Nhiều fan của Apple khắp châu Á đã thức đêm để theo dõi sự kiện ra mắt iPhone 14 diễn ra tại California (Mỹ) ngày 7/9. Bên cạnh những nâng cấp, Táo khuyết còn gây bất ngờ khi không tăng giá iPhone 14. Phiên bản tiêu chuẩn với màn hình 6,1 inch có giá 800 USD, bằng với iPhone 13.
Theo WSJ, iPhone 14 thu hút nhiều chú ý tại Trung Quốc, một trong những thị trường lớn nhất của Apple. Ngày 8/9, hơn 730 triệu lượt xem các bài viết liên quan đến "iPhone 14" trên Weibo, trong khi chủ đề không tăng giá iPhone 14 thu hút hơn 120 triệu lượt xem.
Gom hàng nhưng bỏ qua iPhone Mỹ
Theo SCMP, thương gia các chợ điện tử tại Hoa Cường Bắc (Trung Quốc) đang chuẩn bị nhập một lượng lớn iPhone 14, với mức giá cao hơn nhà bán lẻ khoảng 255 USD. Động thái này diễn ra khi các thương hiệu nội địa chật vật để vượt qua Apple trong phân khúc smartphone cao cấp.
Các cửa hàng ở Hoa Cường Bắc vẫn tạm đóng cửa do ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Tuy nhiên, Zheng, một thương gia tại đây cho biết sức hút của iPhone 14 rất lớn.
"Rất nhiều người gọi tôi để hỏi về iPhone 14. Các model phổ biến như iPhone Pro Max dự kiến đắt hơn khoảng 290 USD trong ngày mở bán. Những model khác sẽ đắt hơn khoảng 70- 140 USD", Zheng chia sẻ. Người này dự đoán iPhone 14 sẽ bán chạy hơn iPhone 13 năm ngoái.
Lin Shen, người chuyên "săn" iPhone rồi bán kiếm lời tại Thâm Quyến, đang tranh giành nguồn hàng với những thương gia khác. "Tình trạng phong tỏa khiến việc tìm nguồn hàng khó khăn hơn", Shen chia sẻ. Người này nói thêm các thương gia ở Hoa Cường Bắc đang đắn đo về nguồn nhập iPhone 14 từ Mỹ, do phiên bản eSIM sẽ không hoạt động tại Trung Quốc.
"Chúng ta sẽ xem liệu các kỹ sư tại Hoa Cường Bắc có thể vượt qua rào cản đó hay không", Shen nói. Tại Trung Quốc đại lục, iPhone 14 không hỗ trợ eSIM do nhà mạng chưa cung cấp. Tính năng nhắn tin khẩn cấp qua vệ tinh cũng không được kích hoạt
Ưu tiên hàng đầu của Apple
Ngay cả trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và mối quan tâm gia tăng tại Đài Loan, việc thu hút sự ủng hộ của người dùng Trung Quốc vẫn là ưu tiên lớn nhất của Apple. Trong quý II, Trung Quốc đại lục chiếm hơn 1/6 doanh số của Táo khuyết, chỉ sau khu vực châu Mỹ (45%) và châu Âu (23%).
Ngày 7/9, CEO Tim Cook cũng có động thái thân thiện với Trung Quốc, khi đăng lên Weibo bài viết nói rằng Apple sẽ làm từ thiện cho các nạn nhân động đất tại Tứ Xuyên. Theo WSJ, Táo khuyết cũng nhắm đến Ấn Độ, một trong những thị trường đang phát triển dù chiếm chưa đến 10% doanh số toàn cầu.
Nhân cơ hội Huawei dính đòn trừng phạt của Mỹ, iPhone 12 và iPhone 13 kinh doanh khá thuận lợi tại Trung Quốc. Hãng nghiên cứu Catalyst cho biết Apple đã bán 9,9 triệu chiếc iPhone tại quốc gia này trong quý II, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đó là tín hiệu tích cực trong bối cảnh thị trường smartphone tại Trung Quốc sụt giảm 10% do dịch Covid-19 tái bùng phát. Các đợt phong tỏa ảnh hưởng đến mức chi tiêu của người dùng trong quý II.
