"Ùn tắc" đăng kiểm
Thời gian qua, vì nhiều dây chuyền đăng kiểm xe bị đình chỉ đúng vào thời điểm cuối năm nên từ cuối năm 2022, tình trạng quá tải tại các trung tâm đăng kiểm liên tục xảy ra tại nhiều tỉnh, thành phía Nam. Đến đầu năm 2023, xuất hiện tình trạng quá tải khi lượng lớn các phương tiện ở các trung tâm của Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc.
Theo số liệu từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, hiện cả nước có 280 đơn vị đăng kiểm xe cơ giới; trong đó có 196 đơn vị trực thuộc các doanh nghiệp; 64 đơn vị thuộc các Sở Giao thông vận tải và 20 đơn vị thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, tính đến sáng 11/1/2023, có 33 trung tâm đăng kiểm trên cả nước đang tạm dừng hoạt động tại 13 tỉnh, thành phố gồm: Phú Thọ, Hòa Bình, TP Hà Nội, TP. HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Đồng Tháp, Bến Tre, Sóc Trăng, Tiền Giang, Bắc Giang và Bắc Ninh. Trong đó, có 30 trung tâm đăng kiểm tạm dừng hoạt động để phục vụ công tác điều tra của cơ quan công an, 1 trung tâm đăng kiểm do vấn đề về nhân sự, 1 trung tâm đăng kiểm do không đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy, 1 trung tâm đăng kiểm do đăng kiểm viên bị tạm đình chỉ và 1 trung tâm đăng kiểm do thu hồi đất.
Tại Hà Nội, có 11 trung tâm đăng kiểm bị tạm dừng hoạt động để phục vụ công tác điều tra, hiện còn 20 trung tâm đăng kiểm hoạt động.
Theo ghi nhận của phóng viên tại Trung tâm đăng kiểm 2910D (Bãi đỗ xe công cộng và dịch vụ Đền Lừ, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai), mới đầu giờ sáng, nhưng lượng ô tô đến đăng kiểm đã chật kín khu vực dẫn vào Trung tâm. Các xe xếp hàng chờ đến lượt chật kín đường vào bãi xe khiến giao thông có thời điểm bị ùn tắc.
Đến xếp hàng từ chiều hôm trước, đến sáng nay vẫn chưa đến lượt vì quá nhiều xe cũng đang chờ xếp hàng, anh Nguyễn Thành (ở phường Giáp Bát, Hà Nội) cho biết, hơn do xe cũ nhưng bình thường xe kiểm tra mất khoảng buổi sáng là xong, đợt này chờ đến 2 ngày rồi vẫn chưa đến lượt đăng kiểm. Chưa kể đến, tình trạng cuối năm, người dân đổ xô đi mua ô tô nên ngoài xe cũ cần đăng kiểm, lượng xe mới cũng tăng cao liên tục.
Tương tự, nhiều người chờ đăng kiểm ở trung tâm này cho biết, dịp cận Tết, ai cũng muốn có xe để đi lại vào dịp cuối năm, thời gian này cũng đến kỳ đăng kiểm hết hạn, người dân đổ xô đi đăng kiểm lại nên tình trạng ùn tắc là khó tránh khỏi. Do cũng có thông tin các trung tâm đăng kiểm đóng cửa, đông đúc nên đi sớm mà vẫn phải chờ hàng tiếng đồng hồ mới đến lượt.
Những "kẽ hở" đăng kiểm
Các chuyên gia cho rằng, lĩnh vực đăng kiểm có tính xã hội cao, hoạt động rộng trên cả nước, ảnh hưởng đến nhiều người dân và doanh nghiệp. Việc hoạt động của các trung tâm đăng kiểm đã bộc lộ những tồn tại, bất cập, thậm chí các tổ chức, cá nhân đã lợi dụng các kẽ hở pháp luật để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, không chấp hành quy trình, quy định.
Trên thực tế, thời gian qua, cả nước đã có hơn 80 cá nhân vi phạm bị bắt giữu hoặc tạm giam để điều tra trong vụ án: "Môi giới hối lộ," "Đưa hối lộ," "Nhận hối lộ" và "Giả mạo trong công tác" xảy ra tại các Trung tâm đăng kiểm trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Bến Tre, Bắc Ninh và Bắc Giang… Ngày 11/1, Công an TP Hồ Chí Minh đã khởi tố, bắt giam để điều tra về tội nhận hối lộ đối với ông Đặng Việt Hà, Cục Trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam. Hay trước đó là vụ việc một giám đốc trung tâm đăng kiểm ở TP Hồ Chí Minh không biết chữ là điều khiến bất kể ai cũng ngỡ ngàng.
