Tại buổi thảo luận chung, ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam đưa ra nhận định, “Thị trường bất động sản cuối năm sẽ không có nhiều biến động, tuy nhiên cơ hội để sở hữu bất động sản cho các nhà đầu tư vẫn còn”.
Ngoài ra ông Khương cho biết thêm, hiện nay các ngân hàng đang rà soát khả năng cho vay bất động sản, các chính sách về siết room tín dụng ảnh hưởng rất lớn đến thanh khoản thị trường, khiến cho lượng hàng tồn kho lớn. Mặt khác, vì không có nguồn vốn từ tín dụng các doanh nghiệp bất động sản chuyển sang hình thức phát hành trái phiếu để duy trì phát triển các dự án, nhưng dự án chưa hoàn thiện thì lại quay sang lo nguồn tiền để trả nợ trái phiếu gần đến hạn dẫn đến chậm cung cho thị trường. Vì vậy chủ đầu tư buộc lòng phải bán tháo bất động sản dưới giá trị thấp làm cho thanh khoản kém.
Ngoài doanh nghiệp bất động sản bị ảnh hưởng, thì người mua nhà cũng là đối tượng bị ảnh hưởng không kém. Nhất là các đối tượng lao động trẻ, mua nhà sử dụng thực thuộc phân khúc nhà ở.
“Nhu cầu an cư lập nghiệp của các cặp gia đình trẻ, lao động trẻ tại hai thành phố lớn như TP.HCM và Hà Nội là rất lớn. Do đó, đối tượng khách hàng này cần được tạo điều kiện và quan tâm hơn. Trong bối cảnh mà vấn đề pháp lý như cơn “ác mộng” hơn 10 năm nay, bên cạnh đó một dự án – sản phẩm nhà ở hoàn thành mất 6 đến 7 năm làm cho chi phí đầu vào tăng cao là gánh nặng, bài toán cho người lao động, đặc biệt lao động từ các tỉnh đến thành phố” ông Khương nói.
“Thực tế thị trường bất động sản đang gặp vấn đề “khủng hoảng thiếu”, các sản phẩm vừa tầm kinh tế người lao động ngày càng hạn hẹp và vượt khả năng chi trả. Tác động kép của người mua F1 muốn chuyển nhượng cộng với đòn bẩy tín dụng lớn là cơ hội cho nhà đầu tư có sẵn tiền hoặc sử dụng đòn bẩy với tỷ lệ thấp.
Đối với khách hàng, nguồn vốn chưa đủ lớn có thể tìm đến các thị trường “vệ tinh” như Bình Dương, Đồng Nai, Long An có vị trí giáp ranh với thành phố - khu vực vành đai 3 TP.HCM và vành đai 4 tại Hà Nội. Nhưng dù thanh khoản nguồn cung tại Hà Nội và TP. HCM thấp, thì giá nhà sẽ tiếp tục đà tăng”, ông Khương nói thêm.
Với tình hình chung thị trường bất động sản năm 2022 như vậy, dưới gốc độ vĩ mô, TS. Lê Sĩ Trí, Chuyên gia Kinh tế cho biết, thách thức đối với thị trường bất động sản luôn hiện hữu trong những tháng cuối năm, bên cạnh đó vẫn luôn có cơ hội.
“Cụ thể, là 3 chính sách lớn của Nhà nước: Nghị định 44/2022, Nghị quyết 18, Nghị định 65/2022 dần đi vào cuộc sống. Thị trường đang dần minh bạch và lành mạnh hơn. Các đòn bẩy về tài chính sẽ được cải thiện, room tín dụng cũng sẽ được nới trong thời gian tới.
Đặc biệt, tầng lớp trung lưu tăng từ 20 triệu người năm 2019 đã tăng lên 24 triệu người năm 2021 và dự kiến tăng lên 27 triệu người năm 2025. Khi tầng lớp này tăng lên tất yếu nhu cầu chi tiêu cũng sẽ tăng, mặt hàng bất động sản cũng được hưởng lợi khi thu nhập và nhu cầu mua sắm tăng. Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa cũng tăng từ 35% năm 2012 lên 37% năm 2021 và dự kiến tăng lên 40% năm 2025, yếu tố này hy vọng thị trường bất động sản sẽ bớt ảm đạm trong thời gian tới”, TS. Lê Sĩ Trí nhận định.
Trên góc độ của một nhà môi giới bất động sản, ông Trần Minh Hoàng, Phó TTK Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng “Để ứng phó với những biến đổi phức tạp của thị trường, các môi giới cần kịp thời nắm bắt các quy định hành nghề mới. Tập trung nâng cao năng lực chuyên môn, đạo đức hành nghề, tăng cường hiểu biết pháp luật. Hướng đến lợi ích khách hàng bền vững thay vì quá chú trọng doanh số và thu nhập ngắn hạn mà bỏ rơi quyền lợi khách hàng trong dài hạn”.