Phiên ngày 8/11 ghi nhận thị trường chứng khoán trong nước tiếp tục diễn biến tiêu cực trong hầu hết thời gian giao dịch, trước khi ghi nhận xu hướng phục hồi vào cuối phiên nhờ lực kéo từ nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán. Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu thép vẫn tiếp tục diễn biến giảm mạnh.
Trong phiên hôm nay, cổ phiếu HPG của Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát tiếp tục giảm thêm 4,01%, đóng cửa ở mức 13.150 đồng/đơn vị. Đáng chú ý, đây đã là phiên giảm thứ 5/6 phiên giao dịch từ đầu tháng 11 và là phiên giảm thứ tư liên tiếp của cổ phiếu này.
Tính từ đầu tháng 11, thị giá HPG đã giảm ròng gần 16%. Còn nếu tính từ đầu năm, thị giá cổ phiếu thép này đã bốc hơi hơn 63%. Vùng giá 13.150 đồng hiện tại cũng là mức thấp nhất mà HPG ghi nhận kể từ tháng 8/2020. So với đỉnh gần nhất hồi tháng 10/2021, cổ phiếu này đã giảm hơn 70% giá trị.
Việc giá cổ phiếu liên tục lao dốc đã khiến vốn hóa Hòa Phát giảm hàng tỷ USD từ đầu năm.
Cụ thể, đầu năm nay, vốn hóa nhà sản xuất thép này vẫn đạt khoảng 204.200 tỷ đồng, thuộc top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất sàn HoSE. Tuy nhiên đến nay, sau những đợt giảm giá liên tục, vốn hóa HPG chỉ còn khoảng 76.500 tỷ đồng, tương đương mức giảm ròng gần 128.000 tỷ đồng (xấp xỉ 5,1 tỷ USD theo tỷ giá quy đổi).
Hiện vốn hóa của Hòa Phát cũng đã rơi khỏi top 10 cổ phiếu lớn nhất sàn TP.HCM.
Không chỉ thổi bay hàng tỷ USD vốn hóa, đà giảm của HPG cũng khiến ông chủ doanh nghiệp - tỷ phú Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT - mất hàng chục nghìn tỷ đồng.
Hiện ông Long vẫn là cổ đông lớn nhất tại Hòa Phát với hơn 1,51 tỷ cổ phiếu HPG nắm giữ, tương đương 26,08% vốn. Cùng với vợ - Vũ Thị Hiền - và người thân, ông Long hiện liên quan tới khoảng 2,03 tỷ cổ phiếu HPG, tương đương gần 35% vốn nhà sản xuất thép này.
Việc cổ phiếu HPG giảm giá 63% từ đầu năm đã khiến cá nhân tỷ phú Trần Đình Long mất khoảng 33.300 tỷ đồng từ đầu năm. Hiện khối tài sản từ cổ phiếu HPG của ông có giá thị trường khoảng 20.000 tỷ đồng.
Nếu tính cả lượng cổ phiếu do vợ và người thân ông Long nắm giữ, tổng tài sản từ cổ phiếu của gia đình ông Long hiện vào khoảng 26.700 tỷ, thấp hơn nhiều so với mức hơn 71.400 tỷ đồng đầu năm.
Đà giảm kể trên của cổ phiếu HPG diễn ra trong bối cảnh sản lượng tiêu thụ thép của Hòa Phát liên tục giảm trong những tháng gần đây, kéo theo kết quả kinh doanh ảm đạm của doanh nghiệp.
Báo cáo tài chính quý III của Hòa Phát cho biết doanh nghiệp này ghi nhận hơn 34.400 tỷ đồng doanh thu trong quý vừa qua, giảm 12% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế giảm mạnh và rơi xuống mức âm 1.786 tỷ đồng. Đáng chú ý, lần gần nhất nhà sản xuất thép này thua lỗ đã diễn ra từ quý IV/2008.
Dù đang trong chu kỳ đi xuống của ngành thép, việc Hòa Phát thua lỗ vẫn là con số bất ngờ cho các cổ đông bởi các quý trước đó tập đoàn này vẫn lãi dương hàng nghìn tỷ đồng.
Lũy kế từ đầu năm, doanh thu của Hòa Phát vẫn tăng trưởng 11%, đạt mức 116.559 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế lại giảm 61%, đạt 10.443 tỷ đồng.
Lãnh đạo doanh nghiệp lý giải kết quả kinh doanh kể trên là do nhu cầu thép suy yếu ở cả trong nước và thế giới, giá nguyên vật liệu trong đó đặc biệt là giá than cao gấp ba lần so với thời điểm bình thường, tín dụng thắt chặt, tỷ giá và lãi suất tăng mạnh.
Trong một văn bản gửi đối tác mới đây, Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất cho biết kể từ tháng 11, hai lò cao ở Khu liên hợp Sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất và hai lò cao ở Khu liên hợp Sản xuất Gang thép Hòa Phát Hải Dương đã phải dừng hoạt động.
Dự kiến đến đầu tháng 12, Hòa Phát sẽ tạm dừng thêm một lò cao nữa ở Khu liên hợp Dung Quất.
Hiện tập đoàn này đang có 7 lò cao luyện thép tại Dung Quất và Hải Dương. Như vậy, 4/7 lò cao của Hòa Phát đã dừng hoạt động vì sản lượng thép tiêu thụ chậm.