Chen Jing, nhiếp ảnh gia 40 tuổi tại Thượng Hải, cho biết cô đã dùng iPhone 11 được 3 năm, đang cân nhắc nâng cấp lên iPhone 14 Pro Max. Tại Trung Quốc, model này có giá 1.665 USD.
"Nâng cấp hữu ích nhất với tôi là hệ thống camera tốt hơn", Jing chia sẻ. Cô cho biết dù model mới hơi đắt, nhưng vẫn có thể chấp nhận.
Sức ép từ đối thủ
Apple phải đối mặt sức ép cạnh tranh tại Trung Quốc. Dù Huawei gặp khó khăn, những cái tên như Oppo hay Vivo dần thâm nhập sâu vào phân khúc cao cấp, với những thiết bị sở hữu camera chất lượng cao và thời lượng pin lâu.
"Họ nhận ra phân khúc cao cấp là cách duy nhất để sinh lời và tăng trưởng ổn định", Amber Liu, nhà phân tích của Catalyst cho biết.
Theo Counterpoint Research, Honor, thương hiệu từng thuộc Huawei trước khi tách ra để hoạt động độc lập, là hãng smartphone số một Trung Quốc trong quý II. Theo sau là các thương hiệu nội địa như Oppo và Vivo. Apple hiện đứng thứ 5 với thị phần 13%.
Huawei đang tìm đường trở lại thị trường di động, dù không thể bán smartphone với mạng 5G do lệnh trừng phạt từ Mỹ. Công ty đã giới thiệu dòng máy cao cấp Mate 50, nổi bật với tính năng liên lạc khẩn cấp qua vệ tinh 2 ngày trước sự kiện của Apple. Tính năng này giúp thiết bị liên lạc trực tiếp với vệ tinh để gửi tin nhắn khẩn cấp tại những nơi không có sóng di động.
Tính năng liên lạc vệ tinh của Huawei Mate 50 hoạt động với mạng lưới vệ tinh BeiDou tại Trung Quốc, trong khi dịch vụ của Apple hỗ trợ Mỹ và Canada.
"Chúng tôi quyết tâm xây dựng một thương hiệu cao cấp", Richard Yu, CEO mảng Kinh doanh Tiêu dùng của Huawei cho biết.
Kỳ vọng vào Ấn Độ
Apple cũng đặt kỳ vọng vào Ấn Độ, đất nước đang trên đường bắt kịp Trung Quốc để trở thành trung tâm sản xuất và thị trường quan trọng của Táo khuyết, dù mục tiêu đó vẫn còn rất xa để đạt được.
Với hơn 1,3 tỷ dân, Ấn Độ là thị trường smartphone lớn thứ 2 thế giới. Tuy nhiên, phân khúc giá rẻ đang thống trị đất nước. Năm 2017, Apple đã sản xuất vài mẫu iPhone tại Ấn Độ, giúp công ty tránh một số loại thuế và giảm giá bán.
Tarun Pathak, nhà phân tích của Counterpoint Research cho biết thị phần Apple tại Ấn Độ sẽ đạt 4% trong năm nay, tăng mạnh so với mức 1% của năm 2018. Apple xếp sau Samsung, Xiaomi và Vivo, mỗi thương hiệu chiếm hơn 15% thị phần.
Giới phân tích nhận định điểm sáng của Ấn Độ là người dùng ngày càng chi nhiều tiền để mua smartphone cao cấp, một phần đến từ các chương trình hỗ trợ tài chính.
Vào tháng 8, WSJ đưa tin Apple chuẩn bị sản xuất các mẫu iPhone 14 tại Ấn Độ sớm hơn vài tháng so với những thế hệ trước. Giới phân tích cho rằng sản lượng nội địa tăng sẽ giúp Táo khuyết mở rộng thị phần tại Ấn Độ, trong bối cảnh công ty chưa thể mở cửa hàng chính thức.