“Trong thời kỳ khủng hoảng, chúng tôi chỉ muốn sống sót. Giờ đây thì công ty đã có lợi nhuận và tình hình kinh doanh tốt đến nỗi chúng tôi còn chẳng tìm đủ nhân công để đáp ứng các đơn hàng”, ông Paris Skouros của hãng sản xuất, lắp đặt thang máy Skouros&Sons thừa nhận với tờ New York Times (NYT).
Tờ NYT cho biết lời thú nhận của ông Skouros đã nói rất rõ tình hình tại Hy Lạp, quốc gia khiến toàn thế giới phải chấn động cách đây 10 năm vì bị tuyên bố vỡ nợ cùng hình ảnh người dân chen nhau rút tiền ở máy ATM mà không được.
Thế nhưng từ một nền kinh tế phải khuất phục trước lãnh đạo Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) và IMF để sống thắt lưng buộc bụng bất chấp phản đối của người dân, Hy Lạp giờ đây đã trở thành một nền kinh tế có tăng trưởng thuộc hàng cao nhất Châu Âu trong bối cảnh các nước Đức, Pháp lẫn Anh đều đang gặp khó khăn.
Theo NYT, tăng trưởng kinh tế Hy Lạp hiện cao gấp đôi so với mức bình quân Eurozone còn tỷ lệ thất nghiệp thì ở mức thấp nhất trong 10 năm qua.
Ngành du lịch của nước này đã hồi phục mạnh mẽ dẫn đến mảng xây dựng khách sạn, văn phòng bùng nổ trở lại, kéo theo đó là việc làm lẫn thu nhập.
Hàng loạt những tên tuổi lớn như Microsoft hay Pfizer đã đổ tiền đầu tư vào Hy Lạp trong khi hệ thống ngân hàng từ tình trạng gần như sụp đổ đã hồi sinh ngoạn mục, qua đó thúc đẩy tín dụng đầu tư và kích thích nền kinh tế.
Tất nhiên di chứng của cuộc khủng hoảng vẫn còn khi nợ công nước này vẫn ở mức 166% GDP, thuộc hàng cao nhất thế giới nhưng nền kinh tế đã dần hồi phục và đặc biệt trở thành điểm sáng trong bối cảnh khó khăn tại Châu Âu.
Thắt lưng buộc bụng
Cách đây 10 năm, cuộc khủng hoảng nợ công Hy Lạp đã làm chấn động toàn cầu.
Kể từ khi cố gắng vượt tiêu chuẩn nợ công 3% GDP để gia nhập Eurozone vào tháng 1/2021, Hy Lạp đã có một thời gian dài thâm hụt ngân sách. Chi tiêu của chính phủ tăng 87% trong khoảng 2001-2007 nhưng mức thu chỉ tăng 37%.
Đã “nghèo” là vậy nhưng Hy Lạp lại còn đầu tư lớn cho Thế vận hội Athens 2004 và hậu quả là một ngân sách trống rỗng có tỷ lệ bội chi khoảng 8%, cao gấp 3 lần tiêu chuẩn Eurozone.
Năm 2008, khủng hoảng toàn cầu diễn ra khiến các ngành công nghiệp chủ đạo của Hy Lạp bị ảnh hưởng.
Mảng du lịch và vận tải giảm doanh thu đến 15% khiến nguồn thu ngân sách bị xói mòn, khiến chính phủ phải tăng chi tiêu công để kích thích tăng trưởng.
Kết quả là nợ công Hy Lạp đạt 216 tỷ Euro tính đến tháng 1/2010, nợ lũy kế đạt 130% GDP.
Việc Hy Lạp phải liên tục phát hành trái phiếu để kiếm hàng tỷ USD đầu tư công dàn trải suốt 10 năm đã khiến nước này rơi vào nguy cơ vỡ nợ và kích hoạt sự đổ vỡ dây chuyền ở Eurozone.
Thế rồi đỉnh điểm là Hy Lạp bị phanh phui về việc nói dối báo cáo số liệu năm 2009 khi con số thực cho thấy nền kinh tế này đã thâm hụt ngân sách đến 12,5%, cao gấp 4 lần giới hạn trong Eurozone.
Hàng loạt những bất ổn này khiến các tổ chức đánh tụt hạng tín nhiệm của Hy Lạp, buộc chính phủ nước này phải thắt chặt ngân sách và kích động một làn sóng bất ổn trong xã hội khi người dân biểu tình vì mất việc và giảm lương.
Hình ảnh hàng dài người Hy Lạp đi rút tiền nhưng không được, cạn kiệt nguồn vốn và phải dùng hàng hóa đổi hàng hóa đã làm cả thế giới bàng hoàng.
Cực chẳng đã vì không muốn sụp đổ lan truyền, các nhà lãnh đạo Eurozone và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã phải tung ra gói cứu trợ 110 tỷ Euro kỳ hạn 3 năm cho Hy Lạp vào tháng 5/2010.
Đến tháng 10/2010, IMF lại cho nước này vay thêm 2,5 tỷ Euro, nâng tổng giá trị các khoản vay khẩn cấp mà IMF dành cho Hy Lạp để tránh vỡ nợ lên đến 10,58 tỷ Euro.
