Thông thường, một quốc gia sẽ cấp quyền công dân cho người dân của họ, cho người nhập tịch với lý do kết hôn hoặc theo các điều kiện khác của quốc gia đó như có đóng góp đặc biệt về thành tựu khoa học, hoạt động vì lợi ích công cộng… Thế nhưng giờ đây, người giàu có thể có quyền công dân của một quốc gia khác bằng cách mua tài sản hoặc đầu tư, từ đó nhận được thị thực vàng.
Ngày 3/9, Indonesia công bố chương trình thị thực vàng nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đến sống, làm việc, học tập hoặc nghỉ hưu tại nước này. Theo kế hoạch, các nhà đầu tư cá nhân phải thành lập một công ty có vốn đầu tư 2,5 triệu USD để nhận thị thực vàng trong 5 năm hoặc đầu tư gấp đôi để nâng thời hạn lên 10 năm. Nếu nhà đầu tư không muốn thành lập công ty ở Indonesia, họ có thể mua trái phiếu chính phủ với tổng giá trị từ 350.000 - 700.000 USD.
Trước đó, một số quốc gia khác như Mỹ, Ireland, New Zealand, Tây Ban Nha… cũng đã giới thiệu chương trình thị thực vàng nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư và chi tiêu của giới nhà giàu. Theo Bloomberg, thông báo về chương trình này của Bồ Đào Nha hay Hy Lạp ngay khi được ban hành đã tạo ra một làn sóng đổ xô “mua” thị thực vàng để có thể dễ dàng di chuyển trong khối nước Schengen thuộc Liên minh châu Âu (EU). Hàng ngàn người nộp đơn xin thị thực vàng - đặc biệt là các nhà đầu tư Mỹ và Trung Quốc - bằng cách mua bất động sản ở nước này trước khi giá tăng cao.
Dữ liệu từ Bộ Di trú và Tị nạn cho thấy, chương trình thị thực vàng đóng góp gần 1 tỷ euro cho nền kinh tế Hy Lạp trong 5 tháng đầu năm 2023. Từ tháng 5/2022 đến tháng 5/2023, chính quyền Hy Lạp đã tiếp nhận tổng cộng 8.351 đơn đăng ký thị thực vàng, 35% trong số đó đã được phê duyệt.
Tương tự, khi Bồ Đào Nha giới thiệu chương trình nhập cư đầu tư bằng thị thực vàng vào năm 2012, họ là một trong những quốc gia nghèo nhất châu Âu. Theo dữ liệu của Cơ quan Di trú và Biên giới Bồ Đào Nha, tính đến đầu năm 2023, nước này đã cấp thị thực vàng cho khoảng 30.600 người và mang lại khoản đầu tư 6,8 tỉ euro. Miguel Lacerda, Giám đốc khu vực Lisbon của công ty bất động sản Savills (Anh), cho biết: “Thị thực vàng và các giải pháp thuế khác đã đưa Lisbon lên bản đồ quốc tế. Nhờ đó, chúng tôi đã có thể tân trang lại toàn bộ trung tâm lịch sử và biến nó thành một thành phố xinh đẹp”.
Trong khi đó, theo công ty tư vấn quốc tịch và cư trú quốc tế Henley and Partners, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) sẽ chứng kiến 4.500 triệu phú mới nắm giữ thị thực vàng của nước này trong năm 2023. Veronica Cotdemiey, Giám đốc điều hành Citizenship Invest (Dubai), cho biết: “Đại dịch, suy thoái kinh tế và căng thẳng Nga - Ukraine là lời cảnh tỉnh đối với nhiều cá nhân giàu có. Họ hiểu rằng ngay cả nắm giữ hộ chiếu tốt cũng không tránh khỏi những hạn chế đi lại và nhiều trở ngại. Do đó, nhu cầu gia tăng về thị thực vàng hoặc hộ chiếu thứ hai là xu hướng”.
