Báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng và nhiều đơn vị nghiên cứu đều cho thấy, thị trường bất động sản quý II tiếp tục đối mặt với khó khăn. Trầm lắng và ảm đạm vẫn là trạng thái chung mang tính phổ biến trên thị trường.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, chỉ tính riêng 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM đã có khoảng 400 dự án đang trong tình trạng "bất động" vì vướng các thủ tục pháp lý. Trong số đó, tại TPHCM có 156 dự án bị ách tắc kéo dài rất nhiều năm nhưng chưa được giải quyết.
Dù nhận định thị trường sẽ còn phải đối mặt nhiều khó khăn nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, so với 6 tháng cuối năm 2022 và quý I năm nay, quý II vừa qua đã có thêm nhiều sắc màu tươi sáng hơn.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho biết, sau đợt sụt giảm mạnh gần 9 tháng qua, chỉ số mức độ quan tâm bất động sản trên cả nước đã tăng nhẹ 1% trong quý II. Tại TP.HCM, nhu cầu giao dịch dần phục hồi tốt ở loại hình căn hộ và nhà riêng bán. Theo đó, lượt tìm kiếm căn hộ quận Bình Tân, Bình Chánh, Tân Phú, Quận 9 và Quận 10 tăng từ 5-9% tại các.
Còn ở thị trường Hà Nội, nhìn chung giao dịch căn hộ có phần hạ nhiệt nhưng vẫn ghi nhận lượt tìm mua cải thiện ở các quận Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Long Biên, Hà Đông với mức tăng từ 2- 6% so với quý trước. Đất nền tại khu vực Hoài Đức và Thanh Trì đã có tăng trưởng thấy rõ trở lại ở từ 4-6% cả nhu cầu mua và giá bán.
Một số thị trường tỉnh như Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh, Thái Bình ở phía Bắc hay Long An, Bình Dương ở phía Nam đang dần phục hồi nhu cầu tìm kiếm nhà đất sau thời gian dài suy giảm.
"Tình hình kinh tế vĩ mô thế giới đang có những dấu hiệu ổn định. Lạm phát được kiểm soát, lãi suất và tỷ giá dần ổn định từ giữa năm nay. Nền tảng kinh tế hiện tại của Việt Nam vẫn còn rất tốt, thị trường vẫn có làn sóng nhà đầu tư nước ngoài dịch chuyển sang đầu tư ở Việt Nam", ông Quốc Anh nêu và nhận định, những tín hiệu vĩ mô vẫn đang hướng đến sự phục hồi và "đảo chiều" cho thị trường bất động sản.
Đáng chú ý về chính sách "tháo gỡ" khó khăn cho thị trường bất động sản, được sự chỉ đạo của Chính phủ, trong 6 tháng qua Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần giảm lãi suất điều hành. Nút thắt lãi suất chính là vấn đề được thị trường quan tâm. Nếu giảm được lãi suất huy động sẽ giảm được lãi suất cho vay, kỳ vọng sẽ phục hồi mạnh mẽ.
Đặc biệt, Chính phủ và nhiều tỉnh, thành như TP. HCM đã thành lập tổ công tác để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án bất động sản. Những hành động thiết thực này thể hiện quyết tâm rất lớn của Chính phủ trong việc thúc đẩy sự phát triển bất động sản này trở về trạng thái hồi phục và phát triển.
Thực tế, những chính sách được đưa ra đều cần có thời gian thẩm thấu vào thị trường bất động sản. Do đó, nhiều kỳ vọng thị trường sẽ phục hồi vào hai quý cuối năm nay.
Ông Nguyễn Anh Quê, Chủ tịch Tập đoàn G6 cho biết, hàng loạt chỉ đạo của Chính phủ nhằm vực dậy bất động sản đã khiến tâm lý của các thành phần trên thị trường khá tốt.
“Thời gian tới, thị trường sẽ có thêm điểm tích cực là lãi suất tiền gửi xuống thấp hơn, một số nhà đầu tư đã rút tiền gửi để đầu tư ra ngoài. Song, vẫn tồn tại tình trạng các nhà đầu còn chờ đợi. Tuy nhiên, không có thời điểm nào tuyệt vời hơn lúc này để các nhà đầu tư đi gom bất động sản. Một số nhóm đầu tư chuyên nghiệp đã bắt đầu xuống tiền săn bất động sản. Tôi cho rằng, trong quý III thị trường sẽ có sự phục hồi nhất định và sôi động vào quý cuối năm”, ông Quê nói.
Bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam, cho rằng khi thanh khoản bật tăng là lúc chỉ số bất động sản quay đầu đi lên. Đến quý II, thanh khoản thị trường vẫn còn trầm lắng, cần quan sát thêm các diễn biến mới trong nửa cuối năm 2023.
Theo bà, Chính phủ đã ban hành, cập nhập thay đổi pháp lý tích cực nhằm gỡ vướng và thúc đẩy bất động sản. Bộ Xây dựng và tổ công tác của Thủ tướng đã giải quyết 71 văn bản báo cáo khó khăn, vướng mắc liên quan 121 dự án trên cả nước. Đồng thời, hạ tầng đang được đầu tư mạnh cũng là cú hích.
Về phía doanh nghiệp, hiện các chủ đầu tư ngày càng đa dạng hóa danh mục đầu tư bất động sản. Lãi suất hiện đã được kiểm soát một phần. Bà Trang dự báo các ngân hàng sẽ tiếp tục thắt chặt tín dụng. Tuy nhiên, một môi trường cho vay nghiêm ngặt và thận trọng hơn sẽ tạo được môi trường đầu tư an toàn và lâu dài, hỗ trợ sự ổn định của kinh tế vĩ mô.
CEO Cushman & Wakefield nhận định, những yếu tố trên sẽ dần tác động, giúp thị trường vượt qua mùa trầm lắng và phục hồi. Nhờ đó, nhiều tổ chức đầu tư lớn toàn cầu sẽ tham gia của vào bất động sản Việt Nam trong giai đoạn 2024 -2026. Đây cũng là thời điểm thị trường được kỳ vọng tăng trưởng, bước vào chu kỳ tăng giá mới.