Sau khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine vào cuối tháng 2, Tổng thống Joe Biden khi đó từng dự đoán việc phản ứng quyết liệt với Nga có thể gây tổn hại cho nền kinh tế nước này. "Tôi sẽ không giả vờ nói rằng điều này không gây tổn hại gì", ông nói tại Nhà Trắng khi đó.
Nhưng tại thời điểm đó, ít người trong chính quyền của ông Biden có thể tưởng tượng được những tác động sâu sắc về mặt chính trị và kinh tế trong nước từ chiến dịch quân sự này.
Tại Mỹ, sự bức xúc của người dân ngày càng tăng khi giá xăng đã lên tới 5 USD /gallon (1 gallon ~ 3,78 lít). Trong khi chi phí thực phẩm và giá thuê nhà không ngừng “phi mã”, làn sóng phản đối việc chi hàng tỷ USD cho một cuộc xung đột nước ngoài không hồi kết ngày càng nhiều, theo New York Times.
Giữa bối cảnh đó, các cuộc họp của G7 và NATO ở châu Âu vào tuần này nhấn mạnh những áp lực đối với nhà lãnh đạo và người tiêu dùng phương Tây, trong bối cảnh chi phí năng lượng tăng cao sau khi áp đặt lệnh trừng phạt Nga.
Theo New York Times, khi phương Tây tính toán các bước để phản ứng trước hành động của Nga - bao gồm vạch ra con đường nhanh chóng kết nạp Phần Lan và Thụy Điển vào NATO, và giới hạn giá nhập khẩu dầu của Moscow - họ dường như đánh giá sai tác động của một cuộc chiến tiêu hao.
Những tháng tiếp theo sẽ rất quan trọng
Ông Biden chắc chắn đã cảm thấy sức nóng chính trị sau khi đưa ra những phản ứng nhanh chóng đối với cuộc xung đột ở Ukraine. Việc ông thúc đẩy lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga ngay sau “chiến dịch quân sự" đã kéo theo giá dầu toàn cầu tăng đột biến.
Diễn biến này khiến cho người tiêu dùng Mỹ dần mất niềm tin, có thể đe dọa vị trí của đảng Dân chủ tại Quốc hội trong cuộc bầu cử giữa kỳ sắp tới.
Đảng Cộng hòa đã cố gắng đổ lỗi cho các chính sách của tổng thống về năng lượng và khí hậu, nhưng cuộc xung đột cùng phản ứng của phương Tây là những lý do chính cho sự gia tăng này.
Nếu cuộc giao tranh kéo dài và ông Biden thất bại trong kế hoạch giữ cho dầu của Nga giảm giá, một số nhà phân tích cho rằng giá dầu có thể tăng vọt lên mức 200 USD /thùng, có nghĩa là 7 USD /gallon xăng hoặc hơn. Và nếu điều này xảy ra, nó sẽ làm tổn hại nghiêm trọng đến hy vọng tái đắc cử của ông Biden.
Một cuộc xung đột kéo dài cũng sẽ đòi hỏi Mỹ và các đồng minh phải xoay sở ngân sách để hỗ trợ quân sự và các khoản viện trợ khác cho Ukraine, bên cạnh con số 40 tỷ USD mà Quốc hội Mỹ đã thông qua trong năm nay.
Hiện tại, chỉ có một nhóm nhỏ những người phản đối đặt câu hỏi về việc chi tiêu. Tuy nhiên, sự bất mãn đó có thể lan rộng, tạo ra cớ để cựu Tổng thống Donald J. Trump, người đang báo hiệu kế hoạch “tái đấu” vào năm 2024, công kích ông Biden.
Những xu hướng đó khiến vài tháng tiếp theo sẽ trở nên quan trọng đối với ông Biden và liên minh quốc tế.
Giải pháp "giá trần"
Bên lề cuộc họp G7 ở dãy núi Alps của Đức, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết các đồng minh sẽ cố gắng giúp lực lượng Ukraine đạt được càng nhiều “đòn bẩy” càng tốt trước mùa đông, bởi vì “một cuộc xung đột gay gắt kéo dài là không có lợi cho người dân Ukraine vì những lý do rõ ràng”.
Ông Sullivan và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet L. Yellen cũng cho hay trong tuần này, các quan chức sẽ nhanh chóng đàm phán và giải quyết vấn đề về đề xuất áp giá trần với dầu mỏ nhập khẩu từ Nga, đồng thời hứa hẹn hỗ trợ cho tài xế.
