UBND TP Thanh Hoá đã đặt ra mục tiêu đến năm 2025 chỉ tiêu cây xanh toàn đô thị (bao gồm cây xanh sử dụng công cộng, cây xanh sử dụng hạn chế và cây xanh chuyên dụng) đạt được tối thiểu khoảng 7,5m2/người, đến năm 2035 tỷ lệ cây xanh toàn đô thị đạt chuẩn theo tiêu chuẩn đô thị loại I là 15m2/người.
Ngoài ra, để góp phần xây dựng đô thị xanh, Chủ tịch UBND thành phố Thanh Hoá cũng phê duyệt Đề án xây dựng thành phố Thanh Hoá trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó đặt ra mục tiêu đến năm 2025 hoàn thiện cơ bản các ứng dụng công nghệ thông tin cho đô thị thông minh, đến năm 2030 cơ bản trở thành đô thị thông minh, văn minh, hiện đại trong nhóm các đô thị đứng đầu cả nước.
Với 33 công viên, vườn hoa, quảng trường, tổng diện tích khoảng 153,4 ha. Thời gian tới, TP Thanh Hóa sẽ tiếp tục cải tạo nâng cấp các công viên nhằm nâng cao chất lượng và tăng hiệu quả sử dụng theo hướng hình thành công viên mở, bổ sung các tiện ích, lắp đặt hệ thống camera an ninh, cải tạo hệ thống hạ tầng, tổ chức lại hệ thống cây xanh cho phù hợp với từng khu vực cụ thể.
Một góc thành phố Thanh Hóa
Song song với quá trình đô thị hóa, xây dựng đô thị xanh đang là xu thế tất yếu của các đô thị lớn hiện nay. Nhiều tỉnh thành đã lên kế hoạch để phát triển đô thị xanh ở địa phương mình với mục tiêu tạo không gian xanh cho người dân.
Tại TP Thanh Hóa, tổng diện tích đất quy hoạch công viên cây xanh theo Đề án phát triển, quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 khoảng 153,4 ha, dân số trung bình của thành phố năm 2021 là 366.565 người. Tương ứng với chỉ tiêu đất công viên khoảng 4,2 m2/người.
Từ đó, các cơ quan chức năng TP Thanh Hóa đặt chỉ tiêu từng bước nâng cao chất lượng sống, cải thiện môi trường và nâng cao chỉ tiêu đất cây xanh trên địa bàn, đáp ứng theo chỉ tiêu quy hoạch đất cây xanh sử dụng công cộng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn và quy hoạch chung của thành phố.
Ông Phan Lê Quang, Phó giám đốc phụ trách Sở Xây dựng Thanh Hóa cho biết, tại Việt Nam khái niệm về đô thị xanh còn khá mới, nhiều người vẫn hiểu đô thị xanh là đô thị có nhiều công viên, cây xanh, mặt nước, khá hơn thì có thêm việc sử dụng năng lượng bằng pin mặt trời cho các tòa nhà và trồng cây xanh trên mái.
Chủ trương tăng mảng xanh, tăng diện tích công viên cây xanh Tại TP Thanh Hóa là hoàn toàn hợp lý, đáp ứng đúng nhu cầu thiết yếu của xã hội. Theo dự thảo đề án phát triển TP Thanh Hóa trở thành đô thị loại I, tỉnh sẽ phải thực thi các giải pháp đột phá nhằm phát triển kinh tế - xã hội, từ đó sẽ tác động lan tỏa, nâng cao vai trò của đô thị, thu hút dân cư, phát triển hạ tầng và kinh tế đô thị, hướng đến xây dựng đô thị xanh.
Theo các chuyên gia quy hoạch, việc phát triển đô thị xanh ở Việt Nam nói chung và Thanh Hóa nói riêng còn gặp nhiều trở ngại do hạ tầng kỹ thuật chưa hoàn thiện, môi trường nhiều nơi bị ô nhiễm nghiêm trọng, dân số đông nên hạn chế về quỹ đất xây dựng, đội ngũ chuyên gia quy hoạch còn ít và trình độ chưa cao.