Năm ngoái, Lucila Gomez và chồng bắt đầu kỳ nghỉ vào dịp Lễ Tạ ơn và kết thúc một tuần trước Giáng sinh. Họ chi 750 USD cho máy tính bảng, quần áo để tặng 3 đứa con và người thân.
Tuy nhiên, trong mùa lễ hội năm nay, Gomez phải đợi đến khi nhận được tiền thưởng thường niên mới mua sắm. Cô giới hạn mức tiêu xài xuống 200 USD và chỉ mua 3 chiếc áo thi đấu theo chủ đề World Cup cho cặp song sinh 10 tuổi cùng đứa út 6 tuổi.
Buckeye (49 tuổi, sống tại Arizona, Mỹ), làm việc theo giờ trong bộ phận thanh toán của một công ty y tế, cũng phải “thắt lưng buộc bụng”.
“Năm trước, tôi rất tự tin, có thể mua bất cứ thứ gì mình muốn. Tuy nhiên, đến năm 2022, hai vợ chồng phải chờ đến kỳ lãnh lương vì không muốn mắc nợ khi bước sang năm mới”, Buckeye chia sẻ.
Dè sẻn
Lạm phát là nguyên nhân khiến nhiều người trì hoãn việc mua sắm cho mùa lễ hội đến phút cuối cùng, AP đưa tin.
Trong hai năm đầu của đại dịch, không ít khách hàng có xu hướng sắm sửa sớm vì sợ không có được thứ mình muốn, khan hiếm hoặc giao chậm. Họ cũng thoải mái chi tiền nhờ chính sách kích cầu của chính phủ và tín dụng chăm sóc trẻ em.
Thế nhưng, khi những khó khăn trong chuỗi cung ứng giảm bớt, người tiêu dùng không còn lo lắng về tình trạng hàng hóa mà dành sự quan tâm cho giá cả, từ tiền thuê nhà đến thực phẩm, tất cả đều leo thang.
Điều đó khiến họ phải đẩy lùi kế hoạch cho kỳ nghỉ lễ.
Chẳng hạn, Gomez nói rằng mặc dù vợ chồng cô được lên lương, số tiền đó vẫn không đủ để bù đắp chi phí ngày càng tăng của họ.
Trên thực tế, gia đình cô đã chuyển đến sống cùng bố mẹ sau khi giá thuê nhà hàng tháng tăng từ 1.500 USD lên 2.000 USD vào đầu năm nay. Gomez hy vọng tiết kiệm để mua được một căn nhà nhưng lãi suất thế chấp đã cản trở ước mơ đó.
Brian Field, lãnh đạo toàn cầu của Sensormatic Solutions, chuyên theo dõi lưu lượng truy cập cửa hàng, cho biết việc mua sắm vào phút cuối cũng đang được khuyến khích bởi một điều kỳ lạ trong lịch năm nay. Với Giáng sinh rơi vào chủ nhật, khách hàng có cả tuần để mua sắm.
Các nhà bán lẻ cũng dựa vào cơn sốt này để đẩy mạnh mục tiêu kinh doanh.
Không dám tiêu xài
Nhiều hộ gia đình có thu nhập thấp đã giảm mạnh chi tiêu vào tháng trước khi mùa mua sắm bắt đầu với giá cao và lãi suất tăng.
Theo dữ liệu của chính phủ Mỹ, doanh số chủ yếu giảm tại các cửa hàng nội thất, đồ điện tử, đồ gia dụng và làm vườn.
Lạm phát đã giảm từ mức cao nhất trong 4 thập kỷ vào mùa hè này nhưng vẫn ở trạng thái nghiêm trọng, đủ để làm giảm sức mua của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, doanh thu bán hàng trong kỳ nghỉ lễ nhìn chung sẽ khá ổn, mặc dù mức tăng trưởng dự kiến chậm lại đáng kể so với một năm trước.
Cụ thể, Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia dự đoán các con số tài chính trong thời điểm này sẽ chậm lại khoảng 6%-8%, so với mức tăng trưởng chóng mặt 13,5% của năm ngoái.
Trung bình, 10 ngày mua sắm nhộn nhịp nhất ở Mỹ - bao gồm thứ 4,5,6 của tuần này và thứ 2 tuần sau - chiếm khoảng 40% tổng lưu lượng bán lẻ trong dịp lễ, theo Sensormatic.
Nhưng các nhãn hàng có thể mong đợi một mức lớn hơn nữa vì giá xăng cao buộc người tiêu dùng phải dè sẻn hơn khi sắm sửa.
Đối với những người chờ đợi chương trình giảm giá đậm ngay trước Giáng sinh, họ có thể thất vọng.
Nhiều thương hiệu chỉ tung ra mức khuyến mại tương tự với Black Friday.
Dữ liệu gần đây của DataWeave cho thấy giá trung bình của đồ nội thất đã được chiết khấu 23% trong tuần thứ 2 của tháng 12, so với 12,8% trong kỳ “thứ sáu đen tối”. Về nội thất gia đình, mức giảm trung bình là 17,2%, hơn Black Friday 6%.
Tuy nhiên, dù có lạm phát hay không, những người có thói quen trì hoãn vẫn sẽ có cớ để đẩy lùi việc chuẩn bị cho ngày lễ.
Năm ngoái, Evelyn T. Peregrin (28 tuổi), người chuyển đến Puerto Rico từ New Jersey cùng chồng vào tháng 1/2022, đã sử dụng Covid-19 để từ chối mua sắm. Vì một số người thân của cô nhiễm bệnh, Evelyn không phải gửi quà Noel đến họ.
Hiện tại, do chi phí đi lại chiếm tới 700 USD trong ngân sách, cả hai đành phải cắt bớt tiêu xài cho kỳ nghỉ xuống còn khoảng 150 USD.
“Có lẽ tôi sẽ đặt một vài thứ trên mạng và ghé qua cửa hàng để sắm những đồ dùng cần thiết vào phút cuối”, cô bày tỏ.