Chấp nhận tiếp tục thương vụ thâu tóm Twitter là một thất bại của Elon Musk. Ảnh: AP.
Hôm 5/10, Elon Musk đề nghị mua lại Twitter với giá thỏa thuận ban đầu - động thái hiếm hoi đối với một tỷ phú chưa bao giờ lùi bước trong các cuộc chiến pháp lý.
"Musk sẽ thua kiện. Các luật sư của ông biết điều đó. Đội ngũ pháp lý của Twitter cũng nghĩ như vậy. Hi vọng duy nhất của ông là Twitter nhượng bộ, nhưng họ không làm thế", Erik Gordon, Giáo sư Luật kinh doanh tại Đại học Michigan đánh giá.
Từ tuần trước, đã có dấu hiệu về việc nối lại thương vụ. Theo các chuyên gia pháp lý, phiên tòa kéo dài 5 ngày tại Delaware có quá nhiều bất lợi đối với Elon Musk, trong khi Twitter nắm giữ các luận điểm vững chắc.
Nếu ra tòa, gần như chắc chắn người giàu nhất thế giới sẽ thua kiện, bị buộc phải mua lại Twitter với giá 44 tỷ USD, tương đương 54,2 USD mỗi cổ phiếu như thỏa thuận ban đầu.
Thay đổi chiến thuật
Tuy nhiên, việc Elon Musk "quay xe" ngay trước thời điểm phiên tòa diễn ra, nối lại đề nghị thâu tóm Twitter mà không yêu cầu giảm giá là một điều bất ngờ. Ngay sau khi xuất hiện thông tin này, cổ phiếu Twitter đã tăng 22%.
Leigh Thompson, Giáo sư tại Đại học Northwestern, đồng thời là chuyên gia về giải quyết tranh chấp cho rằng rất ít khi một bên quay lại, chấp nhận thỏa thuận mà họ đã bác bỏ trước đó.
"Điều này làm giảm uy tín xã hội với bất kỳ ai, đặc biệt là Musk, người có nguy cơ mất thể diện", ông Thompson nhận định.
Theo Business Insider, đó là một thay đổi chiến thuật đáng chú ý đối với người giàu nhất thế giới. Ông từng theo đuổi nhiều vụ kiện liên quan đến các bình luận công khai trên Twitter và giành chiến thắng.
Một người như Elon Musk hiếm khi chịu lùi bước trước các phiên tòa. Ảnh: Getty Images.
Đầu năm nay, CEO Tesla thắng lợi trong vụ kiện xoay quanh thương vụ mua lại SolarCity trị giá 13 tỷ USD tại Tòa án Công lý Delaware. Musk cũng giành chiến thắng trong vụ ông công khai chỉ trích một thợ lặn tham gia giải cứu đội bóng mắc kẹt trong hang ở Thái Lan.
Người giàu nhất thế giới không ngần ngại công khai mối quan hệ gần gũi với các nhân vật quyền lực tại Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC), Liên đoàn Công nhân ngành Ôtô và cả Tổng thống Mỹ.
Robert Miller, một giáo sư, chuyên gia về luật thâu tóm và các thủ tục tố tụng Delaware, cho biết Musk đã có một vụ kiện khá thuận lợi trong trận chiến SolarCity, nhưng với Twitter thì không.
Trong khi đó, Angelo Zino, một nhà phân tích tại CFRA Research, cho biết ông "hơi sốc" khi Musk không đẩy giá xuống thấp hơn. "Có thể Musk nhận ra rằng khả năng chiến thắng là rất nhỏ", ông nhận định.
Vấn đề "bot"
Những chứng cứ khác trong vụ kiện cũng có thể khiến cho các bên tham gia muốn tự dàn xếp trước khi phiên tòa được mở. Hôm 26/9, CEO Twitter Parag Agrawal đã trả lời các câu hỏi của đội ngũ pháp lý bảo vệ Elon Musk trong một cuộc phỏng vấn kín có ghi hình, theo đúng trình tự vụ kiện.
Trước đó, Peiter "Mudge" Zatko – người đứng ra tố giác vấn đề nội bộ Twitter cũng bị luật sư của cả 2 phía thẩm vấn.
Twitter nắm giữ lợi thế trong vụ kiện. Ảnh: AP.
Đó là 2 trong số những diễn biến quan trọng của vụ kiện và nội dung trả lời được giữ kín, tuy nhiên, có thể nó ảnh hưởng lớn đến quyết định "quay xe" của Elon Musk.
Musk từng cho rằng lãnh đạo Twitter biết công ty gặp vấn đề nghiêm trọng với các tài khoản "bot" hoặc tài khoản không xác thực và cố tình giấu thông tin với công chúng. Twitter phản bác. Họ tố Musk cố gắng né tránh giao dịch do kinh tế và thậm chí cáo buộc ông đang lên kế hoạch tạo ra một nền tảng cạnh tranh.
Tuần trước, hàng trăm tin nhắn giữa Musk với một số tên tuổi quan trọng trong lĩnh vực công nghệ và truyền thông bị công bố rộng rãi. Nội dung cho thấy thời điểm người giàu nhất thế giới bắt đầu có thái độ chán ngán với thương vụ.
Trong cuộc trao đổi vào tháng 5 với một đại diện tại ngân hàng Morgan Stanley, ông yêu cầu "làm chậm lại" việc thâu tóm do xung đột giữa Nga và Ukraine.
Theo Business Insider, các chuyên gia tin rằng nội dung tin nhắn cho thấy CEO Tesla có phần yếu thế tại tòa án. Trong những phiên điều trần trước xét xử, Thẩm phán Kathaleen St. J. McCormick của Tòa án Thủ hiến Delaware nhiều lần đưa ra phán quyết có lợi cho Twitter, bao gồm cả việc đáp ứng yêu cầu tổ chức xét xử sớm thay vì diễn ra vào đầu năm sau như yêu cầu của Musk.
Thỏa thuận sớm trước khi đối mặt tại tòa có thể giúp Musk tránh được chi phí pháp lý lên đến hơn 100 triệu USD, mặc dù đây không phải là mối quan tâm hàng đầu của người giàu nhất thế giới. Trên thực tế, nếu thâu tóm Twitter, ông cũng phải trả thêm một khoản phí pháp lý nhất định.