So với mức đầu tư quy định để cấp thị thực vàng của Bồ Đào Nha vào khoảng 302.000 USD, thị thực của UAE vẫn là một lựa chọn hấp dẫn cho các nhà đầu tư với mức khởi điểm từ 540.000 USD. Trong khi đó, chương trình thị thực vàng của Mỹ (thị thực EB-5) yêu cầu khoản đầu tư cao hơn là 800.000 USD và tạo ra ít nhất 10 việc làm cho người Mỹ, duy trì trong vòng 5 năm.
Lợi ích đương nhiên là có thực, thế nhưng chương trình thị thực vàng cũng gây tranh cãi vì trao tấm hộ chiếu châu Âu cho những người giàu có trên thế giới và khả năng tiếp cận nhanh chóng vào khu vực di chuyển không biên giới của EU. Theo trụ sở chính của EU ở Brussels, sáng kiến cho phép người nước ngoài giàu có “mua” quyền cư trú đã trở thành “rủi ro đối với an ninh, cho phép rửa tiền, trốn thuế, khủng bố, tham nhũng và sự xâm nhập của tội phạm có tổ chức”.
Ireland đã loại bỏ chương trình thị thực vàng vào tháng 2/2023 dưới áp lực từ EU. Năm 2022, Anh cũng đã quyết định cắt chương trình tương tự vì lo ngại gian lận, tham nhũng.
Chương trình thị thực vàng cũng liên quan đến sự gia tăng đáng kể giá nhà ở. Trong thập niên qua, chỉ số giá nhà ở Bồ Đào Nha đã tăng gấp đôi trong khi mức lương trung bình chỉ tăng 9%, từ đó gây áp lực không nhỏ về nhà ở đối với người dân địa phương.
Do đó, hồi tháng 7 vừa qua, Quốc hội Bồ Đào Nha đã quyết định tiếp tục duy trì chương trình Thị thực vàng, nhưng siết lại cho đúng nghĩa thu hút đầu tư. Theo đó, luật mới loại bỏ đầu tư bất động sản, loại bỏ gửi tiền thế chấp ra khỏi các điều kiện. Người nước ngoài phải tham gia mở doanh nghiệp tạo được ít nhất 10 việc làm, hoặc cho đứt 250.000 euro cho một tổ chức khoa học hoặc văn hóa được công nhận ở cấp quốc gia, hoặc duy trì tối thiểu nửa triệu euro trong một quỹ đầu tư trong vòng 5 năm, thì mới được cấp thẻ tạm cư.
Trong khi đó, nhiều quốc gia Đông Nam Á vẫn tiếp tục gửi đi thông điệp: "Nếu bạn có tiền hoặc lương cao, chúng tôi luôn mở rộng cửa chào đón", nhằm hút khách giàu có đến ở dài hạn và chi tiêu mạnh tay. Theo Bloomberg, từ năm 2022, Malaysia đã công bố chương trình thị thực đặc biệt, nhắm tới khách giàu có muốn đến học tập, làm việc, kinh doanh. Hiệu lực thị thực lên đến 20 năm, nhưng chương trình này không cấp quốc tịch Malaysia cho khách. Thái Lan cũng đưa ra chương trình thị thực mới nhằm hút một triệu khách nhà giàu hoặc giới tinh hoa trên thế giới đến đây trong 5 năm tới.
“Dù đã có một số quốc gia thông báo loại bỏ chương trình này, nhưng sau một thời gian, họ sẽ quay trở lại theo một hình thức nào đó. Thị thực vàng đã trở nên quá phố biến trên khắp thế giới, từ Úc cho tới Caribe, và đều trải quá nhiều lần “mở” và “đóng” trong một thời gian dài. Dù có những mặt trái nhất định, chính phủ các nước sẽ chỉ tìm cách cải tổ chương trình này thay vì loại bỏ nó vĩnh viễn”, Nuri Katz, nhà sáng lập kiêm chủ tịch Apex Capital Partners kết luận.