Buổi hòa nhạc mừng năm mới nổi tiếng nhất thế giới diễn ra ở phòng hòa nhạc Musikverein thế kỷ XIX tại Vienna. Vienna từng là quê hương của Haydn, Mozart, Beethoven và Schubert. Đây cũng là thành phố có những quán cafe tụ tập nhiều nghệ sĩ, nhà văn, nhà triết học và chính trị gia vào đầu thế kỷ XX. Trong Chiến tranh Lạnh, Vienna bị gắn cái tên “Thành phố gián điệp”.
Tuy nhiên, có một Vienna rất khác, phiên bản của thế kỷ XXI mà hầu hết khách du lịch không được chiêm ngưỡng. Phiên bản hiện đại này của Vienna nổi tiếng với chất lượng cuộc sống cao và liên tục đứng đầu Chỉ số đáng sống toàn cầu.
Theo báo cáo công bố hồi tháng 6/2022 của Economist Intelligence Unit, một thành phố đáng sống được tính dựa trên nhiều yếu tố, từ y tế, văn hóa, môi trường, giáo dục, cơ sở hạ tầng và an ninh. Vienna đứng đầu trong hầu hết hạng mục.
Cùng với Đan Mạch và Pháp, Áo có mức thuế thu nhập cá nhân cao nhất ở châu Âu, khi cá nhân kiếm hơn 90.000 euro phải đóng 50% thuế. Tuy nhiên, họ nhận lại xứng đáng với số thuế đã đóng.
Giá vé phương tiện công cộng tại Vienna là 365 euro/năm. Trong khi đó, ở London, thẻ di chuyển hàng năm trong nội thành London ở mức hơn 2.000 euro. Ngoài ra, chính quyền thành phố cũng tổ chức nhiều sự kiện văn hóa miễn phí.
Tuy nhiên, điểm bất ngờ nhất phải kể tới giá thuê nhà tại Vienna rất hợp lý, so với London, New York và hầu hết thủ đô châu Âu khác, theo Financial Times. Lý do là nhờ chính sách nhà ở xã hội của Hội đồng thành phố Vienna. Khoảng 60% dân sống trong nhà ở trợ cấp chất lượng cao, gồm gia đình trung lưu và chuyên gia trẻ tuổi.
Khi quyền làm đẹp không còn chỉ thuộc về người giàu
Giá thuê nhà ở London hiện ở mức cao nhất mọi thời đại. Theo Rightmove, giá thuê trung bình hàng tháng ở London hiện là 2.647 euro, tăng 16% trong năm qua.
Trong khi đó, tại Vienna, trợ cấp nhà ở phóng khoáng đã giảm giá thuê nhà tại khu vực tư nhân, khi mức giá trung bình cho một căn hộ 60 m2 là 767 euro/tháng. Thêm vào đó, người thuê nhà được bảo vệ trước khả năng bị đuổi hay giá thuê tăng. Một số nhà kinh tế lập luận có ngôi nhà thoải mái và giá cả phải chăng đem lại cảm giác an toàn và hạnh phúc. Trên khắp London, tiền thuê nhà trung bình chiếm 40% phần lương của một cá nhân.
Để hiểu chính sách nhà ở của Vienna, cần phải quay lại thời điểm Thế chiến I kết thúc và sự ra đời của Áo. Đế chế Habsburg sụp đổ, và chỉ trong một đêm, Vienna từ thành phố hoàng gia giàu có trở thành thủ đô đông đúc của một quốc gia nhỏ. 1/4 dân số là người vô gia cư, trong khi một số người dựng lán tạm bợ trong rừng và chết cóng giữa cái lạnh mùa đông.
Cách đây đúng 100 năm, vào năm 1923, Hội đồng thành phố Vienna - do đảng Dân chủ Xã hội điều hành - quyết định xây dựng 25.000 đơn vị nhà ở công trợ cấp cho người nghèo. Số tiền này lấy từ các loại thuế mới với đất đai, tiền thuê nhà và hàng xa xỉ.
Một trong những khu nhà ở đầu tiên được xây dựng là Karl-Marx-Hof. Thành phố chi rất nhiều tiền để duy trì các tòa nhà công cộng, và điều đó xứng đáng.
“Ý tưởng của Vienna là xây dựng những ngôi nhà có giá cả phải chăng, hợp vệ sinh và đẹp đẽ. Họ tin quyền được làm đẹp không chỉ thuộc về những người giàu có”, nhà sử học Julia Schranz cho biết.
