Chiều 13/2, tại phiên họp 20, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua các nghị quyết thành lập, nhập, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính của 10 tỉnh Bình Dương, Bắc Ninh, An Giang, Quảng Nam, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bến Tre, Bắc Kạn, Đắk Lắk và Trà Vinh.
Cụ thể, các nghị quyết về việc thành lập đơn vị hành chính đô thị tại 9 tỉnh (Bình Dương, Bắc Ninh, An Giang, Quảng Nam, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bến Tre, Bắc Kạn, Đắk Lắk) có hiệu lực từ ngày 10/4.
Còn nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính giữa xã Ngũ Lạc và xã Long Khánh thuộc huyện Duyên Hải, Trà Vinh có hiệu lực từ ngày 1/3.
Theo đó, tỉnh Bình Dương được thành lập thành phố Tân Uyên trên cơ sở nguyên trạng về diện tích tự nhiên, dân số, số đơn vị hành chính.
Cụ thể, với diện tích tự nhiên 191,76 km2, quy mô dân số 466.053 người, số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nhưng tăng 1 thành phố, giảm 1 thị xã, có 9 đơn vị hành chính cấp huyện và 91 đơn vị hành chính cấp xã. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 84,32% (không thay đổi so với trước khi thành lập thành phố).
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, trình bày tờ trình của Chính phủ cho biết, thị xã Tân Uyên thuộc tỉnh Bình Dương là trung tâm công nghiệp, dịch vụ, có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đô thị hóa phía Đông Nam của tỉnh. Bộ trưởng Xây dựng đã công nhận thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương đạt tiêu chuẩn của đô thị loại 3 vào năm 2018.
Ngoài ra, tại phiên họp, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi cho biết đề án nâng cấp Tân Uyên lên thành phố được tỉnh chuẩn bị nhiều năm.
Theo ông Lợi, từ khi lên thị xã năm 2013, Tân Uyên phát triển nhanh và tích cực, bình quân tốc độ phát triển 13%/năm. Cơ cấu kinh tế, công nghiệp, xây dựng, dịch vụ chiếm 90%, thu ngân sách khoảng 4.000 tỷ đồng.
Được biết, thị xã Tân Uyên đã không còn người nghèo theo tiêu chí của Trung ương, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp hơn 95%. Địa bàn thị xã có 2 khu công nghiệp là Nam Tân Uyên và VSIP; 3 cụm công nghiệp và 1.500 doanh nghiệp đang hoạt động.
Đồng thời, Bình Dương cũng đang xây mới, nâng cấp nhiều dự án quan trọng hoàn chỉnh hạ tầng giao thông đô thị trên địa bàn tỉnh. Tỉnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Đến năm 2030, Bình Dương trở thành trung tâm kinh tế công nghiệp công nghệ cao và trở thành đô thị thông minh, văn minh, đáng sống.
Như vậy cho đến hiện tại, Bình Dương đã có 4 thành phố là Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An và Tân Uyên.