Nằm sâu trong những khu rừng tươi tốt ở miền Nam Ecuador, một lỗ hổng lớn xuất hiện tại ngôi làng chìm trong mây nằm ở rìa phía tây của dãy Andes.
Chỉ hơn một giờ sau, từ một hố sụt nhỏ, nó đã lan rộng ra, nuốt chửng những con đường đá cuội khổng lồ ở trung tâm lịch sử của Zaruma. Người dân nháo nhào hoảng hốt. Họ bỏ chạy khỏi nhà - những công trình kiến trúc vĩ đại đầu thế kỷ XIX, để tới nơi an toàn.
Tin xấu nhanh chóng đến tai bà Gladis Gomez.
Khi đang cùng con gái đi ngang qua thị trấn thì điện thoại bà Gladis đổ chuông. Nhà của họ lẫn nhà của người cha già ở bên cạnh đều gặp nguy hiểm. Bà tức tốc phóng xe về nhà nhanh nhất có thể.
Khi tới nơi, bà thấy hàng xóm đang bế ông cụ ra khỏi nhà khi miệng hố lan sát vách. Ngôi nhà sau đó chao đảo và bỗng đổ sập xuống lòng đất.
Hố sụt có đường kính khoảng 27 m, sâu 30 m, đã nuốt trọn thêm 2 ngôi nhà khác trong đêm, bao gồm cả nhà của bà Gomez. Chỉ có một nguyên nhân làm xuất hiện hố sụt này: Khai thác vàng.
Zaruma là khu vực giàu vàng thỏi, có chất lượng tốt nhất thế giới. Trong hơn 1.000 năm trước khi người Inca đến, con người đã tới đây để đào vàng. Có rất nhiều đường hầm, các nhánh rẽ chằng chịt, thậm chí cả Ivan Nunez - một kỹ sư lành nghề, cũng chưa thể nắm được.
Một điều mà ông Nunez lẫn người dân tại đây đều biết: Kể từ khi giá vàng tăng vọt vào đầu thế kỷ này, các hoạt động khai thác bất hợp pháp bắt đầu bùng nổ.
Khai thác trái phép
Ở Zaruma ai cũng biết sableros, được hiểu là vàng tặc, những người chẳng quan tâm đến tính kiên cố của công trình xây dựng, và chỉ chú ý đến việc khai thác những đường mạch vàng hái ra tiền.
Nếu có vàng nằm ở dưới trường học, bệnh viện hoặc nhà ở, thì họ cũng bất chấp để đào bới. Minh chứng là họ đã đào một nhánh phụ cắt lên từ một đường hầm ngang, chỉ cách nhà của Gomez khoảng 6 m.
Nhiệm vụ của ông Nunez là phải tìm cách chấm dứt hoạt động khai thác trái phép và ổn định tình hình dưới lòng đất của Zaruma. Đôi khi ông cảm thấy nản lòng: "Nó nằm ngoài tầm kiểm soát".
Giới chức của các quốc gia đang phát triển khác cũng đang trong tình trạng tương tự. Giá trị của vàng và các loại kim loại khác như đồng, coban, bạc, vonfram, rất cao khiến những tội phạm khai thác trái phép khó lòng bỏ qua.
Hoạt động đào vàng đang tàn phá Mali, Kenya và Congo, để lấy nguồn cung cho các quân đội nổi dậy và làm giảm quy mô khai thác.
Ở các quốc gia Nam Mỹ xung quanh Ecuador, những người đào vàng đang san phẳng rừng, làm tràn thủy ngân xuống sông Amazon, phá hủy môi trường sống.
Nguồn tài nguyên khoáng sản khổng lồ của lục địa cùng với mạng lưới tội phạm có tổ chức rộng khắp khiến nơi đây trở thành điểm nóng. Tại Zaruma, các băng nhóm liên kết xa với các băng đảng Mexico có kiểm soát một số khu mỏ.
Những điều này thu hút sự chú ý của giới chức quốc tế.
Vào tháng 4/2022, Interpol đã cảnh báo có sự gia tăng của hoạt động khai thác bất hợp pháp. Vào 6/2021, ước tính ngành công nghiệp này đạt khoảng 48 tỷ USD trên toàn cầu. Mặc dù chưa được chính thức cập nhật những số liệu đó, bản dữ liệu tháng 4 cho thấy giá vàng đã tăng vọt và ngày càng nhiều các băng đảng mọc lên, đặc biệt ở Mỹ Latin.
Gaston Schulmeister, trưởng ban chống tội phạm của Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS), gọi sự kết hợp lực lượng này là một “cơn bão tố hoàn hảo” (perfect storm). Thuật ngữ này có nghĩa là tình huống tồi tệ hội tụ nhiều điều xấu xảy ra cùng một lúc.
Schulmeister nói: “Sự gia tăng của việc khai thác bất hợp pháp trong khu vực trong thời gian gần đây đã rất rõ ràng, và nó diễn ra song song với các hoạt động tội phạm có tổ chức khác như buôn bán ma túy, buôn lậu và tham nhũng".
Phần lớn kim loại này đều được đưa vào các chuỗi cung ứng toàn cầu và biến thành các linh kiện điện thoại thông minh, TV và laptop. Theo OAS, ở những nơi như Zaruma, việc này diễn ra rất thuận lợi và ít có sự can thiệp của chính phủ.
Các bên luyện vàng thường mua cả quặng bất hợp pháp lẫn hợp pháp rồi đổ lên cùng một băng chuyền, trộn lại thành một chuyến hàng lớn nhằm che giấu nguồn gốc và để chuyển ra nước ngoài.
