Theo trang tin Bloomberg, sau khi thông tin UBS mua lại Credit Suisse chính thức được xác nhận, giá hợp đồng tương lai trên thị trường châu Âu và Mỹ đã tăng vọt, trong khi chứng khoán châu Á lại có một phiên giao dịch không tốt lắm.
Cụ thể, chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương đã giảm nhẹ khoảng 1,7%, trong đó cổ phiếu ngành ngân hàng Trung Quốc là nhóm trụ chính để bù lại cho cổ phiếu ngân hàng của các nước khác. Trong khi giá cổ phiếu giảm thì giá các mã trái phiếu lại tăng khi nhà đầu tư tìm nơi trú ẩn an toàn.
Hệ thống ngân hàng vẫn mạnh mẽ
Theo ý kiến từ các chuyên gia, dù tình trạng hỗn loạn trong ngành ngân hàng đang khiến các nhà đầu tư trở nên thận trọng, khả năng xảy ra một cuộc rủi ro toàn hệ thống ở châu Á như năm 2008 vẫn là không cao.
Đồng tình với ý kiến này, Giám đốc Đầu tư của Abrdn - ông Xin-Yao Ng - cho biết họ đang cẩn trọng hơn khi giao dịch, nhưng không kỳ vọng vào khả năng "rủi ro lan tỏa từ hệ thống châu Âu sang châu Á".
"Fed đã hành động rất nhanh để ngăn chặn cuộc khủng hoảng từ SVB, và Thụy Sĩ cũng đang làm điều tương tự khi Credit Suisse sụp đổ. Hệ thống ngân hàng châu Á hiện tại cũng có khả năng chống chịu như vậy khi sức mạnh tài chính của các quốc gia nơi này đã mạnh mẽ hơn nhiều, và họ có nhiều bài học từ các cuộc khủng hoảng trước đây", ông Xin nói thêm.
Theo ông, kể cả khi một vài ngân hàng gặp rắc rối và gây ra những hoảng loạn trên thị trường, những ngân hàng lớn khác cùng hệ thống đó vẫn có thể giải quyết nó qua thỏa thuận mua lại như UBS và Credit Suisse.
Bên cạnh đó, vẫn còn vài ý kiến trái chiều về khả năng chống chịu của hệ thống ngân hàng châu Á.
Ông Omar Slim - Giám đốc Đầu tư mảng tài sản thu nhập cố định tại PineBridge Investments (Singapore) - cho biết: "Tôi không hy vọng vào điều này, nhưng tình hình hiện tại đang rất thuận lợi để một cuộc khủng hoảng hệ thống xảy ra khi các liên kết ngân hàng bị phá vỡ".
"Rõ ràng là rủi ro tài chính đang ở trước mặt, tuy nhiên, đây lại là cơ hội để Fed tạm ngừng chu kỳ tăng lãi suất", ông nói thêm.
Nhật Bản sẽ bị ảnh hưởng nặng nề
Theo trang tin Bloomberg, tuy khả năng rủi ro hệ thống lan rộng trên khắp châu Á là rất thấp, nhưng triển vọng tăng trưởng của các ngân hàng cũng trở nên u ám theo. Nguyên nhân không chỉ bắt nguồn từ những rắc rối của Credit Suisse mà còn vì những động thái hỗ trợ thanh khoản để ngăn chặn rủi ro từ giới chức châu Âu hay Mỹ.
Theo ý kiến từ nhiều chuyên gia, việc đột ngột chấm dứt những chính sách thắt chặt tiền tệ sẽ tạo ra nhiều thách thức khi các ngân hàng cần định giá khoản vay. Chẳng hạn, 3 ngân hàng lớn của Singapore - bao gồm DBS, OCBC và UOB - sẽ mất hoàn toàn lợi nhuận nếu không có khoản tăng lãi suất 30-35 điểm cơ bản vào năm ngoái.
Chính vì vậy, khi giới chức châu Âu, Mỹ và châu Á cùng nới lỏng chính sách tiền tệ, ngành ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên khi vừa phải chống chịu với khủng hoảng lại vừa mất đi khoản lợi nhuận dự kiến.
Ngoài ra, theo ông Michael Makdad - chuyên viên nghiên cứu cấp cao tại Morningstar - ngành ngân hàng của hầu hết nước châu Á đều bị ảnh hưởng, nhưng nặng nề nhất vẫn là Nhật Bản và tiếp theo là Hàn Quốc. Nguyên nhân là triển vọng lãi suất thấp hơn trong tương lai sẽ ảnh hưởng đến ngành ngân hàng của Nhật Bản, trong khi các vấn đề về thanh khoản đồng USD sẽ gây ra tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán của cả 2 nước này.
Theo ông, điều cần làm nhất hiện tại đối với các ngân hàng Nhật Bản nói chung và châu Á nói riêng là theo dõi phản ứng của các khách hàng lớn hiện tại.
"Trong số hơn 100 tỷ USD bị rút ra tại Credit Suisse vào năm ngoái, có đến 80% khách hàng đến từ châu Á, và đây là cơ hội để các ngân hàng trong khu vực này giành lại những khách hàng giàu có này", ông Makdad giải thích.