Để đạt mục tiêu đó, thành phố thuê những kiến trúc sư vĩ đại nhất thời bấy giờ và lắp đặt rất nhiều tác phẩm nghệ thuật công cộng. Nhà ở công cộng tại Vienna trở thành điểm thu hút khách du lịch. Hầu hết dự án phát triển mới đều phải tham gia cuộc thi kiến trúc nhằm đảm bảo tính thẩm mỹ.
Theo kiến trúc sư kiêm nhà văn Maik Novotny, mọi người ở Vienna không kỳ thị nhà ở xã hội, khi không có sự khác biệt lớn giữa chủ sở hữu nhà và người đi thuê.
Từ những năm 1920, lối sống lành mạnh là trụ cột trong chính sách nhà ở của Vienna. Thành phố yêu cầu các căn hộ phải được cách nhiệt và thông gió tốt, đồng thời người thuê nhà có quyền sử dụng phòng tập thể dục và hồ bơi.
Một trong những dự án phát triển nhà ở xã hội mới nhất ở Vienna thậm chí còn có bể bơi trên mái nhà cho cư dân. Theo luật, 50% dự án mới xây dựng phải có không gian xanh.
Vienna thịnh vượng hiện là một trong những thành phố lớn nhất, phát triển nhanh nhất ở EU, với dân số trẻ và đa dạng. Dù Vienna có mức độ nhập cư cao, thái độ căng thẳng giữa người Áo với người di cư trong vấn đề nhà ở là tương đối thấp.
Maria Vassilakou - cựu phó thị trưởng, người nhập cư từ Hy Lạp - tin lịch sử là nguyên nhân cho thái độ này: “Trong hàng trăm năm, Vienna là trung tâm của một đế chế đa sắc tộc”.
"Đáng sống không liên quan tới ngầu"
Tuy nhiên, khi dân số tăng lên, tiền thuê nhà trong khu vực tư nhân cũng tăng đáng kể trong thập niên qua. Với giá đất ngày càng lên, một số ý kiến lo ngại thành phố không thể xây dựng đủ nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu trong tương lai.
“Các nhà phát triển tư nhân đang cải tạo những tòa nhà cũ và bán chúng”, bà Vassilakou cho biết. Tuy nhiên, bà tin nếu Vienna tiếp tục có chính sách đất đai tích cực, yêu cầu các dự án hơn 150 căn hộ có 2/3 nhà ở trợ cấp, thì công bằng xã hội có thể được duy trì.
Vienna có một số loại nhà ở xã hội. Gemeindebau là căn hộ thuộc sở hữu của hội đồng thành phố và phân bổ thông qua hệ thống điểm. Các căn hộ được trợ giá xây dựng bởi các tập đoàn phát triển công tư với số tiền đầu tư từ thành phố.
Hiện tại có 3 dự án phát triển chính, 2 dự án trên nền các ga đường sắt cũ ở trung tâm và dự án thứ ba, Seestadt Aspern, xây dựng trên một sân bay bỏ hoang ở ngoại ô.
Seestadt (thành phố bên hồ) được xây dựng từ vài năm trước và dự án vẫn đang được tiến hành. Nhà thầu xây dựng một tuyến tàu điện ngầm trước và hơn 8.000 người đã chuyển tới đây. Hầu hết cư dân là gia đình trẻ thu hút bởi giá thuê nhà thấp và nhiều tiện ích cho trẻ em.
Tuy nhiên, không phải người nước ngoài nào cũng cảm thấy Vienna là đô thị hoàn hảo. Khảo sát gần đây với 12.000 người nước ngoài trên thế giới cho thấy Vienna là “thành phố không thân thiện nhất thế giới”. Nhiều người mới đến mong đợi thái độ hồ hởi như người Mỹ, hay tính giao du nồng nhiệt như người Italy hoặc Hy Lạp. Tuy nhiên, xã hội Vienna khá dè dặt và nghiêm túc.
“Vienna không ‘ngầu’ như London. Thử tổ chức một bữa tiệc ồn ào vào đêm muộn xem, hàng xóm thể nào cũng gọi cảnh sát”, Eugene Quinn - nhà đô thị học, người London kết hôn với một người Áo và biến Vienna thành quê hương 12 năm trước - nói.
“Tuy nhiên, đáng sống không liên quan tới ‘ngầu’. Đó là về việc tận hưởng cuộc sống thoải mái. Hầu hết mọi người sống trong căn hộ, họ không có vườn. Họ coi trọng không gian công cộng hơn nhiều”, anh nói thêm.