Ngày 5/7, một số doanh nghiệp sản xuất thép hạ 100.000 – 300.000 đồng/tấn với sản phẩm thép vằn thanh D10 CB300, xuống còn 14,06 - 15,1 triệu đồng/tấn. Giá thép cuộn CB240 không đổi ở cả ba miền.
Cụ thể, doanh nghiệp thép Hòa Phát hạ 100.000 đồng/tấn đối với dòng thép vằn thanh D10 CB300 ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam xuống lần lượt 14,38 triệu đồng/tấn; 14,24 triệu đồng/tấn và 14,34 triệu đồng/tấn. Còn giá thép cuộn CB240 vẫn giữ nguyên so với đợt điều chỉnh trước, ở mức 13,84-14,12 triệu đồng/tấn.
Tương tự, thương hiệu thép Việt Ý cũng giảm 100.000 đồng/tấn với dòng thép vằn thanh D10 CB300 còn 14,14 triệu đồng/tấn. Thép cuộn CB240 không điều chỉnh, giữ nguyên mức giá 13,74 triệu đồng/tấn.
Với thép Việt Đức tại miền Bắc, dòng thép vằn thanh hiện có giá 14,24 triệu đồng/tấn sau khi doanh nghiệp này điều chỉnh giảm 100.000 đồng/tấn. Thép CB240 giữ nguyên 13,84 triệu đồng/tấn.
Cùng mức giảm 100.000 đồng/tấn, giá thép vằn thanh D10 CB300 của thương hiệu thép miền Nam đang ở mức 14,92 triệu đồng/tấn. Thép CB240 vẫn giữ nguyên ở mức 14,82 triệu đồng/tấn.
Trong đợt điều chỉnh này, thương hiệu Pomina điều chỉnh giảm 100.000 đồng/tấn với thép thanh vằn D10 CB300 còn 15,1 triệu đồng/tấn. Giá thép cuộn CB240 đi ngang ở mức 14,79 triệu đồng/tấn.
Trong khi đó, thép Mỹ hạ 300.000 đồng/tấn với thép thanh vằn D10 CB300 còn 14,06 triệu đồng/tấn. Thép cuộn CB240 đi ngang ở mức 14,11 triệu đồng/tấn.
Như vậy tính từ đầu năm 2023 đến nay, giá thép xây dựng đã có 12-13 đợt điều chỉnh giảm, tuỳ thương hiệu có tần suất điều chỉnh giá khác nhau.
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết thị trường bất động sản chưa có tín hiệu khả quan trở lại, các dự án nhà ở xã hội mới được triển khai chưa nhiều, cùng với đó hệ thống ngân hàng siết chặt tín dụng khiến tiêu thụ thép xây dựng ở mức thấp so với kỳ vọng vào mùa xây dựng sau Tết.
Bên cạnh đó, giá nguyên liệu sản xuất thép từ tháng 3 đến nay vẫn tiếp đà giảm khi thị trường trầm lắng, nhu cầu tiêu thụ thép của các nền kinh tế tiếp tục đi xuống trong nửa cuối năm 2023.
Đáng chú ý, Trung Quốc tăng cường xuất khẩu thép trong những tháng qua sẽ gây sức ép lên thị trường Việt Nam. Sắt thép từ Trung Quốc luôn chiếm hơn 50% tổng lượng hàng nhập vào Việt Nam.
Theo số liệu Tổng Cục Hải quan Trung Quốc, xuất khẩu thép của nước này trong tháng 5 đạt 8,4 triệu tấn, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất kể từ tháng 9/2016. Tính chung 5 tháng đầu năm, lượng thép xuất khẩu tăng mạnh 41% so với cùng kỳ, đạt mức 36,3 triệu tấn.
Các chuyên gia dự đoán sản lượng thép xuất khẩu của Trung Quốc trong năm 2023 có thể dễ dàng vượt qua mức 67,32 triệu tấn của năm trước, đạt 77 triệu tấn.
Xuất khẩu thép của Trung Quốc năm 2023 chắc chắn sẽ cao kỷ lục trong 7 năm qua
Tuy nhiên, việc các nhà máy sản xuất của Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu nhằm giải phóng hàng tồn kho đồng nghĩa với việc giá bán liên tục giảm. Trong tháng 5 vừa qua, giá thép xuất khẩu của nước này xuống còn 920 USD/tấn.
Việc xuất khẩu thép từ Trung Quốc tăng mạnh trở lại được cho là bởi đồng Nhân dân tệ đang suy yếu, mất giá khoảng 5% khiến cho giá sản phẩm thép của nước này cạnh tranh hơn hẳn so với các nước xuất khẩu khác. Cũng còn có nguyên nhân khác là thị trường bất động sản tại Trung Quốc vẫn ảm đạm, nhu cầu trong nước thấp, buộc các nhà sản xuất phải xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài.
VSA cho biết, nhu cầu thép yếu tại hầu hết khu vực trên thế giới và tâm lý tiêu cực đã tác động đến giá bán thép thành phẩm. Xu hướng giảm giá thép trên toàn cầu càng được củng cố thêm khi các nhà sản xuất thép Trung Quốc tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu với tốc độ giảm giá nhanh để cạnh tranh.