu nữ hào hứng đi mua sắm đồ make up, skincare như các lần trước, song họ bị sốc khi quang cảnh đã thay đổi quá nhiều.
“Dường như khu vực này không còn gì thú vị, nó không còn sống động như trước nữa”, Lee nói.
Hội đồng Khu du lịch đặc biệt Myeongdong ước tính có khoảng 180 cửa hàng mỹ phẩm ở khu phố này vào năm 2019. Con số đó đã giảm mạnh xuống dưới 40 cơ sở vào tháng 6 năm ngoái.
Trong quý II năm 2022, tỷ lệ cửa hàng trống ở “thánh địa đồ make up” chạm ngưỡng cao nhất từng có: 52,5%, nghĩa là có thời điểm hơn một nửa cửa hàng trống. Các cửa hàng bán đồ trang điểm, dưỡng da chiếm phần lớn trong thống kê đó.
Với những cơ sở còn trụ lại, các nhân viên đang làm việc đều có chung ý kiến rằng doanh số vẫn ở mức ảm đạm. Một nhân viên có 9 năm làm việc ở khu vực này cho biết vào thời kỳ đỉnh điểm của dịch bệnh, cả ngày thậm chí còn không có vị khách nào và doanh số còn không được 100.000 won.
“Giờ đây, chúng tôi phục hồi được khoảng 25% doanh số so với trước đây 3 năm”.
Myeongdong nổi tiếng với giá bất động sản đắt đỏ - một yếu tố khác khiến việc kiên trì vượt qua thời kỳ kinh doanh đóng băng càng trở nên khó khăn hơn.
Chi nhánh Myeongdong của hãng mỹ phẩm địa phương Nature Republic nằm vị trí đẹp, đã đứng đầu bảng xếp hạng bất động sản đắt nhất (tính trên m2) của Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc trong 20 năm liên tiếp, với giá trị vào khoảng hơn 29 tỷ won.
Sau dịch bệnh, thương hiệu này đã mở cửa lại 2 cơ sở ở con phố mua sắm và có kế hoạch mở mới một cửa hàng trong cùng khu vực.
8 bất động sản khác có mặt trong danh sách đều là các cửa hàng ở Myeongdong, bao gồm cả chi nhánh Ngân hàng Woori.
Du khách ngại chi
Nhưng theo các chủ kinh doanh quy mô nhỏ hơn, việc kiếm sống vẫn đầy rẫy nhọc nhằn. Mặc dù lượng khách quay lại tăng dần, điều dễ nhận thấy là các du khách không vung tiền thoáng tay như trước.
Trong đó, lượng khách Trung Quốc vắng mặt suốt 3 năm qua để lại khoảng trống lớn, khó bù đắp.
Nhóm khách này là nguồn thu khổng lồ cho ngành công nghiệp mỹ phẩm, dưỡng da của Hàn Quốc. Các chủ cửa hàng thậm chí còn từng đùa nhau rằng khi một khách Trung Quốc ghé vào, họ không hỏi giá từng món mà thường mua hết theo ý thích.
Hiện tại, dù Trung Quốc đã mở cửa biên giới trở lại, chính phủ Hàn Quốc vẫn áp dụng biện pháp nhập cảnh nghiêm ngặt đối với du khách đến từ nước này ngay khi năm 2023 vừa bắt đầu.
Khách du lịch đến Hàn Quốc từ Trung Quốc đại lục phải nộp kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính trước khi lên máy bay và tiếp tục xét nghiệm PCR khi đến nơi. Các quy định này dự tính kéo dài ít nhất đến cuối tháng 2.
“Chúng tôi đã tiếp khách hàng từ các quốc gia như Singapore, Malaysia, Indonesia và Ấn Độ. Khách Trung Quốc gần như không có”, một quản lý cửa hàng trang điểm có 15 năm làm ở khu Myeongdong cho hay.
Theo người này, mô hình tiêu dùng chắc chắn đã thay đổi, du khách nhạy cảm hơn về giá và suy tính kỹ hơn về những thứ họ chi tiêu.
Ngay cả khi du khách Trung Quốc hoàn toàn quay trở lại Hàn Quốc, một số chủ cửa hàng và nhân viên vẫn “hoài nghi” rằng hoạt động kinh doanh sẽ quay trở lại thời kỳ trước đại dịch.
Trong những năm qua, việc người nước ngoài mua online các sản phẩm làm đẹp của Hàn Quốc trở nên dễ dàng hơn rất nhiều khi ngành này liên tục mở rộng toàn cầu, có nghĩa là việc đến Myeongdong không còn cần thiết nữa.
Siming Hong (24 tuổi), lần thứ hai đi nghỉ ở Hàn Quốc, khẳng định chắc chắn giá các sản phẩm make up tăng đáng kể so với lần cuối cùng cô đến đây 5 năm trước.
“Mặt nạ dưỡng da có giá tương đương hoàn toàn có thể mua được ở Singapore”, cô nói.
Về phần hai cô gái người Philippines, mặc dù thất vọng về nơi từng là một trong những nơi náo nhiệt nhất ở Hàn Quốc, họ vẫn quyết định vung tiền mua sắm ở khu này trước khi về nước.
“Tôi sẽ mua nhiều loại mặt nạ”, Prado tiết lộ.