Liên tục trong khoảng thời gian từ tháng 5/2010 đến tháng 6/2011, Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) đã mua 45 tỷ Euro trái phiếu chính phủ Hy Lạp.
Các khoản hỗ trợ thanh khoản mà ECB dành cho hệ thống ngân hàng Hy Lạp tăng từ 47 tỷ Euro tháng 1/2010 lên 98 tỷ Euro tháng 5/2011 nhằm chấm dứt tình trạng người dân muốn rút tiền mà không được.
Đổi lại, Hy Lạp đã buộc phải thông qua chính sách thắt lưng buộc bụng gây nhiều tranh cãi vì người dân biểu tình phản đối nhưng Eurozone lại yêu cầu phải thực hiện nếu muốn được viện trợ.
Nước này phải tăng thuế, cắt giảm trợ cấp, sa thải 30.000 công chức trong bối cảnh nợ công lên đến 162% GDP.
Tháng 3/2012, các chủ nợ tư nhân đồng ý kế hoạch đảo nợ 85% cho Hy Lạp nhằm cắt giảm 100 tỷ Euro nợ công cho nền kinh tế này.
Ngay lập tức các tổ chức như Fitch và Moody’s đồng loạt tuyên bố Hy Lạp vỡ nợ. Cơn hỗn loạn tài chính này thậm chí đã lan sang cả Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Italy.
Nhiều ước tính cho thấy tổng giá trị 3 khoản cứu trợ từ năm 2010 đến 2015 cho Hy Lạp đã lên đến 320 tỷ Euro.
Các quỹ lương hưu và an sinh xã hội bị cắt giảm mạnh trong khi nền kinh tế Hy Lạp suy giảm đến 1/4. Hàng trăm nghìn doanh nghiệp phá sản vì bị ngân hàng siết nợ. Đến năm 2013, khoảng 1/3 số người dân Hy Lạp là thất nghiệp.
“Hy Lạp buộc phải chấp nhận những khó khăn này nếu muốn sống sót”, Cựu Bộ trưởng tài chính Hy Lạp và hiện đang là Thống đốc ngân hàng trung ương, ông Yannis Stournaras thừa nhận.
Sống sót và vươn lên
Sau nhiều năm thắt lưng buộc bụng, Hy Lạp cuối cùng cũng thoát khỏi chương trình siết chặt chính sách tài khóa vào năm 2018 để chuyển sang bình ổn và kích thích kinh tế.
Những động thái đầy cố gắng của Hy Lạp đã khiến Liên minh Châu Âu (EU) thông qua gói đầu tư 30 tỷ Euro cho nước này vào năm 2021.
Hàng loạt các tổ chức tín dụng bắt đầu nâng xếp hạng tín nhiệm cho Hy Lạp, ví dụ như Moody’s đã nâng 2 bậc vào ngày 15/9/2023, nhấn mạnh đến sự cải cách đáng khích lệ của nền kinh tế, hệ thống tài chính và mạng lưới ngân hàng nơi đây.
Rất nhiều tập đoàn nước ngoài cũng đổ về đây khi Microsoft xây trung tâm dữ liệu trị giá 1 tỷ Euro ở Athens, còn Pfizer xây phòng nghiên cứu trị giá 650 triệu Euro.
Tiếp đó là vô số các hãng xe điện Trung Quốc, Mỹ đổ về đây mở nhà máy. Thế rồi những thỏa thuận đầu tư từ Meta, Cisco hay JP Morgan Chase được dự đoán sẽ đem về hàng tỷ Euro nữa cho Hy Lạp trong vài năm tới.
Bên cạnh đó, ngành du lịch chủ chốt của Hy Lạp cũng hồi sinh mạnh với hơn 10 triệu lượt du khách đã đến nước này mùa hè qua, đem về doanh thu hơn 21 tỷ Euro.
Sự trỗi dậy của nhu cầu khách sạn đã thúc đẩy ngành xây dựng. Hơn nữa chương trình lấy visa tại EU của người Mỹ khi mua ít nhất 500.000 USD bất động sản tại Hy Lạp cũng có tác dụng.
Minh chứng rõ hơn là doanh nghiệp của ông Skouros khi từ chẳng có đơn hàng nào thời khủng hoảng thì hiện đang có hợp đồng với 10 dự án bất động sản.
Công ty làm ăn có lãi khiến Skouros phải tăng lương 10% nhằm tuyển dụng thêm nhân công, thế nhưng tăng trưởng quá nóng của nền kinh tế khiến việc tuyển dụng chẳng hề dễ.
Tại mảng hành chính công, chính phủ Hy Lạp dự kiến sẽ tăng mức lương sàn lên 950 Euro/tháng sau khi đã tăng lên 780 Euro/tháng vào tháng 4/2023. Đây là lần tăng đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng cách đây 10 năm.
“Đây là những tín hiệu cực kỳ lạc quan cho người dân. Nền kinh tế Hy Lạp đã ổn định trở lại”, quản lý Konstantinos Kanderakis tại một hãng công nghệ thông tin ở Hy Lạp vui vẻ nói.
*Nguồn: NYT