VN-Index tiếp tục có phiên giảm mạnh đầu tuần. Chỉ số có thời điểm lùi xuống dưới mốc 1.030 khi để rơi hơn 20 điểm trước khi hồi phục vào cuối phiên nhờ lực đỡ bởi một số bluechips. Đáng nói nhất là nhóm cổ phiếu bất động sản khi giảm sàn hàng loạt, xuyên thủng đáy ngắn hạn. Không chỉ giảm sâu, những thông tin chưa được kiểm chứng xung quanh giao dịch cổ phiếu tại tổ chức lớn cũng ít nhiều khiến tâm lý nhà đầu tư ít nhiều bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, trước những biến động trên thị trường chứng khoán, nhà đầu tư nên bình tĩnh đánh giá tác động của sự kiện liên quan, bởi lẽ không phải cổ phiếu nào cũng bị tác động tiêu cực trước thông tin đó. Mặt khác thị trường chung biến động cũng tạo ra cơ hội để nhà đầu tư có thể mua được những cổ phiếu tốt với mức giá rẻ.
Theo ông Trương Thái Đạt, Giám đốc Phân tích CTCK DSC, chỉ số VN-Index kéo dài nhịp giảm sang tuần thứ hai liên tiếp, nhưng bối cảnh đầu tư không có nhiều thay đổi. Một số thông tin về điều tra giao dịch bất thường đang có tác động tiêu cực lên thị trường, nhưng trừ khi nắm giữ cổ phiếu liên quan, nhà đầu tư không nên thay đổi chiến lược giao dịch. Ông Đạt đánh giá việc bắt đáy hoặc giao dịch dựa trên tin đồn, đặc biệt là các tin đồn khó xác nhận và khó đánh giá, không phải là phương pháp đem lại lợi nhuận cho nhà đầu tư trong dài hạn.
Trên thực tế, hành động phù hợp nhất để đối phó cho những pha "rơi" bất ngờ của thị trường cần phải bắt đầu từ khâu chuẩn bị. Từ sau kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên Đán, các chỉ báo đo lường của VN-Index hay bối cảnh định giá thị trường đều chỉ ra rằng nhà đầu tư cần chốt lời một phần tỷ trọng cổ phiếu, đặc biệt khi yếu tố chu kỳ “mua tháng 12, bán tháng 1” cũng không còn tiếp sức. Mục tiêu của chốt lời từng phần là làm giảm biến động tài khoản trong các nhịp rung lắc, giúp nhà đầu tư duy trì tâm lý vững vàng, đồng thời có lượng tiền mặt nhất định để chủ động cho các vị thế mua mới.
Đối với nhà đầu tư dài hạn, việc cần làm hiện tại là nên chờ đợi vùng giá dưới 1.000 điểm trước khi có các vị thế thăm dò. Giá giảm sâu đôi khi kích hoạt các cơ hội mua giá rẻ, tuy nhiên các hành động “bắt dao” ở các nhịp rơi đầu tiên từ vùng chỉ số tăng nóng là không phù hợp. Mức P/E gần 12 lần cũng chưa thực sự hấp dẫn để mua gom quyết liệt, nếu so sánh với các vùng đáy định giá trong quá khứ.
Trong khi đó, với đại đa số nhà đầu tư có xu hướng lướt sóng ngắn hạn, hành động phù hợp lúc này là chờ đợi điểm mua khi VN-Index chặn đứng quán tính giảm điểm. Ông Đạt đánh giá bối cảnh liên thị trường và nội bộ thị trường Việt Nam là còn đủ dư địa cho một nhịp tăng tiếp diễn (dù có thể là nhịp tăng ngắn và rủi ro cao). Điều kiện cần là VN-Index hạ nhiệt sau khoảng thời gian tăng nóng, có thể cần kiểm chứng mạnh dưới hỗ trợ tâm lý 1.050 điểm. Điều kiện đủ là chờ đợi giai đoạn chỉ số ổn định hơn và tích lũy chặt chẽ hơn.
Nên thận trọng quan sát diễn biến thị trường
Việc VN-Index về kiểm định hỗ trợ MA100 quanh vùng giá 1.040 – 1.050 điểm trong những phiên đầu tuần đã được ông Nguyễn Anh Khoa - Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco dự báo. Theo vị chuyên gia này, nếu chỉ số đánh mất mốc cản quan trọng trên, không ngoại trừ khả năng chỉ số cần phải kiểm định lại ngưỡng tâm lý 1.000 điểm trong thời gian tới. Ông Khoa khuyến nghị nhà đầu tư nên thận trọng quan sát diễn biến thị trường. Trong trường hợp chỉ số tìm được điểm cân bằng mới, có thể giải ngân thăm dò một số cổ phiếu đầu ngành thuộc các nhóm như:
(1) Nhóm dầu khí khi giá dầu thế giới đang có xu hướng tăng đặc biệt sau khi Nga tuyên bố sẽ cắt giảm sản lượng 500.000 thùng/ngày từ tháng 3 tới.
(2) Nhóm điện khi gần đây có nhiều thông tin tích cực về giá điện. Đây cũng là nhóm ngành có tính phòng thủ và có tỷ lệ chi trả cổ tức đều đặn.
(3) Nhóm thủy sản với giá cá tra xuất khẩu tăng cao sau Tết. Ngoài ra, thủy sản cũng là một trong số nhóm ngành xuất khẩu được hưởng lợi khi Trung Quốc mở cửa hậu chính sách Zero-Covid khi các nhà xuất khẩu trong nước có thể tăng sản lượng xuất khẩu sang thị trường này.