Theo Wall Street Journal, vào thời điểm này năm ngoái, ông Jerome Powell - Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) - cho rằng lạm phát cao chỉ mang tính nhất thời. Theo ông, chỉ số này sẽ tự điều chỉnh khi tình hình phục hồi hậu đại dịch Covid-19 khả quan hơn.
Tuy nhiên, tình hình thực tế không giống như những gì ông Powell dự đoán.
Sắp tới, khi hội nghị chính sách tiền tệ tại Jackson Hole được tổ chức, những phát biểu và giọng điệu của giới chức có lẽ sẽ khác hoàn toàn so với trước.
Những yếu tố giúp Mỹ kiềm chế lạm phát của thời kỳ trước như "mở rộng toàn cầu hóa", "phát triển thị trường lao động" hay "khai thác nguồn giá năng lượng thấp" rất có thể sẽ bị đảo ngược. Trong những năm tiếp theo này, có khả năng chúng sẽ trở thành những nhân tố chính gây nên áp lực lạm phát.
Gián đoạn chuỗi thương mại toàn cầu
Theo WSJ, ý tưởng về toàn cầu hóa kinh tế đã được đặt ra sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, và Trung Quốc gia nhập hệ thống thương mại quốc tế vào những năm 1990.
Trong hơn 30 năm kể từ đó, các công ty và doanh nghiệp đa quốc gia đã được tạo điều kiện thuận lợi nhất để tối ưu hóa chi phí, mở rộng ra toàn cầu. Chính sự cạnh tranh về chi phí này đã giúp người tiêu dùng được tận hưởng các loại hàng hóa đa dạng với giá rẻ.
Đồng thời, nó cũng giúp cho lạm phát nhiều quốc gia ổn định, đặc biệt là Mỹ. Từ năm 1999 đến năm 2019, giá hàng hóa tại Mỹ chỉ tăng trung bình 0,4%/năm, các sản phẩm dịch vụ cũng chỉ tăng khoảng 2,6%/năm. CPI lõi của nước này vào thời điểm trước đại dịch chỉ rơi vào khoảng 1,7%.
Tuy nhiên, kể từ năm 2020, những sự kiện mới phát sinh như đại dịch Covid-19 và chiến sự giữa Nga - Ukraine trở nên căng thẳng đã làm đứt gãy chuỗi liên kết toàn cầu. Các doanh nghiệp phải chi nhiều tiền hơn để đảm bảo cho sản xuất không bị gián đoạn.
Ngoài ra, những lệnh trừng phạt giữa phương Tây với Nga hay Trung Quốc cũng làm dấy lên mối lo ngại về việc các quốc gia rút lui khỏi khối thương mại toàn cầu, làm tăng thêm chi phí sản xuất.
Ông Tom Barkin - Giám đốc FED chi nhánh Richmond - đã chia sẻ thẳng thắn rằng các doanh nghiệp đang lo sợ về việc mối quan hệ giữa các quốc gia sẽ xấu đi. Họ đang loay hoay lựa chọn giữa việc tiếp tục phát triển ở nước sở tại hay dịch chuyển đi nơi khác.
Thị trường lao động thu hẹp
Theo ông Charles Goodhart - cựu Giám đốc Ngân hàng Trung ương Anh - tình trạng dư thừa lao động của thế kỷ trước đã không còn nữa. Thị trường lao động toàn cầu đang thu hẹp dần, người lao động cũng có yêu cầu cao hơn với doanh nghiệp do lạm phát leo thang.
Trước dịch, tiền lương tăng khoảng 3%/năm. Tuy nhiên, tính đến tháng 7, thu nhập trung bình tại Mỹ đã tăng tới 5,2%. Các chuyên gia dự báo rằng nếu tính đến cuối năm, có thể nó sẽ chạm mức 6%/năm, tăng gấp đôi so với giai đoạn trước.
Theo phân tích của nhà kinh tế học Didem Tüzemen, nguyên nhân chính là từ sau đại dịch Covid-19, dân số Mỹ tăng trưởng ít hơn, tỷ lệ sinh giảm và tỷ lệ nhập cư cũng tụt dốc.
