Theo khảo sát năm 2021 của Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh, số người trẻ sống chung với bố mẹ hiện nay tăng 620.000 so với một thập kỷ trước.
Xu hướng này dự kiến tiếp tục kéo dài trong tương lai. Nguyên nhân được cho là cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt và giá thuê nhà tăng vọt.
Yahoo News đưa tin những người mới thuê nhà sẽ phải trả thêm 125 bảng Anh (khoảng 155 USD) (11,1%) so với chi phí cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, lạm phát giá lương thực tại Anh cũng đạt mức cao kỷ lục 19,1% vào tháng 3.
“Nhận thức của mọi người đang thay đổi. Từng là điều cấm kỵ, hiện sống chung với gia đình lại được nhìn nhận như nhu cầu thiết thực. Đây là quyết định sáng suốt, giúp người trẻ có nhiều khả năng được người thân giúp đỡ về mặt tài chính hơn”, Katharine Hill, Giám đốc tổ chức từ thiện Care for the Family, cho hay.
The Guardian chia sẻ câu chuyện của 3 người trẻ tuổi ở Vương quốc Anh về lý do họ lựa chọn sống chung với gia đình.
“Dễ thở” hơn
Năm 2020, khi vẫn đang tham gia khóa học việc tiếp thị, Chloe Kerfoot (21 tuổi) rời trường đại học và chuyển về sống với bố mẹ ở West Yorkshire (Bắc Ireland). Cô hài lòng khi sống cùng bố mẹ và em trai trong căn hộ chung cư.
“Tôi và gia đình khá thân thiết, mọi người luôn yêu thương và ủng hộ tôi. Có thêm thành viên, công việc trong nhà được san sẻ bớt, tôi có nơi ở thoải mái, đôi bên cùng có lợi", Kerfoot chia sẻ.
Giờ đây, cuộc sống của cô ổn định hơn. Đi làm về, cô thường đến phòng tập thể dục vào buổi tối, sau đó tán dóc, trò chuyện cùng gia đình.
Kerfoot cũng tiết kiệm được nhiều tiền hơn khi chỉ cần chi 250 bảng Anh (khoảng 310 USD) cho ăn uống.
Cô tự tin mua những món đồ mình thích như dụng cụ tập thể dục hay những đôi giày thể thao đẹp. Thỉnh thoảng gặp gỡ bạn bè, cô gái trẻ cũng thoải mái đi chơi mà không lo lắng về việc phải để dành tiền thuê nhà.
Kerfoot nhấn mạnh việc mình sẽ phải vật lộn với nhiều khoản phí nếu tự thuê nhà riêng.
Vài năm tới, khi công việc ổn định hơn, cô sẽ cân nhắc về việc chuyển ra ngoài tự lập. Kerfoot không thích tìm người ở ghép, cô chỉ muốn sống một mình hoặc với người yêu, nếu không cô sẽ lựa chọn quay về với gia đình.
Tuy nhiên, đôi lúc Kerfoot cũng cảm thấy không thoải mái.
“Khi lên đại học, ai cũng muốn ra ngoài ở. Vậy mà bây giờ tôi hay phải trả lời câu hỏi ‘Mấy giờ con về?’. Mỗi khi đi chơi, tôi cần phải nói chuyện trước với bố mẹ", cô kể lại.
Giảm chi phí
“Tôi muốn có nơi ở, không gian của riêng mình, song thực tế, chi phí mua nhà không cho tôi quyền lựa chọn”, Hanna (27 tuổi) chia sẻ.
Trước đây, cô từng thuê chung nhà với một vài người, nhưng tài chính là rào cản lớn nhất. Hannah không đủ khả năng mua nhà ở khu vực gần gia đình, bạn bè và vẫn đang cố gắng dành dụm tiền. Cô cho biết nhiều người bạn của mình cũng đang đi thuê nhà và thậm chí không có tiền tiết kiệm.
“Tiền thuê nhà tăng gấp đôi khi tôi chuyển ra ở riêng, cảm giác như tôi phải trả thêm thuế đối với người sống một mình vậy”, cô cho biết.
Cuối năm 2021, sau khi kết thúc mối tình của mình, Hannah dọn về sống với mẹ ở Dorset (Anh). Cô cảm thấy mình khá may mắn vì mẹ cũng vui với quyết định của cô.
Hannah nhấn mạnh sống chung với gia đình có nhiều thuận lợi hơn. Dù vẫn chi trả những khoản tiền bảo dưỡng trong nhà, hiện nay cô không còn phải trang trải tiền thuê nhà ở.
Ảnh hưởng từ đại dịch
Joe Pollitt (24 tuổi), kỹ sư dự toán, sống chung với bố từ năm 18 tuổi ở Bolton (Anh). Pollitt từng mong muốn chuyển ra ở riêng, nhưng kế hoạch không thành do ảnh hưởng từ đại dịch.
Sau khi tốt nghiệp, anh bắt đầu học nghề và đi làm tại hai nơi khác nhau. Tuy nhiên, anh lần lượt phá sản vào năm 2020 và 2021.
“Hiện tại, tôi đang làm việc cho một công ty lớn. Công việc ổn định hơn, dù cuộc sống của tôi vẫn đang chịu ảnh hưởng của đại dịch”, anh chia sẻ.
Pollitt mất liên lạc với khá nhiều bạn bè. Những buổi đi chơi, gặp gỡ của anh giảm xuống chỉ còn 1-2 lần/tháng.
"Tôi bị mắc kẹt ở nhà trong một thời gian dài và bây giờ thậm chí còn gặp nhiều khó khăn hơn với chi phí sinh hoạt”, anh giãi bày.
Tháng 6/2022, bố anh, 51 tuổi, bị đột quỵ. Cuộc sống của Pollitt lại một lần nữa bị đảo lộn.
Công việc của ông từng là lái xe tải, song giờ thị lực của ông không còn tốt nữa. Pollitt có nhiệm vụ chăm sóc cho bố. Điều đó buộc anh phải điều chỉnh lại cuộc sống cá nhân của mình để xoay sở với việc nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, đưa bố đi khám.
“Chi phí sinh hoạt quá đắt đỏ, rất khó để ở một mình và tự chi trả các khoản tiền. Hiện tại, mỗi tháng tôi đóng 500 bảng Anh tiền thuê nhà và cố gắng tiết kiệm thêm một khoản như thế, nhưng rất khó khăn”, anh cho biết.
Tuy nhiên, Pollitt không phải trường hợp ngoại lệ.
“Thực ra, hầu hết bạn bè tôi cũng ở chung với bố mẹ và chưa lập gia đình. Số người chuyển ra ngoài để thuê hay mua nhà rất ít”, Pollitt chia sẻ.