Ông lớn BĐS đổ bộ, xu hướng “ly tâm” do quỹ đất ven biển ngày càng khan hiếm
Sau khoảng thời gian “lặng sóng” vì Covid-19, thị trường BĐS Bà Rịa – Vũng Tàu hiện tại đã rục rịch trở lại. Các khu vực Hồ Tràm, Bình Châu, Xuyên Mộc, Hàm Tân... nhộn nhịp dự án BĐS nghỉ dưỡng cao cấp ven biển, “so kè” về giá lẫn sức cầu ở giai đoạn này.
Hồ Tràm – Bình Châu – Hàm Tân (Bà Rịa – Vũng Tàu) đang chứng kiến làn sóng dịch chuyển của các thương hiệu quốc tế như Marriott, Best Western, Hyatt, Accor, Melia, Intercontinental,… tạo nên một dải resort nghỉ dưỡng cao cấp dành riêng cho giới trung, thượng lưu. Nơi đây, thị trường BĐS đã từng chứng kiến hoạt động đầu tư nhộn nhịp với loạt dự án nghỉ dưỡng của các ông lớn như Novaland, Hưng Thịnh, Hưng Vượng Developer, FLC, Tập đoàn Tuần Châu, Tập đoàn BRG…
Đi cùng với làn sóng đổ bộ này, loạt dự án quy mô như The Venice5&6, Novaworld Hồ Tràm, Palm Bearch, Wyndham Grand Lagoona… dọc tuyến đường ven biển đã và đang “khuấy động” BĐS nghỉ dưỡng Bà Rịa – Vũng Tàu. Tuy nhiên, chứng kiến diễn biến của thị trường khu vực này cho thấy sóng “ly tâm” đang âm thầm diễn ra tại đây.
Nếu khu vực Hồ Tràm, Bình Châu sau thời gian nhiều ông lớn cùng đổ bộ, phát triển loạt dự án lớn thì xu hướng đầu tư đang dần dịch chuyển mạnh mẽ về khu vực Hàm Tân, có vị trí giáp ranh. Các địa phương thuộc xã Thắng Hải, Tân Xuân, Sơn Mỹ (Hàm Tân)… đang xuất hiện các dự án nghỉ dưỡng quy mô, được người mua chú ý.
Xu hướng này cũng từng diễn ra tại thị trường nghỉ dưỡng phát triển như Đà Nẵng, Nha Trang. Theo đó, khi quỹ đất Đà Nẵng, Nha Trang cạn kiệt thì khu vực giáp ranh như Hội An (Quảng Nam), Quy Nhơn, Phú Yên…là điểm đến mới của nhà đầu tư.
Theo nhận định của các chuyên gia, sau sự phát triển rầm rộ của Hồ Tràm – Bình Châu thì hấp lực sẽ lan mạnh đến điểm tiếp giáp là Hàm Tân. Cuộc chiến ly tâm này diễn ra âm thầm ở phân khúc nghỉ dưỡng như căn hộ, nhà phố, biệt thự biển…
Quỹ đất ven biển Bà Rịa - Vũng Tàu khan hiếm đang tạo nên cuộc "ly tâm" âm thầm giữa các khu vực phát triển mạnh về BĐS nghỉ dưỡng.
Tuy nhiên, theo ông Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, Đà Nẵng, Phú Quốc hay Nha Trang phát triển dự án theo dạng hình tròn, nghĩa là khai thác quỹ đất cả bên ngoài mặt tiền biển và bên trong thì cung đường Hồ Tràm – Bình Châu – Hàm Tân, hay Kê Gà, Mũi Né lại phát triển dự án BĐS theo chiều dài – dọc. Theo đó, diện tích mặt tiền biển khu vực này hữu hạn hơn nhiều. Trong tương lai dù Hồ Tràm – Bình Châu – Hàm Tân đang chứng kiến sự phát triển sôi động của các chủ đầu tư BĐS thì nguồn cung dự báo vẫn không đáp ứng cầu. Chưa kể, chuyên phát triển dòng sản phẩm BĐS nghỉ dưỡng cao cấp cũng là “điểm nhấn” của khu vực này.
Đặc biệt, ngoài dòng sản phẩm căn nhà thứ hai (Second home) thì nơi đây đang nổi lên mô hình Hometel (Home - Hotel – Hospitality), sở hữu lâu dài được dự báo sẽ là “làn gió mới” thay đổi tâm lý sở hữu BĐS biển kể từ nửa cuối năm 2022.
