Một số dự án bất động sản (BĐS) nhà ở tại Trung Quốc đang làm đủ mọi cách để thu hút người mua. Có dự án tặng ô tô và bãi đỗ xe làm quà khuyến mãi, có dự án thì hứa hẹn tặng Mercedes khi mua biệt thự. Lại có cả dự án quảng cáo sẽ nhận tỏi làm vốn vay trả góp với tỉ lệ '1 cân tỏi bằng 5 Nhân Dân Tệ'.
Tất cả các quảng cáo này đều cho thấy cầu BĐS nhà ở tại đất nước này đang đi xuống. Mùa hè năm 2021, doanh số nhà ở của 100 nhà phát triển BĐS lớn nhất Trung Quốc đã sụt giảm.
Doanh số BĐS nhà ở tại Trung Quốc giảm đáng kể trong quý 2 năm 2022 so với cùng kỳ. Thống kê từ CBRE, tháng 7 năm 2022.
Điều này cũng đang xảy ra với các nước phương Tây do áp lực từ lạm phát và nỗi lo suy thoái kinh tế. Nhưng ở Trung Quốc còn có một vài nguyên nhân khác, bao gồm việc giãn cách xã hội trong thời kỳ COVID-19 và nỗi lo về tình hình nợ của các nhà phát triển BĐS.
BĐS có lẽ là một trong những ngành quan trọng nhất đối với nền kinh tế Trung Quốc. Thị trường BĐS ước chiếm 25%, thậm chí một phần ba nền kinh tế nước này. Trong nhiều thập kỷ vừa qua, giá nhà năm nào cũng tăng lên. Điều đó đã làm giàu cho rất nhiều nhà phát triển BĐS, kéo họ vào cuộc chạy đua mua đất, đưa ra nhiều dự án presale (tức dự án mới chưa cần xây xong đã có người tới mua), làm đầy ngân quỹ để rồi lại tiếp tục mua đất. Ví dụ tiêu biểu của mô hình quay vòng này là công ty Evergrande, một trong những công ty BĐS lớn nhất, và cũng mang nhiều nợ nhất Trung Quốc, đã vỡ nợ và sụp đổ nhanh chóng trong năm 2021. Các nhà làm luật Trung Quốc từ đó đã bắt đầu có những bước đi cứng rắn hơn để giới hạn mức nợ của các nhà phát triển BĐS.
Chính phủ và giới BĐS Trung Quốc đã làm gì để tăng doanh số?
Cuộc khủng hoảng kể trên khiến người tiêu dùng mất lòng tin vào thị trường cũng như lo ngại rằng các công ty BĐS khác cũng sụp đổ theo. Do đó, chính phủ cùng giới phát triển BĐS nước này đã đưa ra nhiều cách thức để làm tăng doanh số.
Từ phía chính phủ, nhiều tỉnh thành đã hạ thấp lãi suất vay mua nhà để khách hàng, đặc biệt là người trẻ, có thể tiếp cận dễ hơn.
Từ phía các nhà phát triển BĐS, họ quảng cáo các quà tặng khuyến mãi đi kèm. Nhiều công ty còn vận dụng biện pháp này theo cách hết sức 'sáng tạo': có công ty tặng một con lợn nặng một tạ, có công ty thì 'tặng' luôn cả cơ hội vào làm việc.
Phản ứng của công chúng tương đối đa dạng, một số bày tỏ sự thích thú, số khác lại tỏ ra khắt khe trước các quảng cáo này.
'Quà khuyến mãi' có tác dụng đến đâu?
Câu hỏi cần đặt ra là khách hàng cảm thấy yên tâm đến đâu khi cầm tiền đi mua nhà? Để có được lòng tin và sự yên tâm, cần dựa vào các yếu tố kinh tế vĩ mô hơn là những món quà đi kèm mà các nhà phát triển đang rầm rộ quảng cáo.
Để xây dựng và phát triển BĐS theo tốc độ mà Trung Quốc đã duy trì trong vài năm qua, cần tiêu thụ một lượng lớn nguyên vật liệu nhập từ nước ngoài. Sự suy giảm trong ngành BĐS nước này sẽ ít nhiều gây tác động đến các nước xung quanh. Do đó, các doanh nghiệp bên ngoài nước đều đang quan tâm liệu người tiêu dùng ở Trung Quốc có sớm quay lại thị trường BĐS một cách ổn định hay không.