VnDirect cho rằng điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt hơn cộng với đứt gãy chuỗi cung ứng có thể làm suy yếu triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu, dẫn đến nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam giảm trong những tháng cuối năm 2022.
Xuất siêu cả năm đạt 8,9 tỷ USD
Sự tăng trưởng chậm chạp của kinh tế toàn cầu đã được phản ánh trong dữ liệu kinh tế của nền kinh tế số 1 thế giới khi GDP của Mỹ giảm 0,9% trong Q2/22, quý thứ hai liên tiếp. Thị trường nhà đất lao đao do lãi suất tăng và lạm phát cao đã khiến chi tiêu của doanh nghiệp và người tiêu dùng bị ảnh hưởng.
Các đối tác thương mại lớn khác của Việt Nam như châu Âu và Trung Quốc cũng phải đối mặt với dự báo tăng trưởng kinh tế ảm đạm trong năm 2022. Vì vậy, hầu hết các tổ chức nghiên cứu đã giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu 0,5 -0,9 điểm % cho năm 2022 do hậu quả kinh tế từ cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine và các điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt.
Do đó, VnDirect giữ nguyên quan điểm rằng tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam có thể chậm lại trong Q4/22, tuy nhiên, nâng nhẹ dự báo tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2022 lên 15% (từ mức dự báo trước đây là 14%) để phản ánh tăng trưởng xuất khẩu mạnh hơn dự kiến trong giai đoạn tháng 7-8.
Đồng thời, nâng nhẹ dự báo tăng trưởng nhập khẩu của Việt Nam trong năm2022 lên 13,5% so với cùng kỳ (từ mức dự báo trước đó là 13,0%).
Thặng dư thương mại của Việt Nam trong năm 2022 lên 8,9 tỷ USD so với thặng dư thương mại 3,3 tỷ USD trong năm 2021.
Giải ngân đầu tư công và hút FDI khả quan
VnDirect cũng giữ nguyên dự báo vốn đầu tư công thực hiện năm 2022 tăng 20- 30% so với thực tế thực hiện trong năm 2021, do tăng trưởng trong nửa cuối năm 2022 có thể tăng cao so với mức nền thấp của cùng kỳ năm 2021. Lưu ý rằng, đầu tư công tăng trưởng âm trong sáu tháng cuối năm 2021 do giãn cách xã hội trên diện rộng để chống dịch và giá vật liệu xây dựng tăng cao.
Với vốn FDI, tổng vốn đăng ký của các dự án FDI giảm 48,3% so với cùng kỳ xuống 1,2 tỷ USD trong tháng 8. Trong 8T22, vốn đăng ký của các dự án FDI giảm 12,2% xuống còn 16,8 tỷ USD.
Tuy nhiên, sự sụt giảm dòng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam sẽ không kéo dài và dự kiến vốn FDI đăng ký có thể phục hồi từ năm 2023 do Việt Nam đang sở hữu những lợi thế vượt trội so với các đối thủ trong khu vực để thu hút dòng vốn FDI quốc tế trong thời gian tới, bao gồm chi phí lao động cạnh tranh, vị trí địa lý thuận lợi (gần trung tâm sản xuất phía nam Trung Quốc), chính trị ổn định và nhiều ưu đãi từ các Hiệp định FTA (Hiệp định thương mại tự do).
Dự phóng FDI thực hiện trong năm 2022 tăng 10% trong khi vốn FDI đăng ký giảm 5-10% so với năm trước. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam giảm mạnh trong Q3/21 do nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước phải phong tỏa để khống chế làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư.
Tăng trưởng GDP quý 3 có thể đạt 13,1%
VnDirect nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam cho Q3/22 lên 13,1% so với cùng kỳ (+/- 0,6%) từ mức dự báo trước đó là 11% (+/- 0,5%).
Mức dự báo cao hơn cho Q3/22 là để phản ánh những yếu tố sau: Thứ nhất, chính sách kích cầu Chính phủ đã thúc đẩy sự phục hồi ấn tượng của tiêu dùng nội địa và du lịch trong những tháng gần đây.
Cụ thể, chính sách giảm thuế của Chính phủ đối với các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là xăng dầu đã giúp ổn định lạm phát và củng cố niềm tin của người tiêu dùng. Các chính sách trong gói kích cầu kinh tế đang được triển khai như giảm thuế VAT 2%, hỗ trợ tiền mặt cho người thuê nhà,… cũng góp phần kích cầu tiêu dùng trong nước.