Đồng thời, đất nước này cũng đang chứng kiến xu hướng già hóa dân số khiến cho lực lượng người lao động sụt giảm mạnh. Điều này đã gây áp lực lên nền kinh tế khi người lao động đòi hỏi một mức lương cao hơn, gián tiếp gây ra lạm phát.
Chính người lãnh đạo FED - ông Powell cũng cho rằng tình trạng dân số nhập cư giảm mạnh đã tạo ra "sự mất cân bằng cung cầu" trên thị trường lao động tại Mỹ. "Một thị trường lao động kém phát triển sẽ khiến nền kinh tế thu hẹp lại", ông nói thêm.
Giá năng lượng liên tục leo thang
Yếu tố cuối cùng gây ra nhiều lo ngại chính là giá năng lượng tăng cao trong bối cảnh nước Mỹ đang thiếu hụt năng lượng.
Trên thực tế, các mặt hàng ngành năng lượng như dầu mỏ hay khí đốt là đầu vào cho nhiều ngành sản xuất trên thế giới. Chính vì vậy, khi giá năng lượng tăng lên, các mặt hàng khác cũng sẽ bị ảnh hưởng và tăng giá theo.
Mỹ đã từng được trải qua một thập kỷ năng lượng giá cả phải chăng, nhờ sự xuất hiện của dầu đá phiến. Đồng thời, năng lượng sạch từ các trang trại điện gió và mặt trời cũng ngày càng ít tốn kém.
Nhưng thời đại năng lượng dồi dào và rẻ đã khép lại. Đầu tư vào sản xuất dầu và khí đốt giảm, quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo ngổn ngang, kinh tế bất ngờ bị tấn công bởi Covid-19. Gần nhất, chiến dịch giữa Nga - Ukraine còn gây áp lực lên nguồn cung năng lượng toàn cầu.
Kết quả là, nhu cầu năng lượng tăng mạnh hơn nguồn cung trong mùa hè này. Lần đầu tiên người Mỹ phải trả hơn 5 USD cho một gallon xăng (3,78 lít). Giá khí đốt dùng để sưởi ấm nhà ở và văn phòng đạt mức cao nhất trong 14 năm. Mọi kho chứa đều thiếu, từ dầu thô cho đến các sản phẩm tinh chế từ dầu mỏ. Các đơn vị vận hành lưới điện cảnh báo nguy cơ mất điện trong những ngày nắng nóng nhất.
Những điều trên đã khiến nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, nguồn cung không đủ khiến giá sản phẩm tăng cao và lại càng tác động tiêu cực lên lạm phát.
Nỗi lo về nguy cơ suy thoái
Để kiểm soát lạm phát cho nền kinh tế, FED đã liên tục tăng lãi suất trong năm nay. Tuy nhiên, động thái này cũng gặp phải nhiều ý kiến trái chiều về khả năng gây ra suy thoái.
Cụ thể hơn, FED đã tăng lãi suất cho vay thêm 2,25 điểm phần trăm trong năm 2022, đây là tốc độ tăng lãi suất nhanh nhất kể từ đầu những năm 1990. Mức lãi suất này đã ảnh hưởng đến toàn bộ chủ thể đi vay trong nền kinh tế, khiến cho các doanh nghiệp và người dân gặp nhiều khó khăn hơn.
Thậm chí, một cựu quan chức FED còn cho rằng ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới này có khả năng sẽ gặp vướng phải sai lầm vì tăng lãi suất quá nhiều, chứ không phải vì tăng quá ít.
Điều này đã khiến nhiều chuyên gia lo lắng về nền tài chính Mỹ. Thậm chí, trong một cuộc khảo sát mới đây của Cục Nghiên cứu kinh tế Quốc gia (NBRE), có tới 92% chuyên gia tin rằng kinh tế Mỹ đang hoặc sẽ suy thoái, chỉ khác nhau về thời điểm suy thoái bắt đầu.
Tuy nhiên, ông Powell vẫn khẳng định rằng FED sẽ không dừng việc tăng lãi suất lại cho đến khi kiểm soát được tình hình lạm phát. Ông Powell cũng tuyên bố rằng FED "sẽ không thất bại" và mục tiêu hạ mức lạm phát xuống 2% là có thể đạt được.