Trước đó, secondhome xuất hiện tại cung đường ven biển Bà Rịa – Vũng Tàu đã thay đổi cách nhìn nhận về thị trường BĐS nghỉ dưỡng. Mô hình này có nhiều dư địa phát triển xuất phát từ nhu cầu hưởng thụ và chăm sóc sức khỏe sau giai đoạn “bình thường mới”. Trong khi Hometel lại định hướng ở nhu cầu thực, vừa thụ hưởng, vừa là kênh đầu tư đa năng với việc sở hữu lâu dài. Sự xuất hiện các mô hình đầu tư mới tại khu vực này cũng đang tạo nên làn sóng “cạnh tranh”giữa các dự án nghỉ dưỡng với nhau.
“Xu hướng ly tâm của thị trường BĐS nghỉ dưỡng diễn ra trong bối cảnh quỹ đất ven biển ngày càng khan hiếm. Sự dịch chuyển để tìm kiếm dự án mới của người mua đang tạo nên thế mạnh cho các khu vực giáp ranh ở những thị trường nghỉ dưỡng phát triển”, một chuyên gia trong ngành nhận định.
Chuyên gia dự báo thế nào về BĐS Bà Rịa – Vũng Tàu?
Tại sự kiện chủ đề “đầu tư bền vững trên thị trường BĐS phía Nam và giải pháp đầu tư bền vững cho thế hệ tương lai” diễn ra vào cuối tháng 8/2022, các chuyên gia chỉ ra, với thị trường BĐS biển, Khánh Hoà và Vũng Tàu là hai địa phương được quan tâm nhiều nhất trong 8 tháng đầu năm. Riêng tại Bà Rịa – Vũng Tàu, đứng top 2 lượng tìm kiếm của người Hà Nội trong 8 tháng đầu năm. Trong đó lượng tìm kiếm biệt thự chiếm 54% và 46% dành cho condotel.
Tuy nhiên, các chuyên gia chỉ ra, nhà đầu tư khi bỏ tiền vào khu vực này thường lưu ý về pháp lý. Đặc biệt với giới đầu tư phía Bắc vốn đặt cao tính an toàn thường quan tâm BĐS có quyền sở hữu lâu dài, đồng thời lưu ý về vị trí, tiềm năng khai thác, công suất cho thuê, khả năng khai thác du khách và các đơn vị quản lý vận hành.
Lý giải về làn sóng Nam tiến mua BĐS nghỉ dưỡng của các nhà đầu tư phía Bắc, TS Đinh Thế Hiển cho rằng, vùng biển Vũng Tàu – Bình Thuận là một trong số ít nơi không chịu ảnh hưởng bão, khai thác du lịch 4 mùa, nước biển và cát đều đẹp nên tỷ suất khai thác du lịch cao hơn vùng biển phía Bắc. Ngoài ra giai đoạn 2022 – 2025, với nội lực rất mạnh từ hạ tầng tầng giao thông, giá BĐS Bà Rịa – Vũng Tàu dự báo sẽ bật tăng nên nhiều nhà đầu tư phía Bắc vào đón đầu xu hướng tăng giá này.
“Giai đoạn 2022 – 2023, thị trường BĐS nơi đây sẽ có “sóng” nhưng không lớn, tuy nhiên đến sau 2023, đây sẽ là điểm đến có nhiều bứt phá mạnh vì nền kinh tế và du lịch đang phục hồi, các dự án hạ tầng giao thông sẽ đi vào triển khai thực tế tạo niềm tin cho NĐT. Đến sau năm 2025 là nhịp sóng thứ 2 do lúc này sân bay Quốc tế Long Thành sẽ đi vào hoạt động”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Dự báo về thị trường BĐS Bà Rịa – Vũng Tàu, chuyên gia BĐS Trần Khánh Quang nhấn mạnh, khu vực này sẽ trải qua hai chu kỳ tăng giá. Trong đó 2025 là một bước ngoặt với cột giá mới. Dự đoán giá BĐS trong khu vực sẽ tăng từ 50-100% trong vài ba năm tới
Tuy nhiên, ông cũng đưa ra lời khuyên cho nhà đầu tư nên vững tâm lý đầu tư trung – dài hạn khi tham gia vào thị trường BĐS nghỉ dưỡng trong giai đoạn hiện nay, rất khó để đầu tư “lướt sóng” như trước.