Nhóm ngân hàng duy trì sắc xanh, bất động sản chưa khả quan
Theo các chuyên gia, xét về triển vọng kinh doanh trong quý II và quý III/2022 của các ngành nghề, mặc dù đa số đều được đánh giá là trung lập - tích cực nhưng xu hướng nhìn chung có sự phân hóa giữa các ngành. Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng dòng tiền sẽ tiếp tục luân chuyển qua lại giữa các nhóm ngành, thay vì tạo nên một sóng tăng mạnh cho thị trường.
Cụ thể, theo nhóm phân tích của Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDS), xu hướng (quý II sang quý III/2022) có sự phân hóa giữa các nhóm ngành, trong đó tổng các ngành chiếm hơn 1/3 vốn hóa thị trường cho thấy xu hướng là tích cực, hơn 1/3 cho thấy xu hướng kém tích cực và ngành ngân hàng sẽ là nhóm ngành duy trì sắc xanh cho thị trường.
Trong đó, mặt bằng tăng trưởng ở nhóm ngân hàng quốc doanh tích cực hơn so với mặt bằng nhóm ngân hàng tư nhân. Động lực tăng trưởng nhìn chung sẽ đến từ nền so sánh và khả năng phục hồi ở NIM và chi phí tín dụng biên ở một số ngân hàng. Nhìn sang quý III, theo VDS sẽ có nhiều luồng tin tức tích cực hơn so với quý II vừa qua.
“Chúng tôi cho rằng kết quả kinh doanh quý III dự kiến sẽ tiếp tục xu hướng hồi phục theo nền kinh tế trên nền thấp với tốc độ tăng trưởng tốt trong kịch bản lãi suất điều hành được ổn định và lạm phát ở trong mức kiểm soát”- chuyên gia VDS nhận xét.
Dự báo ba nhóm ngành sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng tiêu cực trong quý III/2022 là bất động sản, vật liệu xây dựng và hóa chất. Trong đó, bất động sản và vật liệu xây dựng là hai nhóm ngành đã bị điều chỉnh mạnh nhất từ đầu năm đến nay, với mức giảm 28% và 37% so với mức giảm 22% của VN-INDEX vẫn chưa cho thấy các tín hiệu khởi sắc.
Cơ hội ngắn hạn trong mùa báo cáo
Theo giới phân tích chứng khoán, những ngành có triển vọng tăng trưởng lợi nhuận tốt trong quý II/2022 như: Hàng tiêu dùng (thủy sản, F&B), dịch vụ tiêu dùng (bán lẻ), công nghệ thông tin, tiện ích (điện, nước), nguyên vật liệu (hóa chất), công nghiệp (logistics) vẫn tiếp tục thu hút dòng tiền, và là “nơi trú ẩn” tương đối an toàn trong tháng 6/2022. Điều này tiếp tục khẳng định sự phân hóa sâu sắc của dòng tiền trên thị trường.
Mặc dù xu hướng tích cực về giá của những cổ phiếu thuộc các ngành trên có thể tiếp diễn cho tới khi những con số về lợi nhuận quý II được công bố song áp lực chốt lời ngắn hạn cũng đã tăng lên đáng kể. Do đó, nhà đầu tư đang nắm giữ những cổ phiếu trên nên thận trọng quan sát và cân nhắc thời điểm chốt lời phù hợp đối với những cổ phiếu đã có đà tăng giá mạnh nhưng không được hỗ trợ một cách chắc chắn bởi triển vọng lợi nhuận các quý tiếp theo, và có mặt bằng định giá cao hơn đáng kể so với trung bình quá khứ.
VDS khuyến nghị chốt lời/hạ tỷ trọng đối với các cổ phiếu thuộc nhóm thủy sản như Vĩnh Hoàn (VHC), Nam Việt (ANV) - vốn đã ghi nhận đà tăng giá mạnh mẽ trong thời gian qua, khi dự kiến lợi nhuận ngành nhiều khả năng sẽ tạo đỉnh trong quý II năm nay do lo ngại về nhu cầu tiêu thụ sẽ chậm lại trong thời gian tới. Ngoài ra, mức định giá tương đối cao sẽ là trở ngại để các cổ phiếu lớn như FPT và PNJ duy trì được đà tăng giá ngắn hạn.
Ở chiều ngược lại, VDS cũng kỳ vọng dòng tiền sau khi chốt lời có thể sẽ tìm đến các cổ phiếu đã có dấu hiệu tạo đáy ngắn hạn và kết các yếu tố như có kết quả kinh doanh quý II kỳ vọng khả quan nhưng chưa được phản ánh vào giá cổ phiếu và có định giá tương đối rẻ hơn đáng kể so với trung bình quá khứ.
Nhìn chung, ngay trong tháng 7 này, giới phân tích chứng khoán kỳ vọng VN-Index sẽ biến động trong vùng 1.180 - 1.250 điểm. Trong kịch bản tiêu cực, khi giá dầu tăng mạnh trở lại, đồng thời tăng trưởng kinh tế Mỹ xác nhận đi vào “suy thoái kỹ thuật”, chỉ số VN-INDEX có thể diễn biến xấu hơn và chiến lược đầu tư mang tính phòng thủ cao vẫn được khuyến nghị cho tháng 7. Nhà đầu tư cần duy trì sức mua tốt để có thể nắm bắt cơ hội trong những phiên dao động mạnh của thị trường.
Giao dịch T+2: liệu có phải là tín hiệu tốt cho thanh khoản thị trường?
Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDS) cho biết: Gần đây VSD lấy ý kiến dự thảo Quy chế hoạt động bù trừ thanh toán giao dịch chứng khoán, điều chỉnh thời gian hoàn tất thanh toán chu kỳ T+2 theo chỉ đạo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Theo đó chứng khoán về tài khoản vào thời gian 11h30 – 12h00 ngày T+2, và tiền giao dịch chứng khoán cũng sẽ về tài khoản của nhà đầu tư sớm hơn 1 ngày so với quy chế cũ. Dự thảo này nếu được áp dụng đúng theo kế hoạch sẽ chứng minh nỗ lực của cơ quan chủ quản trong việc thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển của thị trường trong dài hạn.
Theo VDS, trong ngắn hạn chưa có những nghiên cứu cụ thể về đánh giá tác động tức thời của việc rút ngắn (chỉ 1 ngày) thời gian giao dịch lên chỉ số. Đặc biệt trong bối cảnh thị trường vừa trải qua đợt điều chỉnh mạnh, tâm lý nhà đầu tư cá nhân vẫn còn nhiều e ngại như hiện tại.
Tuy vậy VDS nhận thấy, vào tháng 9/2012, khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước áp dụng thay đổi T+4 sang T+3, giá trị giao dịch khớp lệnh bình quân hàng tuần trong 12 tháng tiếp theo đã tăng 12% so với khoản thời gian trước đó, cũng trong bối cũng thị trường vừa giảm mạnh trong năm 2011 và kéo dài sang 2012. Ngoài ra, xét về hiệu quả cho một “trader” sử dụng đòn bẩy thì việc rút ngắn 1 ngày giao dịch cũng tương ứng lãi suất phải trả (cho một vòng quay cổ phiếu) sẽ giảm khoảng 25%. Giả sử ở mức dư nợ khoảng 100 ngàn tỷ đồng (như cuối quý I/2022), với mức lãi suất vay khoảng 13%/năm, thì số tiền lãi vay mà thị trường có thể tiết kiệm được là 3.250 tỷ đồng.