Tình hình trái ngược
Theo báo The Economist (Anh), trong những ngày gần đây, những người dân Nga đang đăng tải nhiều hình ảnh và video trái ngược với hoàn cảnh ở châu Âu: những lò sưởi và bếp đầy nhiên liệu có thể "dùng mãi không hết". Số nhiên liệu có thể tốn hàng trăm euro ở Berlin hoặc Paris trong mùa đông năm nay lại chỉ có giá vài rúp ở Moscow. Hiện tượng này chỉ ra một sự thật dễ thấy: xung đột về kinh tế giữa Nga và phương Tây đang tới một khoảnh khắc nhạy cảm. Trong khi châu Âu đang đứng trước nguy cơ suy thoái, thì tình hình kinh tế ở Nga đang cải thiện.
Các biện pháp trừng phạt của phương Tây, được đưa ra để đáp trả chiến dịch của Moscow, đã làm tổn hại đến triển vọng kinh tế dài hạn của Nga. Theo dự báo, việc ngăn nền kinh tế lớn thứ 9 thế giới tiếp cận với công nghệ và chuyên môn nước ngoài đã cắt giảm một nửa tiềm năng tăng trưởng của nó.
Sản lượng dầu và khí đốt, huyết mạch của nền kinh tế Nga, đang thấp hơn khoảng 3% so với năm ngoái và có thể giảm thêm khi các lệnh cấm vận của châu Âu có hiệu lực vào đầu năm sau.
Theo Economist, quyết định gần đây của Moscow cũng có ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế Nga. Nhiều người đã rút tiền khỏi ngân hàng khi lo lắng về tương lai của đất nước. Economist ước tính, người Nga đã rút tiền gửi bằng đồng rúp với tổng trị giá 14 tỷ USD vào tháng 9, nhiều hơn khoảng 1/3 so với tháng 2.
Việc giảm lực lượng lao động đang làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu công nhân, làm gia tăng vấn đề lạm phát của Nga. Lạm phát giảm mạnh so với mức đỉnh, nhưng áp lực về giá trong các lĩnh vực dịch vụ sử dụng nhiều lao động đang trở nên tồi tệ hơn.
Dù có những khó khăn như vậy, nhưng cuộc suy thoái tại Nga có lẽ đã kết thúc. Theo báo cáo của Ngân hàng Goldman Sachs, hoạt động kinh tế của Nga đang "sôi động hơn một chút" so với các nước lớn ở châu Âu.
Thay đổi dự báo
Những vấn đề tại ngân hàng Sberbank của Nga đã gây ra ảnh hưởng tiêu cực nhưng sau đó tình hình đã ổn trở lại. Sản lượng trong ngành công nghiệp xe hơi Nga, vốn cách đây vài tháng gần như đã giảm xuống 0, cũng đã tăng trở lại, cho thấy rằng các nhà sản xuất nước này đã xoay sở để tìm nguồn cung từ bên ngoài phương Tây. Giá trị nhập khẩu tính theo đồng USD của Nga hiện nay gần như chắc chắn vượt qua mức trung bình của năm ngoái.
Trong dự báo mới nhất được Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) công bố vào ngày 11/10, tổ chức này đã nâng triển vọng kinh tế của Nga trong năm nay. Vào tháng 4, IMF cho rằng GDP của Nga sẽ giảm 8,5%. Hiện tại, dự đoán này chỉ là giảm 3,4%. Mặc dù đây vẫn là tin xấu với kinh tế Nga, nhưng rõ ràng Moscow vẫn có thể xoay xở được. Trên thực tế, các dữ liệu kinh tế cho thấy Nga sẽ có thể tiếp tục phát triển. Vào cuối tháng 9 vừa qua, Nga đã đưa ra dự thảo ngân sách cho giai đoạn 2023-2025.
The Economist trước đó cũng đã có bài phân tích về lí do kinh tế Nga có thể "trụ vững", trong số đó bao gồm doanh thu từ xuất khẩu năng lượng. Nhờ nguồn nhiên liệu dồi dào, Nga ít có khả năng phải đối mặt với tình trạng lạm phát do chi phí năng lượng leo thang như châu Âu.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu còn nói rằng người Nga “có sức chịu đựng hơn bất kỳ ai”. Trong gần 25 năm, Nga đã đối mặt với 5 cuộc khủng hoảng kinh tế: 1998, 2008, 2014, 2020 và 2022. Vì lý do đó, người Nga đã quen với việc thích nghi, thay vì hoảng loạn. Nhiều bộ phận của nền kinh tế Nga từ lâu đã tách biệt tương đối với phương Tây.
Theo Elina Ribakova thuộc Viện Tài chính Quốc tế, chi tiêu ngân sách mới của Nga ngầm hàm ý sẽ có sự gia tăng lớn trong chi tiêu liên quan đến quốc phòng trong những năm tới - đặc biệt là về an ninh "nội bộ". Khi đã tránh được sự sụp đổ về kinh tế, Nga sẽ tăng cường phát triển trên nhiều lĩnh vực khác.