Áp lực bán tiếp tục suy yếu trong phiên chiều, giúp các trụ có cơ hội nâng giá lên khá thuận lợi. Loạt blue-chips ngân hàng tăng tốt đã kéo VN-Index tăng 0,74% (+9,24 điểm) lên mức 1254,56 điểm, giành lại ngưỡng hỗ trợ tâm lý 1250 điểm vừa để mất trong phiên cuối tuần qua.
VN-Index chốt phiên ở mức cao nhất ngày với độ rộng tích cực cho thấy lực mua chủ động đã quay lại. Chốt phiên sáng sàn HoSE mới có 144 mã tăng/237 mã giảm nhưng đóng cửa là 276 mã tăng/141 mã giảm. Hàng trăm cổ phiếu đảo chiều thành công là bằng chứng rõ nhất của hiệu quả nâng giá từ bên mua.
Thanh khoản thực sự gây bất ngờ. Chiều nay HoSE và HNX chỉ khớp thêm được 7.404 tỷ đồng, tuy có tăng hơn 38% so với buổi sáng nhưng vẫn là mức thấp chưa từng thấy kể từ cuối tháng 1/2024. Với mức thanh khoản này mà độ rộng thay đổi rất tích cực thì chỉ có thể là bên bán đã “rút lui”.
Thực vậy, rất nhiều cổ phiếu đã bật tăng tốt chiều nay dù thanh khoản rất nhỏ. Loạt cổ phiếu ngân hàng trong rổ VN30 là ví dụ: BID chiều nay tăng tới 1,74% so với giá chốt phiên sáng, đảo chiều thành công vượt tham chiếu 1,5% nhưng giao dịch chỉ hơn 31 tỷ đồng. CTG khớp khoảng 87,4 tỷ, giá bay cao thêm tới 2,89% thành đóng cửa tăng 3,23%. SSB khớp thêm hơn 35 tỷ nhưng giá cũng nhảy tăng 1,46%, đảo chiều thành tăng 0,24% so với tham chiếu. STB, TPB, VIB cũng khớp rất nhỏ nhưng giá riêng chiều nay đều tăng thêm hơn 1% so với buổi sáng.
Dĩ nhiên vẫn có trường hợp cá biệt. VPB là ví dụ, thanh khoản chiều nay thuộc nhóm cao nhất thị trường với 245,7 tỷ đồng và giá tăng thêm 1,33%, đóng cửa trên tham chiếu 1,88%. MWG giao dịch bùng nổ 885,5 tỷ đồng, giá tăng thêm tới 3,95%, chốt phiên tăng tổng cộng 5,45%. VRE bốc lên giá kịch trần trong khi chốt phiên sáng mới tăng 0,73%, thanh khoản tới trên 245 tỷ đồng…
Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn kéo VN-Index khá tốt hôm nay.
Mặc dù vẫn có các cổ phiếu thu hút dòng tiền khá ấn tượng, nhưng tổng thể hôm nay vẫn là một phiên thanh khoản rất nhỏ. Hai sàn khớp chỉ đạt gần 12.800 tỷ đồng giảm 37% so với phiên trước và là thấp nhất kể từ cuối tháng 1/2024.
Dĩ nhiên thanh khoản thấp không phải là quan trọng với đa số nhà đầu tư, vì chỉ cần giá tăng là danh mục lên. Độ rộng cải thiện rất nhiều chiều nay phản ánh chiến lược mua nâng giá đã thành công. Thanh khoản nhỏ trong tình huống này là do nhà đầu tư không bán nhiều. Sàn HoSE chứng kiến 136 cổ phiếu đóng cửa vượt tham chiếu từ 1% trở lên (phiên sáng 45 mã). Thanh khoản ở nhóm tăng tốt nhất này chiếm xấp xỉ 50% tổng giá trị khớp của sàn. Đây là bằng chứng rõ nhất về sự hưng phấn từ bên mua. Trong nhóm cũng có 17 cổ phiếu đạt thanh khoản vượt 100 tỷ đồng, dẫn đầu là MWG khớp tổng cộng gần 1.397 tỷ đồng với gần 21,79 triệu cổ phiếu. Xét theo khối lượng thì phiên này MWG vẫn kém hôm 3/5/2024 với 29,62 triệu cổ, nhưng tính theo giá trị thì hôm nay là kỷ lục lịch sử (hôm 3/5 chỉ đạt 1.041,6 tỷ đồng) do giá đã tăng thêm tới 19%.
Phía giảm giá chiều nay cũng cải thiện, chỉ còn 54 mã giảm hơn 1% (phiên sáng là 76 mã). Thêm nữa không có nhiều cổ phiếu có áp lực bán lớn. FPT sụt giảm 1,46% với giao dịch 822,6 tỷ đồng; TCB giảm 3% với 205,5 tỷ; POW giảm 2,35% với 147,2 tỷ là đáng kể nhất. Số ít cổ phiếu thanh khoản vài chục tỷ khác có thể kể tới như GMD giảm 1,2%, LPB giảm 1,06%, VOS giảm 1,33%, PNJ giảm 1,57%, EIB giảm 2,12%, EVF giảm 2,45%...
Khối ngoại chiều nay hạ nhiệt bán ròng nhờ tăng mua nhẹ. Cụ thể, khối này giải ngân thêm 853,2 tỷ đồng nữa trên sàn HOSE, tăng 83% so với phiên sáng, bán ra 1.159,1 tỷ đồng, tăng 22%. Mức bán ròng tương ứng 305,9 tỷ trong khi phiên sáng bán ròng 458,2 tỷ. Các mã bị bán nhiều vẫn là FPT -248,9 tỷ, TCB -91,6 tỷ, VHM -73,6 tỷ, MSN -36,6 tỷ, GMD -28,6 tỷ, HDB -24,6 tỷ, LPB -23,8 tỷ, DGC -64,9 tỷ, SSI -57,1 tỷ, HPG -51,2 tỷ. Bên mua có VPB +73,6 tỷ, VCI +38,7 tỷ, HSG +21,2 tỷ…