Điểm nghẽn lớn về hạ tầng và nguồn nhân lực
Đây là nhận định được đưa ra tại Diễn đàn Logistics TP. Hồ Chí Minh, do Sở Công Thương Thành phố phối hợp với Trường đại học Hoa Sen và Hiệp hội Logistics TP. Hồ Chí Minh tổ chức chiều ngày 30/9.
Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, trong những năm qua, tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ logistics của doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh tăng trưởng trung bình 14% (năm 2018 tăng trưởng đạt 12%, năm 2019 đạt 14,7%). Tỷ trọng đóng góp của logistics vào GRDP TP. Hồ Chí Minh năm 2018 ước đạt 8,3%, năm 2019 xấp xỉ 8,7%.
TP. Hồ Chí Minh tập trung đầy đủ các loại hình logistics: cảng biển, cảng sông, cảng hàng không, ga hàng hoá. Tuy nhiên, các cụm cảng khu vực TP. Hồ Chí Minh gồm nhiều bến nhỏ lẻ, thiếu tập trung, liên kết, luồng vào và độ sâu bến thường hẹp và nông nên hạn chế tàu có trọng tải lớn vào hoạt động.
Bên cạnh đó, các bến khu vực TP. Hồ Chí Minh chỉ được đầu tư xây dựng thô sơ luồng hàng chỉ mới tập trung phục vụ cho các doanh nghiệp xung quanh, chưa được đầu tư cơ sở hạ tầng hiện đại và thiếu sự kết nối nên thường ùn tắc. Với những tồn đọng trên, TP. Hồ Chí Minh chưa có Trung tâm logistics đáp ứng tiêu chí trong Quyết định số 1012/QĐ-TTg ngày 03/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
Cùng với đó, hệ thống kho bãi cũng bộc lộ nhiều hạn chế khi các kho hàng và trung tâm phân phối tại khu vực TP.Hồ Chí Minh đang có xu hướng thu hẹp, chuyển dần về phía tỉnh Bình Dương và Đồng Nai. Hệ thống kho lạnh chưa phát triển, ít người đầu tư kho lạnh trong khi nhu cầu kho lạnh khá cao, dẫn đến khó thuê được kho lạnh và cước lưu kho cao. Thông tin về hệ thống giao thông cầu đường chưa đầy đủ. Bên cạnh đó, xe tải lớn bị cấm vào các trục đường nội đô làm tăng chi phí vận chuyển nhiều lần. Chính vì vậy nếu doanh nghiệp Việt Nam nếu không liên kết và tận dụng thế mạnh của nhau để tạo thành một hệ thống hoàn chỉnh khép kín thì khó cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.
Nói về những điểm nghẽn trong phát triển logistics của thành phố, bà Phan Thị Thắng - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho rằng, hiện nay có 2 điểm nghẽn lớn đang cản trở sự phát triển logistics Thành phố; điểm nghẽn đầu tiên là vấn đề về hạ tầng logistics và thứ hai là về phát triển nguồn nhân lực.
Theo đó, TP. Hồ Chí Minh có thế mạnh về vị trí địa lý khi nằm giữa các trục giao thông Bắc - Nam, Đông - Tây nên trở thành trung tâm lưu chuyển hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu cho khu vực các tỉnh phía Nam. Tuy nhiên, vướng mắc hiện nay là hệ thống đường giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của Thành phố, đặc biệt là các tuyến đường vành đai kết nối Thành phố với các tỉnh Đông - Tây Nam bộ triển khai còn chậm. Do đó, giao thương hàng hóa 2 chiều giữa Thành phố với các tỉnh còn chưa tương xứng với tiềm năng.
Cùng với đó, chất lượng nguồn nhân lực cho ngành logistics cũng chưa đáp ứng đủ. Mặc dù TP có nhiều trường đại học… Tuy nhiên, khi đánh giá về hiện trạng công tác đào tạo thì mối liên kết giữa hệ thống các trường đào tạo với các doanh nghiệp logsitics còn chưa chặt chẽ, thiếu sự tương tác, kết nối để nắm bắt nhu cầu từ đào tạo đến đầu ra; mặt khác, chất lượng nguồn nhân lực logistics cũng chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của thành phố.
Đẩy mạnh liên kết vùng, tạo thuận lợi cho logistics
Bà Phan Thị Thắng cho biết, trong quá trình xây dựng chính sách và phát triển kinh tế của mình, TP. Hồ Chí Minh xác định ngành logistics là một ngành rất quan trọng, có tác động đến sự phát triển bền vững, lâu dài cho tăng trưởng kinh tế Thành phố. Vai trò quan trọng đó cũng đã được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI xác định “Đề án Phát triển ngành logistics TP. Hồ Chí Minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” là một trong 49 Chương trình, Đề án trọng tâm phát triển kinh tế thành phố.
Theo đó, thành phố đặt mục tiêu phải phát triển logistics trở thành 01 ngành dịch vụ mũi nhọn, đóng góp tích cực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn và phấn đấu tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ logistics của doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh đạt 15% vào năm 2025 và đạt 20% vào năm 2030. Cùng với đó, tỷ trọng đóng góp của logistics vào GRDP thành phố đến năm 2025 đạt 10% và đến năm 2030 đạt 12%. Đồng thời góp phần kéo giảm chi phí logistics cả nước so với GDP quốc gia đến năm 2025 còn khoảng 10 - 15%.
Theo các chuyên gia, TP. Hồ Chí Minh có thế mạnh về vị trí địa lý khi nằm giữa các trục giao thông Bắc - Nam, Đông - Tây nên trở thành trung tâm lưu chuyển hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu cho khu vực các tỉnh phía Nam. Tuy nhiên, vướng mắc hiện nay là hệ thống đường giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của thành phố, đặc biệt là các tuyến đường vành đai kết nối thành phố với các tỉnh Đông - Tây Nam Bộ triển khai còn chậm. Do đó, giao thương hàng hóa 2 chiều giữa thành phố với các tỉnh còn chưa tương xứng với tiềm năng.
Nhiều ý kiến của các chuyên gia tại diễn đàn nhấn mạnh, để khơi thông nguồn lực logistics, cần đẩy mạnh liên kết vùng giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố lân cận trong vấn đề phát triển hạ tầng giao thông, quy hoạch các trung tâm logistics cũng như vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, làm sao cho phát huy được tổng hòa lợi ích.
Đặc biệt, phát triển nguồn nhân lực về chất và lượng theo định hướng quốc tế để ứng dụng thành tựu khoa học-kỹ thuật (trí tuệ nhân tạo, di động, người máy và máy bay không người lái, blockchain, thực tế ảo tăng cường) là yếu tố cốt lõi trong việc thúc đẩy các chiến lược phát triển ngành. Đồng thời, liên kết vùng thúc đẩy phân bổ và dịch chuyển nguồn lao động logistics giữa các địa phương góp phần giảm chi phí cạnh tranh, giảm áp lực đào tạo và cơ hội việc làm.