Áp lực chốt lời ngắn hạn đã nhẹ đi đáng kể sáng nay giúp độ rộng của VN-Index cả phiên tích cực. Ngay cả khi chỉ số “nhúng” xuống dưới tham chiếu, số lượng mã tăng giá vẫn nhiều hơn số giảm. Kết phiên sáng tất cả các chỉ số nhóm vốn hóa đều xanh, VN-Index tăng 0,25%.
Các cổ phiếu lớn đang không đồng thuận, nên điểm số của VN-Index tiếp tục hạn chế.
Sau chuỗi phiên tăng liên tục, thị trường bắt đầu gặp khó khăn nhiều hơn khi nhà đầu tư muốn hiện thực hóa lợi nhuận. Lực bán mạnh nhất trong khoảng 1 giờ đầu tiên, VN-Index giảm 0,6% và là điểm thấp nhất phiên.
Tuy nhiên ngay cả khi đó, độ rộng của chỉ số vẫn là 199 mã tăng/190 mã giảm. Lực cầu nâng đỡ giá cổ phiếu rất ổn định, tạo thanh khoản tốt và không khiến giá giảm thêm. Thực tế độ rộng càng về cuối phiên càng mở rộng hơn, kết phiên có 235 mã tăng/193 mã giảm.
Vai trò của nhóm blue-chips là rất rõ ràng sáng nay khi độ rộng ở rổ VN30 đảo ngược cùng thời điểm VN-Index vượt tham chiếu. Dẫn dắt là các trụ lớn như TCB tăng 2,34%, GVR tăng 1,82%, GAS tăng 0,73%, HPG tăng 1,07%, VPB tăng 1,02%.
VN-Index hầu như đi ngang vì các mã lớn kém đồng thuận.
Điều còn thiếu chính là sự cộng hưởng ở nhóm trụ. Dù trọng số của các blue-chips tăng giá vẫn đủ để giúp VN-Index và Vn30-Index có màu xanh, nhưng vẫn thiếu đi sức mạnh của BID, VHM, SAB, VIC, VNM là những cổ phiếu rất lớn. Ngoài ra VCB, NVL tăng quá yếu chỉ 0,12%.
Mặc dù điểm số có được không nhiều, nhưng nếu nhìn từ góc độ thị trường đang cố gắng giữ độ cao của mặt bằng giá mới sau nhịp tăng khá tốt ban đầu, thì giao dịch cân bằng là một tín hiệu tốt. Kể từ khi chạm đáy lần thứ 3 hồi đầu tháng 7, VN-Index chưa có nhịp điều chỉnh nào dài quá 3 phiên. Không phải thị trường quá mạnh, mà sự cân bằng đạt được ở cả từ phía người bán đã không thoát hàng nhiều.
Đây cũng là tín hiệu thể hiện kỳ vọng cao của các nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu. Hôm nay độ rộng sàn HoSE không chỉ tốt về số lượng mà cả phân bổ biên độ tăng cũng mạnh áp đảo: Có 108 cổ phiếu tăng trên 1% trong khi chỉ 52 mã giảm trên 1%. Thêm nữa, phân bổ thanh khoản cũng vậy: 62,2% tổng giá trị khớp lệnh ở HoSE tập trung vào nhóm đang tăng giá, 29,3% tập trung ở nhóm đang giảm giá.
Nhờ có trạng thái phân bổ vốn và biên độ tích cực, mức thanh khoản trung bình phiên sáng nay không phản ánh tín hiệu tiêu cực. Hai sàn khớp thành công 8.789 tỷ đồng, tương đương với sáng phiên cuối tuần trước. Trong bối cảnh hiện tại đây không phỉa là mức giao dịch quá kém. Thêm nữa, thanh khoản chững lại ở các nhịp điều chỉnh có thể xem là một tín hiệu tốt. Trong Top 10 thanh khoản toàn thị trường sáng nay thì chỉ có 2 mã giảm giá là HAG giảm 3,21% và MBB giảm 0,19%.
Nhà đầu tư nước ngoài cũng đã quay lại mua ròng nhẹ phiên này, dù thay đổi đáng chú ý là với chững chỉ quỹ, còn cổ phiếu vẫn đang bán ròng. Cụ thể, chứng chỉ E1VFVN30 được mua ròng 101,1 tỷ đồng, giúp tổng vị thế giao dịch của khối này tại HoSE là +65,5 tỷ đồng ròng. Điều đó nghĩa là với cổ phiếu, khối này bán ròng khoảng 35 tỷ đồng. Các mã bị bán ròng lớn nhất là HPG -35,4 tỷ, VNM -34,3 tỷ, MSN -15,5 tỷ, PHR -14,7 tỷ, SSI -14 tỷ. Phía mua có NVL +20,3 tỷ, STB +12,7 tỷ, NLG +10,3 tỷ đồng.