Nhưng nhiều nhà kinh tế và chuyên gia năng lượng nghi ngờ rằng việc áp dụng giá trần vốn chưa từng được thử nghiệm trên quy mô toàn cầu sẽ không thể triển khai nhanh chóng.
Trong các cuộc phỏng vấn riêng, một số quan chức chính quyền cũng thừa nhận rằng có thể mất thời gian đến cuối mùa thu, hoặc thậm chí lâu hơn.
Các nhà lãnh đạo châu Âu đã công khai nói nhiều hơn về những khó khăn và áp lực trong tuần này, đặc biệt là vấn đề giá cả năng lượng. Nhưng trong một vài bài phát biểu ở Đức và Tây Ban Nha, ông Biden vẫn thể hiện quyết tâm cứng rắn nhằm ngăn chặn những hành động của Điện Kremlin.
Khi được hỏi trong một cuộc họp báo vào cuối hội nghị thượng đỉnh NATO ở Tây Ban Nha rằng giá xăng có thể tiếp tục tăng cao hơn trong bao lâu nữa, tổng thống Mỹ đã trả lời thẳng thừng.
“Lâu bao nhiêu cũng được”, ông nói, bởi cho rằng tình hình đó chứng minh chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine sẽ khó đạt được mục đích ban đầu.
Ông Biden cũng kỳ vọng rằng kế hoạch thiết lập giá trần đối với dầu Nga sẽ là “một mũi tên bắn trúng hai đích”, vừa duy trì được nguồn cung dầu toàn cầu, vừa hạn chế được nguồn thu của Moscow.
"Chúng tôi nghĩ rằng kế hoạch có thể được thực hiện", ông nói. "Nó sẽ làm giảm giá dầu và giá xăng".
Dữ liệu do Bộ Thương mại Mỹ công bố hôm 30/6 cho thấy giá một số mặt hàng bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột, như giá thực phẩm và năng lượng, tiếp tục tăng trong tháng 5, trong khi tốc độ tăng của các mặt hàng khác chững lại. Ông Biden đổ lỗi cho Moscow vì điều này.
Ít nhất một số biện pháp hỗ trợ tạm thời cho các tài xế Mỹ có thể được triển khai. Giá trung bình trên toàn nước Mỹ đã giảm nhẹ trong những tuần gần đây và giá các hợp đồng mua xăng dầu trong tương lai cũng giảm đáng kể, cho thấy trạm xăng có thể sẽ giảm giá trong tháng 7.
Dù vậy, nhiều nhà phân tích dự đoán rằng giá có thể tăng trở lại vào cuối năm nay, khi lệnh cấm nhập khẩu dầu của châu Âu có hiệu lực, trừ khi kế hoạch áp giá trần của ông Biden thành công.
Nhược điểm của các giải pháp
Đề xuất trên chỉ là ví dụ mới nhất về việc ông Biden đang cố gắng tìm các giải pháp “chữa lành nỗi đau” cho người tiêu dùng do ảnh hưởng của cuộc xung đột.
Các quan chức hàng đầu Mỹ cũng đã liên hệ với Venezuela để gia tăng xuất khẩu dầu.
Chính quyền Biden cũng tìm kiếm sự giúp đỡ từ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan để chuyển ngũ cốc ra khỏi Ukraine nhằm giảm bớt tình trạng thiếu lương thực.
Vào tháng 7 tới, ông Biden sẽ tiếp tục lên đường tới Arab Saudi và gặp riêng Thái tử Mohammed bin Salman, sau khi liên tục kêu gọi nước này và các nhà sản xuất dầu lớn khác tăng sản lượng.
Trong chiến dịch tranh cử năm 2020, ông Biden từng cam kết biến Saudi Arabia thành “bên bị ruồng bỏ” sau cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi. Tuy nhiên, việc buộc phải ứng phó với tác động dữ dội của cuộc xung đột Nga - Ukraine đã khiến ông phải cân nhắc những gì từng là không thể tưởng tượng được.
Điều đó nhấn mạnh một thực tế đối với tổng thống Mỹ và các đồng minh của ông: Có rất ít giải pháp cho tình hình hiện tại mà không đi kèm với hạn chế, rủi ro.