Dự án thuộc phường Quảng Vinh, thành phố Sầm Sơn do Ban Quản lý dự án xây dựng thành phố Sầm Sơn làm chủ đầu tư. Tổng diện tích đất sử dụng cho dự án khoảng 16,69 ha, chiều dài hơn 2,3 km; chiều rộng mặt đường là 21 m; chiều rộng vỉa hè 12 m.
Tổng mức đầu tư gần 632 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng 282 tỷ đồng; chi phí xây dựng 279 tỷ đồng; dự phòng 53 tỷ đồng và một số loại chi phí khác.
Nguồn vốn từ vốn ngân sách tỉnh Thanh Hóa là 147,6 tỷ đồng; vốn ngân sách thành phố Sầm Sơn, nguồn thu tiền sử dụng đất điều tiết về ngân sách thành phố Sầm Sơn và các nguồn huy động hợp pháp khác 484,366 tỷ đồng (riêng chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng do ngân sách thành phố Sầm Sơn đảm nhận).
Thời gian thực hiện từ năm 2022 – 2025. Mục tiêu đầu tư dự án là từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông của thành phố Sầm Sơn theo quy hoạch; tạo điều kiện thuận lợi kết nối đồng bộ hạ tầng giao thông thành phố Sầm Sơn với thành phố Thanh Hóa.
Năm 2022 vừa qua được xem là cột mốc quan trọng trong phát triển du lịch của thành phố Sầm Sơn. Thành phố nhỏ nhất cả nước này đón tới hơn Sầm Sơn đón tới hơn 7 triệu lượt khách, gấp 4,5 lần so với năm 2021, bằng 200,6% kế hoạch; Phục vụ 14.201.420 ngày khách, gấp 4,04% năm 2021, bằng 172,1% kế hoạch. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt trên 14.000 tỷ đồng.
Thành phố Sầm Sơn hiện có trên 710 cơ sở lưu trú du lịch với trên 25.000 phòng đạt tiêu chuẩn (105 cơ sở lưu trú du lịch được xếp hạng từ 1 đến 5 sao, với 6.955 phòng), khoảng 50 nhà hàng phục vụ ăn uống có sức chứa từ 300 người trở lên và trên 250 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, thương mại khác.
Năm 2023, TP. Sầm Sơn phấn đấu đón 7,25 triệu lượt khách, doanh thu đạt 15.518 tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu này, thành phố Sầm Sơn đã ban hành Chương trình phát triển du lịch, trọng tâm là nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của dịch vụ du lịch, xây dựng hình ảnh con người Sầm Sơn văn minh, thân thiện giai đoạn 2021 - 2025.
Cũng bắt đầu từ ngày 1/1/2023, Nghị quyết 298 của HĐND tỉnh Thanh Hoá về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Sầm Sơn cũng chính thức có hiệu lực.
Theo đó, ngân sách thành phố Sầm Sơn được hưởng 100% số thu tiền sử dụng đất thu được từ 5 dự án khai thác quỹ đất trên địa bàn thành phố, với số thu tiền sử dụng đất không quá 5.000 tỷ đồng; trong đó, số thu tiền sử dụng đất các mặt bằng (không bao gồm các dự án đã thanh toán dự án BT) trong khu đô thị du lịch sinh thái nghỉ dưỡng vui chơi giải trí cao cấp Sầm Sơn (sau khi trừ chi phí giải phóng mặt bằng, chi phí đầu tư hạ tầng) thành phố Sầm Sơn được hưởng 3.000 tỷ đồng (có Phụ lục 1 kèm theo) để thực hiện đầu tư xây dựng 9 công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố (có Phụ lục 2 kèm theo), với điều kiện hằng năm phải hoàn thành dự toán thu tiền sử dụng đất điều tiết về ngân sách tỉnh và tăng thu tiền sử dụng đất trên địa bàn thành phố Sầm Sơn từ 10% trở lên.
Trường hợp số thu tiền sử dụng đất thu được từ 5 dự án khai thác quỹ đất lớn hơn 5.000 tỷ đồng và số thu tiền sử dụng đất các mặt bằng (không bao gồm các dự án đã thanh toán dự án BT) trong khu đô thị du lịch sinh thái nghỉ dưỡng vui chơi giải trí cao cấp Sầm Sơn (sau khi trừ chi phí giải phóng mặt bằng, chi phí đầu tư hạ tầng) lớn hơn 3.000 tỷ đồng, thì phần vượt thu thực hiện theo quy định hiện hành về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, tỷ lệ phần trăm (%) phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Căn cứ hạn mức vay của tỉnh, hình thức vay, đối tượng vay và tình hình thực tế, tỉnh sẽ ưu tiên lựa chọn và đầu tư một số dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố Sầm Sơn từ nguồn vốn tỉnh vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vốn vay từ các tổ chức tài chính trong nước và các nguồn vốn vay khác theo quy định của pháp luật.
Thành phố Sầm Sơn được bổ sung đến mức tối đa 24 tỷ đồng/năm (theo quy định tại Nghị quyết số 01/2021/UBTVQH15 ngày 01 tháng 9 năm 2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội) từ năm 2023 để thực hiện các nhiệm vụ kiến thiết thị chính trên địa bàn thành phố.