Ngay trong bối cảnh u ám ấy, Quyết định 1435/QĐ-TTg thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản được ban hành giống như một nguồn năng lượng mới, giúp tiếp thêm sức mạnh và giải tỏa phần nào lo lắng của các bên tham gia thị trường.
Sẽ tháo gỡ tâm lý sợ sai trong cán bộ
Tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản do Văn phòng Chính phủ tổ chức ngày 8/11 vừa qua, các đại biểu đều có nhận định chung rằng doanh nghiệp bất động sản đang khó trăm bề: Khó trong việc triển khai dự án do vướng mắc trong thủ tục đầu tư, khó trong chuyển nhượng dự án, khó huy động vốn, khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng...
“Một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đã phải tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động (có tập đoàn giảm đến 50% lực lượng lao động) hoặc phải giảm lương. Thực trạng này tác động đến vấn đề an sinh xã hội, tác động đến nhiều hộ gia đình, đến cuộc sống của nhiều người lao động", ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA), nhấn mạnh trong báo cáo. Một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đang rất khó khăn; lợi nhuận sụt giảm mạnh, thậm chí bị lỗ. Một số cổ phiếu bất động sản “nằm sàn”, đặc biệt là “rủi ro” bị sụt giảm sâu thanh khoản, có thể bị mất thanh khoản, thể hiện qua việc một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đang phải thực hiện các biện pháp “đau đớn” để “tồn tại trước đã”. Trong đó có biện pháp thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh (dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án, công trình; dừng triển khai các dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn; dừng IPO…), mà điều này sẽ tác động đến sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế, trực tiếp làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước.
Cũng theo Chủ tịch HoREA, do “tắc” nguồn vốn tín dụng, “tắc” nguồn vốn “trái phiếu”, “tắc” cả nguồn “vốn huy động từ khách hàng”, nên một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản “đói vốn”, phải vay vốn ngoài xã hội (tín dụng đen) với lãi suất rất cao, đầy “rủi ro”, hoặc phải bán bớt tài sản, dự án, bán sản phẩm bất động sản, nhà ở với chiết khấu sâu (có khi đến 40% giá hợp đồng)…
Bởi vậy, cũng tại hội nghị, nhiều đại biểu đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét thành lập “ban công tác đặc biệt” hoặc “tổ công tác đặc biệt” để tháo gỡ khó khăn cho các dự án điển hình, làm tiền lệ để giải quyết các trường hợp tương tự. Và chỉ hơn 1 tuần sau Hội nghị này, Thủ tướng đã có quyết định thành lập Tổ công tác và có hiệu lực thi hành ngay.
“Có thể thấy, Chính phủ đã hành động rất nhanh, quyết liệt và kịp thời. Đây là quyết định có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với thị trường bất động sản tại thời điểm khó khăn hiện nay. Tổ công tác được chủ động và được trao quyền hạn rất lớn. Vì vậy, tôi cho rằng sẽ có những tồn đọng được linh hoạt giải quyết ngay mà không cần chờ thông qua Luật Đất đai hay các luật liên quan, thậm chí là Nghị định hướng dẫn. Chúng tôi rất tin tưởng rằng ngoài việc nghiên cứu hoàn thiện và đồng bộ về mặt pháp luật, tổ công tác cũng sẽ tháo gỡ tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, sợ rủi ro pháp lý trong một số cán bộ công chức dẫn đến đùn đẩy hồ sơ lòng vòng, không dám đề xuất, không dám ký, không dám quyết định số phận của dự án”, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhìn nhận.
Lấy lại niềm tin cho thị trường
Bàn sâu hơn về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu phân tích thêm trước thực tế có đến khoảng 70% dự án bất động sản, đô thị, nhà ở thương mại bị “vướng mắc pháp lý” , thì Quyết định số 1435/QĐ-TTg được ban hành rất kịp thời, tác động tích cực ngay tức thì và có tính lan tỏa, giúp cho thị trường bất động sản phần nào lấy lại “niềm tin” và ổn định một bước “tâm lý thị trường, tâm lý khách hàng và nhà đầu tư”. Đồng thời cũng tiếp thêm động lực để các doanh nghiệp phải nỗ lực “tự cứu mình” để giữ “chữ tín” với khách hàng, đối tác và đẩy mạnh tái cấu trúc doanh nghiệp, tái cơ cấu đầu tư và sản phẩm nhà ở hướng đến nhu cầu thực.
Các doanh nghiệp cũng đã “học được các bài học đắt giá, đáng đồng tiền bát gạo” để khắc phục các “sai lệch” trong hoạt động đầu tư kinh doanh mà trước hết là doanh nghiệp phải luôn luôn thượng tôn pháp luật, tuân thủ pháp luật, chấp hành pháp luật và không chỉ chạy theo lợi nhuận đơn thuần hoặc chỉ chăm chăm “tối đa hoá lợi nhuận” mà phải bảo đảm nguyên tắc đạt cho được điểm cân bằng, hài hoà lợi ích của người dân, doanh nghiệp, lợi ích của Nhà nước đại diện cho lợi ích công cộng, để thị trường bất động sản phục hồi và phát triển trở lại theo hướng ngày càng minh bạch, lành mạnh, an toàn, bền vững.
“Hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp bất động sản rất phấn khởi đón nhận Quyết định này. Cộng đồng doanh nghiệp, khách hàng, nhất là người mua nhà và nhà đầu tư đều rất kỳ vọng Tổ công tác sẽ khẩn trương xem xét, giải quyết hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết để sớm tháo gỡ “vướng mắc, khó khăn” cho các dự án bất động sản, đô thị, nhà ở thương mại để góp phần phục hồi và phát triển kinh tế, ổn định xã hội. Bởi lẽ, thị trường bất động sản là một bộ phận hữu cơ của nền kinh tế, đóng góp khoảng 11-13% GDP, liên quan đến hơn 35 ngành nghề thuộc hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế và tạo công ăn việc làm cho hàng triệu người lao động và góp phần bảo đảm an sinh xã hội về nhà ở cho người dân”, ông Châu chia sẻ.
Ở góc độ là người đang có nhu cầu về nhà ở, chị Tuyết Hoa, nhân viên văn phòng tại Thanh Xuân, Hà Nội, cũng bày tỏ thông tin về thành lập tổ công tác gỡ khó trong việc triển khai các dự án bất động sản không chỉ mang lại kỳ vọng về một triển vọng tốt cho các doanh nghiệp hay các nhà đầu tư đang “mắc kẹt” do vướng mắc về pháp lý, về nguồn vốn mà còn lấy lại niềm tin của người mua nhà. Bởi sau khi các khó khăn, vướng mắc được giải quyết, nguồn cung nhà ở chắc chắn sẽ tăng nhanh ở tất cả các phân khúc, giúp kéo giảm giá bán và đem lại nhiều lựa chọn cũng như giải quyết được nhu cầu nhà ở cho nhiều đối tượng khách hàng.