Trong tổng thu ngân sách nhà nước quý 1/2023 của tỉnh Thanh Hóa thì thu nội địa đạt trên 6.200 tỷ đồng, đạt 28,5% dự toán, giảm 25,1% so cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 4.150 tỷ đồng, đạt 30,0% dự toán, giảm 12,1% so với cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương quý I/2023 ước đạt gần 12.000 tỷ đồng, đạt 29,4% dự toán, tăng 1,1% so cùng kỳ.
Tổng sản phẩm tăng hơn 6% so với cùng kỳ
Dự toán thu ngân sách trên địa bàn của tỉnh Thanh Hóa năm 2023 là 35.430 tỷ đồng. Trong đó thu nội địa là 21.840 tỷ đồng. Thu từ đất là 7.100 tỷ đồng; thu từ hoạt động xổ số kiến thiết 23 tỷ đồng; thu nội địa khác là 14.717 tỷ đồng.
Một số khoản thu nội địa lớn như thu từ doanh nghiệp có vốn nhà nước trung ương đóng trên địa bàn là 1.680 tỷ đồng; thu từ doanh nghiệp FDI là 4.350 tỷ đồng; thu từ khu vực kinh tế tư nhân là 2.662 tỷ đồng; thu từ thuế bảo vệ môi trường là 1.950 tỷ đồng; thu từ lệ phí trước bạ là 980 tỷ đồng; thu thuế thu nhập cá nhân là 1.100 tỷ đồng. Cục Hải quan Thanh Hóa được giao thu từ hoạt động xuất nhập khẩu là 13.500 tỷ đồng. Tổng nguồn thu ngân sách địa phương là 40.454 tỷ đồng. Trong đó thu nội địa điều tiết ngân sách địa phương là 20.691 tỷ đồng. Thu bổ sung từ ngân sách Trung ương 19.206 tỷ đồng. Bổ sung cân đối ngân sách là 14.247 tỷ đồng. Bổ sung có mục tiêu là 4.959 tỷ đồng.
Thu chuyển nguồn năm 2022 chuyển sang là 362.682 tỷ đồng. Bội chi ngân sách địa phương là 193 tỷ đồng. Tổng chi ngân sách địa phương năm 2023 là: 40.454 tỷ đồng. Trong đó chi đầu tư phát triển: 12.505 tỷ đồng. Chi thường xuyên là 25.475 tỷ đồng.
Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa (GRDP) ước tính quý I năm 2023 tăng 6,21% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,22%; ngành công nghiệp, xây dựng tăng 5,66% (riêng công nghiệp tăng 5,79%); các ngành dịch vụ tăng 10,91%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm giảm 4,08%.
Cụ thể, trong quý 1/2023, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cơ bản ổn định. Tuy nhiên, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn gặp sự cố rò rỉ tại khớp nối giãn nở nhiệt giữa tháp tái sinh xúc tác tầng 1 và 2 của phân xưởng RFCC, nhà máy phải giảm công suất vận hành xuống 85% trong nửa đầu tháng 1; sản xuất điện của Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2 gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm; sản xuất trang phục, giày dép gặp khó khăn do thiếu đơn hàng; sản xuất xi măng, sắt thép tiêu thụ chậm, tồn kho lớn; làm cho chỉ số sản xuất công nghiệp quý 1/2023 tăng thấp so với cùng kỳ.
Chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành ước tính tháng 3/2023 tăng 10,73% so với tháng trước, tăng 5,12% so với tháng cùng kỳ. Tính chung 3 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành tăng 4,55% so với cùng kỳ.
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 3/2023 dự kiến tăng 8,53% so với tháng trước, giảm 11,00% so với tháng cùng kỳ. Tính chung 3 tháng đầu năm 2023, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 8,74% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 3/2023 dự kiến tăng 11,87% so với tháng trước, tăng 29,30% so với tháng cùng kỳ.
Số lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại Thanh Hóa tháng 3/2023 dự kiến tăng 1,50% so với tháng trước, giảm 8,60% so với tháng cùng kỳ. Tính chung 3 tháng đầu năm 2023, số lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp giảm 9,41% so với cùng kỳ.
Doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng nhẹ
Về đầu tư, trong quý 1/2023 công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện thi công xây dựng của nhiều dự án trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ thi công xây dựng và kết quả giải ngân vốn đầu tư đạt thấp. Tổng vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh này quý 1/2023 ước đạt 32.526 tỷ đồng, đạt 23,2% kế hoạch năm, tăng 1,8% so với cùng kỳ, trong đó vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước địa phương ước đạt gần 1.700 tỷ đồng, đạt 13,5% kế hoạch, giảm 17,4% so cùng kỳ năm trước.
Đối với doanh thu bán lẻ hàng hóa, quý 1/2023, doanh thu bán lẻ hàng hoá của tỉnh Thanh Hóa ước đạt 32.315 tỷ đồng, tăng 11,2% so cùng kỳ. Cụ thể, trong đó nhóm hàng lương thực, thực phẩm ước đạt hơn 14.000 tỷ đồng, tăng 12,1%; nhóm đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình 3.650 tỷ đồng, tăng 11,7%; ô tô con các loại (dưới 9 chỗ ngồi) 1.390 tỷ đồng, tăng 0,8%; xăng, dầu các loại 3.933 tỷ đồng, tăng 22,6%...
Cũng trong quý 1/2023, doanh thu dịch vụ lưu trú của tỉnh Thanh Hóa ước đạt gần 660 tỷ đồng, gấp 4,7 lần so với cùng kỳ; số lượt khách phục vụ của khách sạn ước đạt hơn 1.400 nghìn lượt khách, gấp 4,65 lần so với cùng kỳ; ngày khách phục vụ đạt hơn 2.800 nghìn ngày khách, gấp 4,58 lần so với cùng kỳ.
Đối với doanh thu dịch vụ ăn uống tỉnh này ước đạt hơn 4.100 tỷ đồng, gấp 2,4 lần so với cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành ước đạt 21,5 tỷ đồng, gấp 9,5 lần so với cùng kỳ; số lượt khách du lịch theo tour đạt 17,4 nghìn lượt khách, gấp 10,4 lần so với cùng kỳ; số ngày khách du lịch theo tour đạt 47,1 nghìn ngày khách, gấp 10,9 lần so với cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ khác ước đạt 4.073,6 tỷ đồng, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước.
Vận tải hành khách và hàng hóa doanh thu tăng mạnh
Đối với lĩnh vực vận tải hành khách và hàng hóa của tỉnh Thanh Hóa trong quý 1/2023, doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 4.982,4 tỷ đồng, tăng 35,4% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu vận tải hành khách ước đạt 1.300 tỷ đồng, tăng 71,6% so với cùng kỳ, hành khách vận chuyển 10,1 triệu người, hành khách luân chuyển 655,8 triệu người.km; tăng 66,2% về hành khách vận chuyển, tăng 67,3% về hành khách luân chuyển so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu vận tải hàng hóa của tỉnh Thanh Hóa trong quý 1/2023 cũng ước đạt 2.744 tỷ đồng, tăng 27,0% so với cùng kỳ; hàng hoá vận chuyển 18,8 triệu tấn, hàng hóa luân chuyển 779,8 triệu tấn.km, tăng 30,0% về hàng hóa vận chuyển, tăng 27,4% về hàng hóa luân chuyển so với cùng kỳ năm trước; doanh thu kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 920,5 tỷ đồng, tăng 28,2% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ bưu chính, chuyển phát ước đạt 17,7 tỷ đồng, tăng 37,0% so với cùng kỳ năm trước.