Theo các chuyên gia, việc gia tăng quá nhanh số lượng các trung tâm đăng kiểm cơ giới đường bộ trong 4 năm qua là một trong những nguyên nhân làm xuất hiện cạnh tranh gay gắt, không lành mạnh giữa các đơn vị để thu hút khách hàng. Từ đó dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.
Mặt khác, đăng kiểm viên là người làm thuê tại các đơn vị đăng kiểm tư nhân, do đó, chịu ảnh hưởng bởi các chủ đầu tư, không còn tính độc lập trong kiểm tra, đánh giá, xác nhận kết quả kiểm định. Để giảm chi phí, các chủ đầu tư thường chỉ thuê các đăng kiểm viên mới, thiếu kinh nghiệm trong kiểm định xe cơ giới dẫn đến chất lượng nguồn nhân lực tại các đơn vị đăng kiểm xã hội hóa có nhiều hạn chế.
Ngoài ra, cũng phải kể đến, nhận thức của chủ xe, lái xe chưa cao, vẫn còn tâm lý muốn các đơn vị đăng kiểm bỏ qua các lỗi, khiếm khuyết về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện nên đã có các hành vi tác động... Do vậy, việc xây dựng tiêu chuẩn cần dựa trên tham khảo từ các chuyên gia và ý kiến của cơ quan chức năng có liên quan. Đơn cử, giám đốc trung tâm đăng kiểm phải có trình độ nhất định về học thức, có am hiểu về cơ khí, có kinh nghiệm liên quan đến lĩnh vực vận tải…
Trước đó, thông tin tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 3/1, Trung tướng Tô Ân Xô - Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, Công an TP Hồ Chí Minh cùng một số cục nghiệp vụ của Bộ Công an đã phát hiện, đấu tranh làm rõ nhiều hành vi sai phạm, tiêu cực trong quá trình cấp giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật bảo vệ môi trường tại một số Trung tâm kiểm định các phương tiện giao thông cơ giới trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Bến Tre, Phan Rang và chắc sẽ còn thêm nữa. Sơ bộ ước tính có hơn 70.000 phương tiện cơ giới đã được kiểm định phạm luật và các Trung tâm kiểm định này đã cấp khoảng 52.300 giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật về bảo vệ môi trường, thu lợi hàng chục tỷ đồng.
Một số Trung tâm đăng kiểm này không đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn thành lập, lập danh sách kiểm định viên ảo để hợp thức hóa một số quy định của Chính phủ về dịch vụ xe cơ giới. Ví dụ, quy định phải có 3 kiểm định viên thì họ không có ai; thậm chí có giám đốc 1 Trung tâm kiểm định không viết được, không biết chữ, không đọc được. Hỏi ra thì khai mới học hết lớp 3 cách đây 50 năm. Đó là giám đốc Trung tâm kiểm định 50-17D Nhà Bè.
Trung tướng Tô Ân Xô nhấn mạnh, những hành vi như trên làm cho việc giám sát chất lượng, số lượng phương tiện an toàn giao thông bảo vệ môi trường bị ảnh hưởng, xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước, xâm phạm đến trật tự quản lý công cộng, gây thiệt hại tài sản cho người dân, gây dư luận xấu cho xã hội, gây nguy cơ mất an toàn cho người điều khiển phương tiện và người dân.
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, sau những sai phạm tại một số trung tâm đăng kiểm, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để nắm bắt thông tin từ hoạt động hàng ngày của từng đơn vị đăng kiểm trong cả nước, cung cấp các thông tin tài liệu cần thiết phục vụ cho việc điều tra, xử lý các vụ việc của cơ quan chức năng; ban hành văn bản chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị đăng kiểm cử các đăng kiểm viên tăng cường cho các đơn vị đăng kiểm TP.Hồ Chí Minh.
Cùng với đó, đẩy mạnh việc giám sát trực tiếp và từ xa với hoạt động của các đơn vị đăng kiểm trong cả nước nhằm mục đích là hỗ trợ cho các đơn vị trong cả nước là hoạt động bình thường, đáp ứng nhu cầu kiểm định phương tiện của người dân và doanh nghiệp.
Trước đó, Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt Đề án “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 2030" với nội dung về các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính các giải pháp đẩy mạnh nâng cao chất lượng giám sát các hoạt động cán bộ, công chức, viên chức để ngăn chặn và đẩy lùi các hành vi sai phạm trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ.