Sau khi Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã tiếp nhận 34 bộ hồ sơ tố cáo Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) liên kết với Công ty bảo hiểm Manulife Việt Nam tư vấn đầu tư gói bảo hiểm "Tâm an đầu tư", sáng 20/4, nhiều khách hàng khác đã tập trung để cùng tiếp tục nộp đơn lên cơ quan công an.
Đến 11h, người dân vẫn xếp hàng trước Văn phòng cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM (quận 1) tại để chờ nộp hồ sơ tố cáo.
"Đây là hơn 100 đơn từng nộp ngày 6/4 bên Phòng cảnh sát kinh tế Công an TP.HCM bị từ chối. Vì hôm qua nhóm 34 người đã nộp thành công rồi nên chúng tôi hy vọng đơn nhóm sẽ được tiếp nhận", chị Phạm Lại Thiên Kim, đại diện nhóm tố cáo nói với Zing.
Đa số người nộp đơn tố cáo đều chung tình cảnh gửi tiết kiệm tại ngân hàng và bị nhân viên ngân hàng tư vấn mua gói bảo hiểm bảo vệ sức khỏe có lãi giống như gửi tiết kiệm. Trong đó, rất nhiều khách hàng là người cao tuổi không được tư vấn trung thực, đầy đủ từ đầu và trình độ hiểu biết hạn chế nên tin tưởng hoàn toàn vào người tư vấn.
Bà Lại Thị Thủy 57 tuổi (quận 10, TP.HCM) cho biết bà mua bảo hiểm của hợp đồng Bảo hiểm "Tâm an đầu tư" được phân phối qua kênh ngân hàng SCB. Bà làm đơn tố cáo hành vi lừa đảo của Manulife Việt Nam cố tình cung cấp thông tin sai sự thật về sản phẩm “Tâm an đầu tư” nhằm lừa người dân mua bảo hiểm nhân thọ thông qua trung gian bán hàng là SCB và nhân viên tư vấn của Manulife Việt Nam.
"Tôi cũng được tư vấn gói bảo hiểm đầu tư cam kết lãi 15%. Tuy tuổi đã cao nhưng không hề được khám sức khoẻ, tất cả các mục thông tin sức khoẻ của người được bảo hiểm đều là do nhân viên tư vấn tự khai vào", bà thông tin.
Chưa kể, bà cho biết hợp đồng được kê khai là chủ cửa hàng nội thất, thu nhập trên 60 triệu đồng một tháng, thực chất bà không làm về mảng nội thất và thu nhập cũng không phải như vậy.
"Trên 3 loại giấy tờ: Giấy xác nhận đã nhận hợp đồng bảo hiểm, phiếu đánh giá mức độ chấp nhận rủi ro, bảng phân tích nhu cầu tài chính, tất cả các thông tin đều là do nhân viên tự kê khai sai sự thật, tôi hoàn toàn không có kinh nghiệm và kiến thức về đầu tư tại thời điểm đó, và mức độ chịu đựng rủi ro bằng không, nhưng nhân viên lại khai ngược lại", trong đơn tố cáo nêu rõ.
Theo bà, 15% chỉ là lãi ước tính trong trường hợp đạt được mức tỷ suất sinh lời cao nhất và đây không phải là mức lãi cam kết mà tùy thuộc vào tình hình đầu tư và tình trạng thua lỗ là điều có khả năng xảy ra rất cao và trong tình hình thị trường chứng khoản Việt Nam đang đi xuống như hiện nay do áp lực từ việc tăng lãi suất và các tin xấu của lĩnh vực bất động sản, việc thua lỗ thực tế đang diễn ra.
"Chúng tôi hoàn toàn không được tư vấn về các rủi ro có thể xảy ra khi đầu tư. Chúng tôi được tư vấn rằng đây là một hình thức đầu tư sinh lời lãi cao đồng thời giống như gửi tiết kiệm linh hoạt nên chắc chắn 100% sẽ nhận được lãi 15%", bà nói.
Bà Thủy mong các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, giúp đỡ để lấy lại tổng số tiền mà Manulife đã chiếm đoạt là 74,65 triệu đồng, cùng với một khoản đền bù lãi suất theo thị trường cho những thiệt hại về mặt kinh tế, thời gian và tinh thần mà bà phải gánh chịu trong thời gian qua, ở thời điểm hiện tại tương đương 10%/năm.
Trao đổi với Zing chiều 19/4, đại diện Manulife Việt Nam cho biết đơn vị đã ghi nhận tình hình vụ việc. "Công ty đang xem xét giải quyết các yêu cầu của những khách hàng này một cách nghiêm túc, công bằng và thỏa đáng", đại diện doanh nghiệp nói và khẳng định không khoan nhượng cho bất cứ hành vi sai trái hoặc gian lận và sẽ ngay lập tức chuyển đến cơ quan chức năng xử lý nếu phát hiện sai phạm.
Manulife cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc xử lý các yêu cầu của khách hàng, nhằm bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng cũng như của công ty phù hợp với quy định của pháp luật và các quy tắc, điều khoản của hợp đồng bảo hiểm mà khách hàng đã ký kết với công ty.