Thứ hai, bất chấp những khó khăn do gián đoạn chuỗi cung ứng và tăng trưởng toàn cầu chậm lại, các số liệu kinh tế gần đây cho thấy đà tăng trưởng của lĩnh vực công nghiệp Việt Nam tiếp tục được cải thiện trong tháng 7 và tháng 8. Dữ liệu tháng 8 thậm chí còn tốt hơn so với kỳ vọng.
Động lực cho sự tăng trưởng mạnh hơn dự kiến là do nhu cầu trong nước phục hồi vững chắc giúp gia tăng nhiều đơn đặt hàng mới. Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều đơn hàng sản xuất dịch chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam, được thúc đẩy bởi sự bất ổn ở thời gian qua của nền kinh tế Trung Quốc do chính sách ZeroCOVID cũng như tình trạng hạn hán và thiếu điện tại khu vực Tây Nam Trung Quốc.
Tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt đỉnh vào Q3/22, sau đó hạ nhiệt trong Q4/22, dự báo tăng trưởng GDP cho Q4/22 trong khoảng 5-6%. Vì vậy, nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2022 lên 7,7% (+/- 0,3 điểm %), từ mức dự báo trước đó là 7,1% (+/- 0,3%), chủ yếu để phản ánh dự báo cao hơn cho Q3/22.
Dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 ở mức 6,9%.
Về lạm phát, VnDirect cũng tin rằng Chính phủ có thể đạt mục tiêu của Quốc hội đề ra là kiểm soát lạm phát bình quân năm 2022 dưới 4,0%. VnD hạ dự báo lạm phát bình quân của Việt Nam trong năm 2022 xuống còn 3,2% (+/- 0,2 điểm phần trăm), thấp hơn mức dự phóng trước đó là 3,5%.
Việc điều chỉnh dự báo lạm phát lần này nhằm phản ánh xu hướng điều chỉnh của giá hàng hóa toàn cầu trong vài tháng qua và các biện pháp bình ổn lạm phát hiệu quả của Chính phủ được thực hiện trong thời gian gần đây, đặc biệt là việc cắt giảm thuế đối với các mặt hàng xăng dầu.
Ngân hàng nhà nước chưa tăng lãi suất điều hành năm nay
Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước tính đến ngày 26/8, tín dụng đã tăng 9,9% so với cùng kỳ năm ngoái, đây là mức tăng cao nhất trong 5 năm qua và cao hơn nhiều so với mức tăng 7,9% của thời gian 8 tháng đầu năm 2021.
Ngày 7/9, Ngân hàng Nhà nước thông báo đã cấp thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng cho một số Ngân hàng Thương mại. Cụ thể, khoảng 15 ngân hàng đã được cấp thêm hạn ngạch tăng trưởng tín dụng trong lần điều chỉnh này với mức tăng nằm trong phạm vi 0,7-4,0%. Ước tính rằng khoảng 279 nghìn tỷ đồng vốn tín dụng sẽ được bổ sung cho nền kinh tế trong 4 tháng tới, tương đương với tăng trưởng tín dụng thêm khoảng 2,7%.
Ngân hàng Nhà nước đang ưu tiên mục tiêu kiềm chế lạm phát và ổn định vĩ mô, đồng thời duy trì lãi suất cho vay thấp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và phục hồi của nền kinh tế. Do đó, khả năng Ngân hàng Nhà nước nới thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng trong năm nay là không cao.
Đà giảm của giá hàng hóa thế giới và lạm phát trong nước được kiểm soát tốt là điều kiện cho phép Ngân hàng Nhà nước tiếp tục trì hoãn việc tăng lãi suất điều hành trong năm nay.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã quyết liệt sử dụng chính sách tài khóa để san sẻ gánh nặng với chính sách tiền tệ trong mục tiêu quan trọng là “kiềm chế lạm phát” thông qua việc giảm thuế, phí đối với một số mặt hàng thiết yếu (điển hình là xăng dầu).
Do đó, Ngân hàng Nhà nước có thêm dư địa để trì hoãn việc tăng lãi suất điều hành nhằm ổn định mặt bằng lãi suất cho vay. Trong trường hợp tăng lãi suất điều hành trong năm nay, mức tăng sẽ hạn chế trong khoảng 0,25-0,5%.