Bất động sản vẫn khó thanh khoản
Thị trường bất động sản đã rơi vào trầm lắng từ giữa năm 2022 và duy trì tới nay. Sang đầu năm 2023, tình trạng giảm giá, bán cắt lỗ vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện nay thị trường bất động sản tại các huyện vùng ven Hà Nội nhiều mảnh đất đã giảm giá từ 20 - 30% so với thời điểm đỉnh cơn sốt.
Trong báo cáo về thị trường bất động sản TP HCM và vùng phụ cận, DKRA Group cho biết, sức cầu chung của thị trường giảm mạnh, lượng giao dịch phát sinh đặc biệt khiêm tốn. Cùng đó, xu hướng giảm này kéo dài từ thời điểm giữa năm ngoái và chưa có dấu hiệu phục hồi trong ngắn hạn.
Đơn vị này cho biết, trên thị trường thứ cấp mặt bằng giá trong 2 tháng đầu năm giảm từ 10 - 23% so với thời điểm cuối năm 2022. Mức giảm giá phổ biến từ 100 - 690 triệu đồng/nền, thậm chí lên tới 1 tỷ đồng/nền. Tỷ lệ giảm giá tập trung ở nhóm các nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính, đặc biệt có sử dụng chương trình ưu đãi lãi suất, ân hạn nợ gốc giai đoạn 2018 - 2022 của các chủ đầu tư.
Còn theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, thời điểm trước Tết Nguyên đán giao dịch trên thị trường gần như “đứng im”. Từ giữa tháng 2 tới nay ghi nhận của VARS cho thấy thị trường đã rục rịch giao dịch trở lại. “Số lượng giao dịch trên thị trường có tăng nhưng tình trạng khó thanh khoản vẫn đang diễn ra”, vị này cho biết.
Nhà đầu tư cần tiền gấp, bán tháo
Ông Trần Quang Trung, Giám đốc Phát triển Kinh doanh OneHousing, cho biết thị trường bất động sản đang ở thế người dân chuẩn bị tiền đầu tư, doanh nghiệp chuẩn bị bấm nút triển khai các dự án. Tuy nhiên, từ giữa năm 2022, thị trường lại dần phanh lại, rơi vào thế ảm đạm.
“Có thể ví sự phát triển của thị trường giống như đang chạy trên đường cao tốc và dần chậm lại bởi tín hiệu kiểm tra của cảnh sát giao thông”, ông Trung nhận định.
Ông Trung cho rằng, thời gian vừa qua, phần lớn doanh nghiệp gãy dòng tiền, thị trường bị tác động bởi những yếu tố vĩ mô, luật pháp, nghị định… Nhưng từ giờ tới tháng 6 là giai đoạn tác động bởi các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Lúc đó, người dân đối diện với trả dòng tiền, lãi suất thả nổi 12 - 14%.
“Như vậy, sẽ dẫn đến khủng hoảng tâm lý, nhiều nhà đầu tư cần tiền gấp, bán tháo. Tuy nhiên, chúng ta không phải không có cơ hội. Có thể coi đây là cuộc chơi thanh lọc. Chúng ta không cứu doanh nghiệp bất động sản mà cứu thị trường bất động sản, tạo kênh dòng tiền tốt, sẽ có những doanh nghiệp hoạt động bài bản, thị trường bền vững, giảm đầu cơ ngắn hạn và yếu tố tham”, ông Trung nói.
Theo ông Trung, tâm lý thay đổi, hành vi thay đổi cùng với việc ban hành các luật, nghị định… căn cứ vào đó, có thể nói cuối 2023, 2024 là cơ hội lớn, là giai đoạn rất nhiều người mong đợi, tiếp tục hành trình cho thị trường bất động sản.
Ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Bất động sản EZ (EZ Property) cho rằng, hiện nay đất nền ven Hà Nội và TP. HCM đã giảm giá nhưng vẫn tương đối cao.
“Những người mua đất vùng ven 70 - 80% là đầu tư, đầu cơ mà không có nhu cầu thực. Song những người này đa phần sử dụng đòn bẩy tài chính lớn. Trong khi đó lãi suất hiện nay vẫn neo cao, do đó những nhà đầu tư này đang chịu áp lực khá lớn”, ông Toản nói.
Theo vị này, thời gian tới khi áp lực tài chính lên cao, nhiều nhà đầu tư sẽ tiếp tục phải giảm giá bán. Ông Toản cho rằng, đến quý III - IV/2023 thị trường sẽ xác định đáy và đây là thời điểm thích hợp để xuống tiền.