Theo SCMP, vào ngày 25/8 vừa qua, lô sầu riêng tươi đầu tiên của Malaysia với sản lượng hơn 20 tấn đã cập bến Trung Quốc.
Sự xuất hiện của sầu riêng Malaysia đang đe dọa Thái Lan và Việt Nam - hai nguồn cung lớn cho "thị trường tỷ dân" hiện tại. Bởi lẽ, Malaysia sở hữu lợi thế về các giống sầu riêng chất lượng cao, đặc biệt là Musang King - vốn được mệnh danh là "vua" của các loại sầu riêng.
Đối thủ đáng gờm
Trung Quốc, thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới, đã nhập khẩu 1,4 triệu tấn sầu riêng trong năm ngoái, trong đó 68% kim ngạch đến từ Thái Lan.
Tuy nhiên hiện tại, sau khi vượt qua bài kiểm dịch thực vật gắt gao của Trung Quốc, Malaysia đã chính thức góp mặt vào cuộc đua với chiến lược "chất lượng hơn số lượng".
"Sầu riêng Malaysia được xem là một sản phẩm cao cấp, sản lượng xuất khẩu hiện tại ít hơn nhưng hướng đến đối tượng khách hàng cao cấp", ông Lim Chin Khee, cố vấn của Durian Academy - một tổ chức chuyên đào tạo nông dân trồng sầu riêng tại Malaysia cho biết.
Nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc giai đoạn 2021-2023. Biểu đồ: SCMP.
Bộ trưởng Nông nghiệp và An ninh Thực phẩm Malaysia Datuk Seri Mohamad Sabu nhấn mạnh việc Trung Quốc mở cửa cho sầu riêng tươi của Malaysia không chỉ thúc đẩy sự phát triển của nghề trồng sầu riêng nước này mà còn gia tăng giá trị xuất khẩu của quốc gia.
Ông tin tưởng rằng quyết định này sẽ mang lại nhiều cơ hội cho hơn 63.000 người trồng sầu riêng trên toàn quốc, góp phần vào sự tăng trưởng và nâng cao giá trị của ngành sầu riêng Malaysia.
Malaysia vốn dĩ là một trong những nhà sản xuất sầu riêng lớn nhất thế giới, trước đây nước này chỉ xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc. Tuy nhiên, trị giá xuất khẩu liên tục tăng trưởng từ 170 triệu ringgit (36 triệu USD) vào năm 2018 lên gần 1,2 tỷ ringgit (255 triệu USD) vào năm 2023.
Giờ đây, sau khi được cấp phép, các nhà xuất khẩu Malaysia sẽ vận chuyển 40 tấn sầu riêng tươi theo 3 giai đoạn, theo lời Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và An ninh Lương thực nước này - ông Datuk Arthur Joseph Kurup. Trong đó, giai đoạn đầu tiên gồm 20 tấn đã đến sân bay quốc tế Tân Trịnh Trịnh Châu ở tỉnh Hà Nam vào ngày 25/8.
Indonesia cũng "nhăm nhe"
Hiện tại, sầu riêng không chỉ là một món ngon ở Trung Quốc mà đang dần trở thành quà tặng sang trọng và trái cây xa xỉ trong những dịp đặc biệt, bao gồm cả đám cưới. Việc người tiêu dùng sẵn sàng chi trả tới 200 nhân dân tệ (tương đương khoảng 28 USD) cho mỗi quả sầu riêng càng khiến thị trường Trung Quốc thêm phần "béo bở".
Hiện chỉ có 4 nước được phép xuất khẩu sầu riêng tươi sang Trung Quốc là Thái Lan, Việt Nam, Philippines và Malaysia. Tuy nhiên, Jakarta Globe cho biết Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi đã thảo luận vấn đề xuất khẩu sầu riêng với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị vào thứ Sáu tuần trước trong một cuộc hội đàm tại Bắc Kinh.
Sầu riêng Indonesia cũng sẽ cần đáp ứng các tiêu chuẩn kiểm dịch thực vật của Trung Quốc, bao gồm quy trình kiểm tra, chứng nhận và có thể phải cách ly để đảm bảo không có sâu bệnh. Nước này đang chờ Trung Quốc ban hành nghị định thư sau nhiều năm đàm phán.
Bà Lynn Song, nhà kinh tế học tại ING Greater China nhận định việc Indonesia không tuân thủ các tiêu chuẩn vệ sinh của Trung Quốc có thể là nguyên nhân khiến các lô hàng bị đình trệ thời gian qua.
"Các quy trình và thủ tục giám sát, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng vẫn chưa được thống nhất, có lẽ đây là lý do chính khiến sầu riêng Indonesia chưa thể nhập khẩu vào Trung Quốc. Nếu các cuộc đàm phán này thành công, tôi tin rằng sầu riêng Indonesia sẽ tìm được chỗ đứng tại thị trường đầy tiềm năng Trung Quốc do nhu cầu tăng cao", bà đánh giá.
Các loại sầu riêng giống địa phương được bán tại Quảng trường Blok M ở Nam Jakarta. Ảnh: Pixabay.
Indonesia đang chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể trong ngành sản xuất và xuất khẩu sầu riêng. Theo báo cáo từ Bộ Nông nghiệp Indonesia, sản lượng sầu riêng của nước này đã đạt 500.000 tấn trong năm 2023, tăng 15% so với năm trước.
Ông Agus Subagio, Giám đốc Tổng cục Phát triển Nông nghiệp, nhận xét: "Sự gia tăng sản lượng này không chỉ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trong nước mà còn mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu. Chúng tôi đang tập trung vào việc nâng cao chất lượng và chứng nhận sản phẩm để thâm nhập vào các thị trường quốc tế, đặc biệt là Trung Quốc và Nhật Bản".
Báo cáo cũng cho thấy diện tích trồng sầu riêng tại Indonesia đã mở rộng lên 30.000 ha, với các tỉnh như North Sumatra và Central Java dẫn đầu về sản lượng. Việc mở rộng diện tích trồng và cải thiện kỹ thuật canh tác đã giúp nâng cao chất lượng trái cây, qua đó gia tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.
Có thể thấy, Indonesia đang rất nỗ lực xây dựng thương hiệu sầu riêng quốc gia để tăng cường xuất khẩu và tạo điều kiện thuận lợi cho việc thâm nhập vào các thị trường quốc tế, vốn là sân chơi lâu năm của sầu riêng từ Việt Nam, Thái Lan hay Malaysia.
Dù vậy, theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trong 4 quốc gia xuất khẩu sầu riêng tươi vào Trung Quốc, Việt Nam vẫn có nhiều lợi thế như sản lượng dồi dào, thu hoạch rải vụ quanh năm.
Việc vận chuyển sầu riêng từ vùng trồng ở Việt Nam sang Trung Quốc chỉ mất khoảng 1,5 ngày, nhờ đó, sầu riêng đảm bảo tươi ngon. Bên cạnh đó, chi phí logistics của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc cũng thấp hơn.
Mặt khác, sầu riêng Việt Nam ở phân khúc bình dân sẽ phục vụ được nhu cầu của đông đảo người tiêu dùng Trung Quốc. Năm 2023, giá sầu riêng nhập khẩu trung bình từ Việt Nam đạt 4.332 USD/tấn.
"Thách thức lớn nhất của sầu riêng Việt Nam tại thị trường Trung Quốc hiện nay là kiểm soát chất lượng, bảo vệ thương hiệu", ông nói và cho rằng cần cải thiện khâu giống, trồng trọt, thu hoạch và đóng gói, tránh tình trạng chạy đua theo lợi nhuận mà giảm chất lượng sầu riêng.