Hãng tin CNBC đưa ra số liệu ước tính cho thấy tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Đức và Mỹ đạt 63 tỷ euro, tương đương 68 tỷ USD, trong 3 tháng đầu năm nay. Trong khi đó, giá trị thương mại giữa Đức và Trung Quốc đạt chưa tới 60 tỷ euro.
Trao đổi với CNBC, ông Carsten Brzeski - trưởng nghiên cứu vĩ mô toàn cầu của công ty ING Research - cho rằng có một số yếu tố dẫn tới thay đổi trên.
“Sự dịch chuyển này là kết quả của những yếu tố gồm tăng trưởng kinh tế mạnh ở Mỹ làm gia tăng nhu cầu của nước này đối với hàng hoá Đức… Cùng với đó, sự phân ly khỏi Trung Quốc, nhu cầu ở Trung Quốc còn yếu, và việc Trung Quốc giờ đã có thể sản xuất nhiều loại hàng hoá mà trước đây họ phải nhập từ Đức - nhất là ô tô - khiến cho xuất khẩu của Đức sang Trung Quốc giảm”, ông Brzeski nhận định.
Trung Quốc vốn là đối tác thương mại lớn nhất của Đức trong nhiều năm, nhưng khoảng cách giữa Trung Quốc và Mỹ về kim ngạch thương mại với Đức đã rút ngắn trong những năm gần đây. Nhà kinh tế trưởng Holger Schmieding của ngân hàng Berenberg Bank cũng nhấn mạnh việc Mỹ từ lâu đã là thị trường lớn hơn so với Trung Quốc cho xuất khẩu hàng hoá của Đức.
Trong khi tỷ trọng của Mỹ trong xuất khẩu hàng hoá của Đức tăng lên trong những năm gần đây, tỷ trọng này của Trung Quốc lại giảm xuống. “Nền kinh tế Trung Quốc đang ảm đạm và các công ty Đức đang đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt hơn từ các công ty Trung Quốc được trợ cấp”, ông Schmieding nhận định.
Nhà kinh tế này chỉ ra rằng Mỹ cũng đang trở nên quan trọng hơn đối với Đức xét về phương diện nhập khẩu.
Đức hiện đang theo đuổi một chiến lược Trung Quốc mới, kêu gọi các công ty “giảm rủi ro” khỏi Trung Quốc. Chính phủ Đức nhấn mạnh rằng Trung Quốc vẫn là một đối tác của nước này và sẽ không có sự “phân ly”, nhưng “sự đối đầu có hệ thống” đang ngày càng trở thành đặc trưng của mối quan hệ song phương.
Căng thẳng đang gia tăng giữa Liên minh châu ÂU (EU) và Trung Quốc, khi cả hai đã tiến hành điều tra nhằm vào hoạt động thương mại của đối phương và đe doạ áp thuế quan lên hàng hoá của nhau.
Tuần trước, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen tuyên bố (EU) sẵn sàng triển khai tất cả các công cụ sẵn có để bảo vệ các nền kinh tế thành viên nếu Trung Quốc không tạo ra sự tiếp cận bình đẳng với thị trường nước này. Tuyên bố được bà von der Leyen đưa ra ngay sau khi hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Paris nhân chuyến công du châu Âu của ông Tập.
Tháng trước, viện nghiên cứu kinh tế Đức Ifo phát hiện thấy tỷ lệ doanh nghiệp nước này cho biết có sự phụ thuộc vào Trung Quốc đã giảm từ mức 46% vào tháng 2/2022 xuống còn 37% vào tháng 2/2024. Sự giảm tỷ lệ này có liên quan tới việc giảm số công ty Đức phụ thuộc vào nguồn đầu vào từ các nhà sản xuất Trung Quốc - theo báo cáo của Ifo.
“Việc Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Đức thực chất phản ánh các mô hình thương mại đang biến đổi, cũng như sự phân ly từ từ khỏi Trung Quốc”, ông Brzeski nhận định.
Bên cạnh đó, Trung Quốc với tư cách một điểm đến đầu tư cũng đang giảm sức hấp dẫn đối với doanh nghiệp châu Âu. Theo một cuộc khảo sát gần đây của Hội đồng Thương mại EU ở Trung Quốc, chỉ 13% doanh nghiệp châu Âu được hỏi cho biết họ xem Trung Quốc là điểm đến đầu tư hàng đầu, mức thấp nhất kể từ khi khảo sát này bắt đầu vào năm 2010 và giảm hơn một nửa từ mức 27% vào năm 2021.