Tại buổi công bố dữ liệu nghiên cứu thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam quý 2 và 6 tháng đầu năm 2023, Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) cho biết, thị trường BĐS mới chỉ được trấn an tinh thần, chưa thực sự được can thiệp một cách sâu sắc, trực diện và triệt để khiến tình trạng sức khỏe của các đối tượng tham gia thị trường đều duy trì trong trạng thái thoi thóp, cầm chừng trong suốt 6 tháng đầu năm 2023.
Thị trường BĐS Việt Nam đang vận hành trong một môi trường còn thiếu rất nhiều cơ chế, chính sách mang tính kim chỉ nam để định hướng một cách xuyên suốt cho các chủ thể hoạt động. Hơn nữa, thực chất sức đề kháng của các đối tượng tham gia thị trường cũng chưa đủ mạnh nên rất dễ bị ảnh hưởng khi có biến.
Về các loại hình BĐS phát triển trong 6 tháng qua, theo VARS, sức cầu bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng cải thiện không đáng kể. Cụ thể: Bức tranh thị trường bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng cũng chưa ghi nhận nhiều tín hiệu khởi sắc.
Quý II/2023, thị trường ghi nhận 17 dự án du lịch - nghỉ dưỡng được chào bán, cung cấp ra thị trường 455 sản phẩm, giảm hơn 90% so với cùng kỳ năm trước. Sản phẩm căn hộ du lịch rục rịch chào bán trở lại trước thông tin sắp được cấp “sổ” theo Nghị định 10/2023/NĐ-CP. Sức cầu thị trường tăng nhẹ nhưng không đáng kể, tỷ lệ hấp thụ chỉ xấp xỉ 24% lượng cung mở bán.
Theo đó, lượng giao dịch chủ yếu tới từ các sản phẩm nghỉ dưỡng có pháp lý đầy đủ, được vận hành bởi các thương hiệu quốc tế hoặc có giá trung bình khoảng dưới 40 triệu đồng/m2.
Với các sản phẩm nghỉ dưỡng cao cấp (giá trên 10 tỷ đồng), thị trường gần như không ghi nhận giao dịch do phải cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm “cắt lỗ” của nhà đầu tư mua trước đó.
Về giá bán, VARS cho biết, giá bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng có xu hướng đi ngang trong cả 6 tháng đầu năm 2023. Các sản phẩm khu vực miền Nam ghi nhận mức giá bán cao nhất đạt gần 200 triệu đồng/m2. Khu vực miền Bắc và miền Trung có mức giá ngang nhau, đạt khoảng 80 triệu đồng/m2
Về bất động sản thương mại, VARS cảnh bảo nguy cơ dư cung tạm thời. Bởi theo ghi nhận, nhu cầu thuê mặt bằng bán lẻ của các doanh nghiệp nội địa sụt giảm. Nhiều mặt bằng đắc địa tại tuyến phố lớn bỏ trống, đồng loạt treo biển bán, tìm khách thuê,…
Bất động sản văn phòng có nguy cơ đối mặt với “khủng hoảng thừa” bởi nguồn cung tăng trong khi nhu cầu giảm do doanh nghiệp lâm vào khó khăn, buộc phải giảm quy mô, trả mặt bằng, đóng bớt chi nhánh.
Chính thực tế này đã khiến giá chào thuê trung bình tại một số khu vực xuất hiện xu hướng đi xuống. Tại Hà Nội, giá chào thuê văn phòng hạng A dao động từ 25 - 50 USD/m2/tháng, phí dịch vụ từ 4 - 8 USD/m2/tháng. Giá chào thuê tại các tòa nhà hạng B dao động từ 12 - 28 USD/m2/tháng tùy khu vực.
Nguồn cung chất lượng cao dự kiến tăng mạnh từ các tòa nhà chuẩn bị đi vào hoạt động trong vòng 12 tháng tới như: Lotte Mall, Techcombank Tower, BRG Diamond Park Plaza, Intracom Riverside,...
Tại TP.HCM, giá thuê văn phòng hạng A dao động từ 35 - 70 USD/m2/tháng. Giá thuê văn phòng hạng B dao động từ 20 - 35 USD/m2/tháng. Trong 2 năm tới, nguồn cung tại TP.HCM dự kiến được bổ sung thêm 333.387m2 diện tích văn phòng hạng A và B, nhưng giá sẽ có xu hướng giảm.
Bên cạnh đó, trong bức tranh chung tối màu, bất động sản công nghiệp vẫn là điểm sáng hiếm hoi. Bởi Việt Nam tiếp tục được định vị là một trong những địa điểm tiềm năng để mở rộng sản xuất và đang nổi lên như một bến đỗ cho sự dịch chuyển chuỗi cung ứng và logistics ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Loạt “đại bàng” đến từ Mỹ và Hàn Quốc với dòng vốn FDI quy mô lớn đang tìm kiếm cơ hội phát triển tại Việt Nam.
Theo Nikkei Asia, chuỗi cung ứng của Apple như BOE, Quanta, Compal, Goertek, Foxconn hiện đã có nhà máy tại các KCN Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, nay có kế hoạch mở rộng thêm nhà máy ở các tỉnh Nam Định, Nghệ An, Quảng Ninh.
Mới đây, phái đoàn doanh nghiệp tháp tùng tổng thống Hàn Quốc đến Việt Nam với quy mô lớn nhất từ trước đến nay cũng kỳ vọng sẽ tăng cường hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực như: Chuỗi cung ứng, công nghệ mới, năng lượng và môi trường.
Hiện tại, các tập đoàn lớn Hàn Quốc đều đã đầu tư vào Việt Nam và có kế hoạch mở rộng trong thời gian tới. Đơn cử như Samsung đang tăng quy mô vốn đầu tư lên 20 tỷ USD; LG sẽ đầu tư thêm 5 tỷ USD; SK đẩy mạnh rót vốn vào Việt Nam thông qua các khoản đầu tư vào Masan, Vingroup,...
Ngoài ra, theo VARS, thị trường bất động sản công nghiệp còn xuất hiện điểm sáng nổi bật trong khâu xử lý thủ tục hành chính, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho doanh nghiệp nước ngoài từ phía chính quyền địa phương tỉnh Quảng Ninh. Đây chắc chắn sẽ là điểm nhấn giúp Quảng Ninh tiếp tục ghi điểm trong mắt các nhà đầu tư. Đặc biệt, sẽ là bài học để các địa phương khác nghiên cứu và làm theo.
VARS cho rằng: thời điểm này là bài học “xương máu” cho tất cả các đối tượng tham gia thị trường. Chắc chắn sau khi vượt qua “đại nạn” này, các đối tượng sẽ hoạt động một cách cẩn trọng hơn, biết “liệu cơm gắp mắm”, “tự lượng sức mình”. Và quan trọng, sẽ biết cách trang bị thêm nhiều kỹ năng, kiến thức để tăng khả năng chống chọi với các tình huống khó khăn, bất lợi.