Vùng đất giàu vàng
Quặng được đào từ dưới mỏ lên chỉ chứa một lượng vàng nhỏ, khoảng 3-5 gram vàng/tấn đất và đá. Đây là điều đặc trưng cho một mỏ thương mại bình thường. Loại cao cấp sẽ có 8 gram vàng/tấn đất đá. Nếu có hơn 30 gram thì đó là siêu năng suất.
Dưới lòng đất của Zaruma là một hệ thống đường hầm khai thác cho năng suất lên tới 180 gram vàng/tấn đá, những đường hầm nhánh có thể đạt lên đến 500 gram.
Theo các nhà sử học, nhóm 3 bộ lạc trong khu vực gồm Paltas, Canaris và Garrochambas là những người đầu tiên phát hiện. Họ đã sống tại đây khoảng 1.500 năm trước, cùng nhau đào quặng vàng từ lòng sông.
Vào khoảng năm 1480, người Inca tràn vào, chế ngự các bộ lạc nhỏ và bắt họ phải khai thác kim loại. Sau đó, người Tây Ban Nha cũng làm như vậy với người Inca. Khi người Tây Ban Nha bị lật đổ vào đầu thế kỷ XIX, nhiều công ty lớn nhảy vào khai thác khu vực này, đầu tiên là Công ty khai thác vàng Great Zaruma do Anh hậu thuẫn.
Ngày nay, có rất nhiều đơn vị nhỏ hoạt động ở ngoại ô thị trấn. Vấn đề là lượng quặng ở những điểm đó chỉ đạt mức vừa đủ, dưới 3-5 gram/tấn. Hàng trăm năm khai phá đã làm cạn kiệt vàng những nơi đó.
Ngoại trừ việc nếu điểm đó nằm dưới những con đường lát đá cuội của Zaruma.
Đầu những năm 1990, người ta luật hóa rằng nền đất bên dưới thị trấn không được phép khai thác. Vậy nghĩa là những mỏ vàng đó đều còn khá nguyên vẹn.
Và đó là nơi các sableros nhắm đến.
Vấn đề nan giải
Họ đã đào nhiều đường hầm, đường trục và hố từ nhiều năm nay. Phần quặng chất lượng nhất đều nằm gần mặt đất, nên các đường đào đều hướng lên đó, nhưng việc đào này không kém phần nguy hiểm, gây chết người.
Trước đây, một sablero tên là Rommel Coronel và đàn em của người này đã đào đường hầm khổng lồ, được gọi là L và 1/3, chạy ngang thị trấn ở độ sâu chỉ 121 m, xuất phát từ ngoại ô Zaruma. Ước tính họ đã kiếm được hàng trăm triệu USD từ việc khai thác này.
Sau khi chết vì Covid-19, Coronel đã để lại một con đường lớn mà các sableros khác có thể tận dụng để khai thác tầng đất sát bề mặt Zaruma. Bản đồ mà nhóm của Nunez đang ghép lại với nhau là một mê cung hỗn loạn và chằng chịt các đường hầm và nhánh rẽ.
Nunez đã ở Zaruma được 5 tháng. Nhiều hố sụt đã xuất hiện nhưng chỉ có chiếc hố lần này mới là lớn nhất, gây nhiều thiệt hại và thu hút sự chú ý của giới truyền thông.
Tổng thống Guillermo Lasso đã cử quân đội đến để ngăn chặn sableros khai thác và cử Nunez để tìm cách giải quyết vấn đề kĩ thuật. Quân đội đã thất bại trong nhiệm vụ lần này. Có rất nhiều lối vào bí mật đến nỗi sableros xuất hiện liên tục suốt 3 tháng mà không bị kiểm soát.
Ông Nunez, 77 tuổi, đã quen với việc giám sát kỹ lưỡng trong các dự án cao cấp. Kế hoạch của ông đề ra vừa đơn giản vừa phức tạp. Nhóm của ông sẽ khoan những giếng lớn, rồi lấp đầy bằng xi măng, đá và cát. Ông cho rằng điều này sẽ vừa ổn định mặt đất vừa chặn các động mạch quan trọng của sableros. Các cuộc chạy thử nghiệm ban đầu có tiềm năng và ông đang bắt đầu xúc tiến chúng. "Chúng tôi đã xác định chính xác nơi để khoan", ông nói.
Cảnh sát ước tính có hàng trăm sableros làm việc trong các khu mỏ nhưng việc bắt được một người là một thử thách khó khăn. Hầu hết người dân địa phương biết 1-2 cái tên nhưng e ngại khi nói ra.
Một sablero đề nghị giấu tên, nói rằng anh ta sợ hãi, cả những người cầm đầu băng nhóm lẫn cảnh sát, khi chia sẻ thông tin. Nhưng anh ta chắc chắn rằng ông Nunez chỉ đang lãng phí thời gian tại đây. Điều duy nhất có thể ngăn chặn các sableros là khi Zaruma hết vàng.
Trở lại thị trấn, Gomez thất vọng đồng ý với anh ta.
Không phải là bà Gomez muốn phản đối ngành khai thác. Nhiều công trình trong thị trấn đều được xây bằng vàng. Ông Roque, chồng của bà, làm kỹ sư tại một công ty khai thác hợp pháp, là một trong ba người đã đi xuống hố, bán thuốc nổ cho thợ mỏ. Vàng là thứ quý giá nhất tại đây.
Sự đồng lõa của các cơ quan chức năng, địa phương và chính phủ với sableros khiến bà thấy hoang mang. Trong nhiều năm, người ta có thể nghe thấy sableros đang làm việc ngay dưới chân họ. Tiếng nổ có thể vang lên bất kỳ lúc nào.
"Tôi có thể phản ánh với ai? Tôi có thể báo cáo với ai? Không ai lắng nghe. Không một ai chú ý", bà Gomez nói.