Giá gạo xuất khẩu tăng cao
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu gạo tháng 3/2023 đạt 900 nghìn tấn, giá trị 480 triệu USD, đưa kết quả xuất khẩu gạo 3 tháng đầu năm 2023 đạt 1,79 triệu tấn và 952 triệu USD. Xuất khẩu gạo quý 1/2023 giảm 19,3% về khối lượng nhưng tăng 30,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Bình quân giá gạo xuất khẩu 3 tháng đầu năm 2023 ước đạt 531 USD/tấn, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là mức giá xuất khẩu gạo bình quân cao nhất trong 10 năm qua.
Về thị trường, trong quý đầu năm 2023, Philippines, Trung Quốc, Indonesia là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất. Đáng chú ý, Indonesia đã trở thành thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh nhất trong quý 1/2023, tăng gấp 3,06 lần so với quý 1 năm 2022.
Với thị trường Trung Quốc, quý đầu năm, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc tăng 86% về lượng và tăng 120% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt giá gạo xuất khẩu bình quân sang trung Quốc trong 3 tháng đầu năm đạt trung bình 589 USD/tấn, tăng hơn 18% so với cùng kỳ năm trước.
Lý giải về xuất khẩu gạo tăng trưởng tích cực, ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho hay ngành gạo thế giới đang trong giai đoạn cung không đủ cầu nên giá gạo tăng.
Với thị trường Trung Quốc, ông Nam cho biết, đây là một thị trường tốt. Trước đây lượng gạo xuất khẩu vào Trung Quốc đạt khoảng 2.5 – 3 triệu tấn. Tuy nhiên, những năm gần đây sản lượng xuất khẩu giảm xuống còn khoảng 1 triệu tấn, thậm chí có giai đoạn xuống còn 500.000 tấn. Từ cuối năm 2021 đến nay thị trường Trung Quốc ổn định hơn, do đó dự báo xuất khẩu gạo năm 2023 vào thị trường này chắc chắn có thể đạt khaongr 1 triệu tấn. Trong đó, chủng loại gạo chủ yếu là gạo nếp và gạo thơm.
"Sau mở cửa nền kinh tế nhu cầu mua gạo của thị trường Trung Quốc rất mạnh. Đặc biệt, Indonesia có nhu cầu nhập khẩu đến 2 triệu tấn gạo, khả năng mua của Việt Nam chiếm 50% tổng sản lượng nên đầu ra rất thuận lợi. Trong khi đó, cuối năm 2022 xuất khẩu gạo tăng trưởng tốt, doanh nghiệp vét tồn kho để bán, nên nguồn cung của doanh nghiệp hiện không còn nhiều" ông Đỗ Hà Nam cho biết.
Triển vọng sáng trong quý 2
Xuất khẩu gạo được nhận định sẽ sôi động hơn trong những tháng tới do nguồn cung được bổ sung từ vụ thu hoạch đông xuân, trong khi nhu cầu tại các thị trường truyền thống như Philippines, Indonesia, Trung Quốc… đang tăng lên.
Theo ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất - thương mại Phước Thành IV, đến thời điểm này, vụ lúa đông xuân đã thu hoạch được khoảng 90% diện tích. So với vụ trước, lượng lúa hàng hóa khá dồi dào.
Thông tin thêm về thị trường, ông Thành cho biết, thị trường Philippines rất chuộng các loại gạo OM18, OM5451 và DT8. Giá các loại gạo này đang dao động từ 480 - 500 USD/tấn tùy theo chủng loại và tiêu chuẩn xuất khẩu. Trong khi đó, Trung Quốc lại chuộng dòng gạo ST; vụ đông xuân năm nay, bà con trồng lúa ST25 tương đối nhiều. Hiện có nhiều khách Trung Quốc tìm mua gạo ST25.
Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) dự báo, tình hình xuất khẩu gạo quý II của Việt Nam sẽ tích cực hơn so với quý I/2023. Dự báo giá gạo xuất khẩu vẫn duy trì ở mức cao, do ảnh hưởng của những bất ổn về kinh tế, chính trị và nhu cầu dự trữ lương thực của các quốc gia tăng lên.
Thực tế bước vào đầu tháng 4, giá gạo xuất khẩu Việt Nam tăng mạnh nhất khu vực châu Á, đạt 473 - 453 USD/tấn tùy loại, tăng khoảng 10 USD/tấn so với thời điểm cuối tháng 3/2022.
Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) chia sẻ, xuất khẩu gạo vẫn tiếp tục thuận lợi trong thời gian tới. Trong ngắn hạn, giá gạo vẫn ở mức tốt do những bất ổn về kinh tế, chính trị toàn cầu khiến nhu cầu dự trữ lương thực tăng lên. Đây là yếu tố giúp các doanh nghiệp gạo được hưởng lợi trong thời gian tới.
“Hiện nay nhu cầu nhập khẩu gạo tại các quốc gia châu Phi tăng. Dự báo thị trường Trung Quốc cũng sẽ bắt đầu tăng nhập khẩu dự trữ. Trong khi đó nguồn cung gạo từ Ấn Độ, Pakistan tiếp tục hạn chế; giá gạo Thái Lan tăng do đồng Baht tăng giá trở lại. Xu hướng sắp tới thị trường gạo sẽ tiếp tục “nhộn nhịp”, giá xuất khẩu tăng”, đại diện VFA thông tin.