Chia sẻ với Vox, Nate (Anh), nhân viên tại một công ty công nghệ tài chính lớn, cho biết anh chỉ làm việc một tiếng mỗi ngày dù trên hợp đồng cam kết 40 giờ/tuần.
Trong công việc, Nate chủ yếu hoàn thành các yêu cầu từ công ty khi có thông báo. Còn lại, anh dành phần lớn thời gian trong ngày để ngủ, xem tivi hoặc làm việc nhà.
Nam nhân viên hoàn toàn có thể nhận nhiều đầu việc hơn nhưng điều đó không quan trọng. Bởi lẽ, anh vẫn được đánh giá là một người năng suất, thậm chí còn được tăng lương và sống sót qua đợt sa thải nhân sự hồi đầu năm.
Theo thống kê của YouGov, 37% lao động Vương quốc Anh thừa nhận công việc của họ không thực sự cần thiết, hoặc dù cần, họ cũng chỉ mất rất ít thời gian để hoàn thành. Đáng chú ý, hầu hết nhóm nhân viên này không muốn tìm việc mới.
Thực trạng
Những người như Nate tồn tại đông đảo trong thế giới cạnh tranh việc làm ở Anh. Sự hiện diện của họ là nét đặc trưng không thể chối cãi, Vox nhận định.
“Điều đó gây hại cho văn hóa doanh nghiệp. Nó có thể khiến những đồng nghiệp phải làm việc vất vả xung quanh phẫn nộ”, Alison Green, chuyên gia tư vấn nghề nghiệp và nhà điều hành trang web Ask a Manager cho biết.
Không có gì lạ khi những người trong hoàn cảnh “thất nghiệp” này cảm thấy tội lỗi, chán nản, hoặc lo sợ bị ai đó phát hiện mình đang quá rảnh, nữ chuyên gia nói thêm.
Charlie (Anh), nhà khoa học dữ liệu tại một công ty tài chính, khá bận rộn trong 5 năm đầu. Song, lượng công việc của anh lại giảm đáng kể từ sau lần thăng chức gần đây.
“Tôi thấy mình tụt lại phía sau. Tôi thực sự mong sẽ bị sa thải và nhận một khoản trợ cấp thất nghiệp hậu hĩnh, điều đó chẳng tệ chút nào”, Charlie giãi bày.
Tương tự, một đồng nghiệp khác của Charlie cũng “tận hưởng” khối lượng công việc nhẹ nhàng đến khó tin. Thế nhưng, anh vẫn nhận định kỹ năng của mình cần được trau dồi thêm chứ không thể mãi dậm chân tại chỗ.
Tuy nhiên, không phải ai cũng thấy lo lắng như Charlie và đồng nghiệp của anh.
Tom (Anh), nhân viên bán hàng, tỏ ra thích thú vì nhờ mưu mẹo, anh “ngồi không” mà vẫn có lương.
Theo đó, sếp đã quên báo việc Tom sắp nghỉ việc cho bộ phận nhân sự, vì vậy anh nhân viên vẫn nhận tiền suốt nhiều tháng trước khi bị công ty phát hiện.
Giờ đây, với công việc mới, công ty thậm chí không nắm được chỗ ở của Tom. Nói cách khác, nơi anh làm việc vận hành lỏng lẻo và hời hợt trong khâu quản lý nhân viên.
Trên thực tế, Tom không quá bận tâm đến thăng tiến trong công việc, cũng không áp lực chuyện đồng nghiệp để mắt tới mình và đánh giá.
“Tôi chỉ đơn giản sống tử tế, lịch sự và làm thật tốt công việc bán hàng. Thế là đủ”.
Nguyên nhân
Lý giải cho hiện tượng “thất nghiệp” trên, Vox cho biết có thể dự án mà những nhân viên này đảm nhận không quan trọng hoặc công việc của họ đã được công nghệ xử lý hết.
Ngoài ra, nhóm lao động này xử lý công việc nhanh nên tiết kiệm thời gian hoặc họ thực sự giỏi trong việc bí mật lười biếng nhưng không ai biết cũng được xem là lý do.
Bất kể nguyên nhân là gì, trách nhiệm lớn nhất vẫn thuộc về những quản lý và lãnh đạo.
Khảo sát của Totaljobs được thực hiện trên hơn 500 quản lý ở Anh, tiết lộ cứ 10 quản lý thì có 4 người cho biết họ chưa từng được đào tạo bài bản về kỹ năng lãnh đạo.
“Bạn có thể gặp những quản lý thảnh thơi đến mức chẳng nhận thức được vấn đề, không nắm hết vai trò cũng như năng lực của nhân viên”, Green nói.
Bobby (Anh), kỹ sư tại công ty công nghệ, cho biết cấp trên của anh dường như luôn bận rộn với các cuộc họp, do đó không còn nhiều thời gian để ý xung quanh.
Nam kỹ sư nghĩ rằng mình được tuyển dụng quá sớm so với nhu cầu của công ty. Vì vậy, anh rảnh đến mức có thời gian cả ngày để nghiên cứu và phát triển các dự án công nghệ cho riêng mình.
“Đến cuối ngày, trách nhiệm của những nhà nhà lãnh đạo là quản lý lực lượng lao động, biết họ là ai, đang làm gì và kết quả ra sao. Nếu quản lý làm việc hiệu quả, chuyện chểnh mảng gần như không thể diễn ra”, Bryan Creely, người đặt ra thuật ngữ “nghỉ việc trong yên lặng ” khẳng định.