Trong cuộc họp báo đầu tháng 8, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết sau khi áp dụng bảng giá đất điều chỉnh, chi phí giải phóng mặt bằng tại 2 dự án rạch Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh, Gò Vấp) và bờ Bắc Kênh Đôi (quận 8) sẽ tăng thêm 10.000 tỷ đồng.
Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng
Theo Chủ tịch TP.HCM, hai dự án này trước đó có nguy cơ chậm tiến độ, chủ yếu liên quan công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Do đó, ông đã nhận phụ trách giám sát, đốc thúc.
Ông Mãi nhận định nếu tập trung triển khai thì 2 dự án vẫn có thể đảm bảo tiến độ, đặc biệt khi áp dụng giá bồi thường mới theo Luật Đất đai 2024 để chi trả, hỗ trợ cho người dân.
Ngoài hai dự án này, Chủ tịch Mãi kỳ vọng bảng giá đất điều chỉnh sẽ thúc đẩy công tác bồi thường giải phóng mặt bằng bởi dễ nhận được sự đồng thuận của người dân hơn, qua đó giúp các dự án đầu tư công trên địa bàn đạt tiến độ.
Chủ tịch TP.HCM kỳ vọng bảng giá đất điều chỉnh sẽ thúc đẩy công tác bồi thường giải phóng mặt bằng các công trình giao thông, hạ tầng trọng điểm trên địa bàn. Ảnh: Quỳnh Danh.
Trao đổi với Tri Thức - Znews, ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực miền Nam nhận định hầu hết dự án đầu tư công khó triển khai từ trước đến nay đều do không thống nhất được phương án thu hồi đất với người dân trong quá trình giải tỏa mặt bằng.
Vì vậy, ông cho rằng bảng giá đất điều chỉnh nên được áp dụng càng sớm càng tốt. Từ đó, người dân và Nhà nước sẽ có cơ sở để thương thảo tiến đến một phương án chung hài hoà, giúp dự án triển khai đúng tiến độ.
Trả lời báo chí trước đó, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) TP.HCM cũng khẳng định bảng giá đất điều chỉnh rất quan trọng trong việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công cho các dự án trên địa bàn TP.HCM, đặc biệt là các dự án trọng điểm.
Ông cho hay Luật Đất đai 2024 quy định bảng giá đất từ ngày 1/8 không còn hệ số sử dụng đất và phải có bảng giá đất cho tái định cư. Do đó, cơ quan này phải ban hành bảng giá đất điều chỉnh kịp thời để phù hợp với quy định của pháp luật.
"Đội vốn"?
Dù vậy, số tiền tăng thêm 10.000 tỷ đồng cho 2 dự án vẫn là con số lớn gây chú ý. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Tuấn, vốn dĩ bảng giá đất trước đây thấp hơn nhiều so với thực tế nên ngân sách dự toán ban đầu không phản ánh đúng tình hình thị trường. "Chứ không phải bỗng dưng 'phình to' lên như vậy", ông Tuấn nhấn mạnh.
Thực tế, theo dự thảo bảng giá đất dự kiến áp dụng vào các tháng cuối năm nay, Sở TN&MT TP.HCM đề xuất điều chỉnh giá đất tại nhiều quận tăng trung bình 5-10 lần. Thậm chí, một số địa phương thuộc khu vực ngoại thành như Hóc Môn, Củ Chi dự kiến điều chỉnh 15-50 lần so với hiện tại.
Tương tự, ông Võ Hồng Thắng, Phó tổng giám đốc DKRA Group cũng nhận định bản chất của đầu tư công nhằm kích thích nền kinh tế và thu hút vốn đầu tư. Vì vậy, việc đền bù thỏa đáng cho người dân không thể nói là "đội vốn", mà chủ yếu do quá trình dự toán chi phí trước đó chưa hợp lý.
"Rõ ràng, tính hiệu quả sẽ tăng rất nhiều so với việc công trình đã đầu tư 50%, 70%, thậm chí 80% rồi bị treo trong 5-10 năm mà không có kết quả. Những công trình bị treo như vậy mới thực sự thất thoát và lãng phí", ông nói với Tri Thức - Znews.
Đơn cử như tuyến Metro số 1, dự án này được khởi công vào năm 2008 với tổng mức đầu tư khi đó hơn 17.000 tỷ đồng, dự kiến vận hành năm 2015. Tuy nhiên, đến năm 2011, dự án được phê duyệt nâng vốn lên hơn 47.000 tỷ đồng do chi phí nguyên vật liệu, nhân công và sự thay đổi của tỷ giá yen Nhật - đồng Việt Nam...
Năm 2015, dự án tiếp tục lùi thời gian vận hành sang năm 2020 do chậm trễ giải phóng mặt bằng. Đến nay, sau 16 năm, công trình vẫn chưa đưa vào vận hành và lại tiếp tục gia hạn thời gian khai thác.
Ông Thắng cho biết việc chậm trễ đưa tuyến Metro số 1 vào vận hành thương mại không chỉ gây lãng phí nguồn lực mà còn ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông công cộng.
Tuyến Metro số 1 liên tục gia hạn thời gian khai thác gây lãng phí nguồn lực. Ảnh: Quỳnh Danh.
Chưa kể, các công trình đầu tư công ban đầu đều phải được đánh giá mức độ khả thi và tính hiệu quả. Do đó, khi lập nghiên cứu quy hoạch, cơ quan quản lý cần nghiên cứu kỹ mức vốn đầu tư để không gây khó khăn cho các nhà thầu tham gia, cũng như bảo vệ lợi ích của người dân.
Dẫu vậy, với bảng giá đất điều chỉnh trên dự thảo hiện nay, ông cho rằng TP.HCM cần tính toán hệ số kèm theo với từng đối tượng cụ thể, tránh việc điều chỉnh một cách đột ngột, tạo tâm lý hoang mang.
"Bản thân bảng giá đất không sai, tuy nhiên, vấn đề đóng thuế, chuyển đổi mục đích đất, hệ số kèm theo rất quan trọng, phải nghiên kỹ để áp dụng cụ thể, còn việc giải tỏa đền bù giá tiệm cận thị trường là bình thường", ông nhấn mạnh.
Bày tỏ với Tri Thức - Znews, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng đồng tình với việc dự thảo bảng giá đất hiện nay có lợi cho người dân có đất bị thu hồi.
"Tuy nhiên, khi người dân dùng tiền bồi thường để mua căn nhà khác, chưa chắc đã mua được căn nhà tương tự vì giá bất động sản đã tăng lên do tác động không mong muốn của bảng giá đất điều chỉnh", ông Châu nêu quan điểm.
Do đó, ông cho rằng TP.HCM chưa ban hành bảng giá đất điều chỉnh ngay bây giờ, thay vào đó nên tập trung xây dựng và hoàn thiện Dự thảo bảng giá đất lần đầu để công bố và áp dụng từ ngày 1/1/2026 theo quy định. Với bảng giá đất lần đầu này, ông đề nghị TP đánh giá toàn diện tác động đối với các đối tượng.