Dòng tiền rẻ không còn nhiều
Theo ông Ngô Thế Hiển, Giám đốc Phân tích của Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), gói kích thích kinh tế có một số gói thành phần như hỗ trợ an sinh, phục hồi kinh tế và đặc biệt là gói quy mô rất lớn liên quan đến đầu tư hạ tầng.
Trong số đó, mặc dù gói đầu tư hạ tầng cho đến gần đây chưa giải ngân được thì vẫn có rất nhiều gói khác đã được thực hiện, như hỗ trợ tiền thuê nhà, giảm thuế giá trị gia tăng (VAT)… Như vậy, gói quy mô gần 350.000 tỷ đồng này thực chất đã đi vào nền kinh tế, dù mức độ giải ngân cũng như triển khai còn chậm hơn so với mong đợi.
“Thời điểm mà gói hỗ trợ mới ra đời vào tháng 1/2022, chúng ta kỳ vọng nó sẽ được giải ngân và triển khai mạnh hơn ngay trong quý I và quý II. Tuy nhiên, giờ là gần hết quý II, điều đó (việc chậm giải ngân - PV) cũng phần nào ảnh hưởng đến hoạt động của toàn bộ nền kinh tế nói chung”, ông Hiển nói.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng không có gói này nền kinh tế vẫn đang phục hồi rất đáng kể với nhiều hoạt động trong quý I và hai tháng đầu của quý II đã có sự khởi sắc: Hoạt động dịch vụ, đặc biệt là du lịch đã phát triển mạnh mẽ; hoạt động xuất nhập khẩu đã tăng trưởng rất tốt; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng riêng trong tháng 5 tăng hơn 22% so với cùng kỳ...
Đồng quan điểm, ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc Phân tích của Công ty CP Chứng khoán Smart Invest (AAS), lưu ý thêm rằng sự phục hồi còn phụ thuộc vào nhu cầu của toàn bộ nền kinh tế. Thực tế nhu cầu tín dụng trong quý I của nước ta tăng trưởng rất mạnh, có một luồng tiền bơm ra thị trường và giúp cho các doanh nghiệp phục hồi. Đây cũng là một tín hiệu tốt của thị trường. Còn nếu chúng ta có thêm gói kích thích triển khai sớm và đặc biệt là gói hạ tầng và đầu tư công thì sự phục hồi trong tương lai sẽ mạnh mẽ hơn rất nhiều.
Bình luận một số ý kiến cho rằng, nước ta đang bị lệch một nhịp so với nhiều nước, là khi họ bước vào thắt chặt tiền tệ thì chúng ta đang ở giai đoạn kích thích phục hồi kinh tế, vậy liệu còn dòng tiền rẻ vào thị trường hay không, ông Ngô Thế Hiển cho biết, xu hướng tăng lãi suất trên toàn cầu đang diễn ra. Rất nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là các quỹ đã nhìn thấy xu hướng này từ trước và từ năm 2020 trở lại đây họ bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam khá nhiều để đón đầu xu hướng về tăng lãi suất.
Đối với dòng tiền ngoại, rõ ràng tiền chi phí thấp như trước đây không còn nữa. Tuy nhiên, ở trong nước chúng ta cũng đang triển khai các gói hỗ trợ, đặc biệt là gói hỗ trợ 2% lãi suất mới triển khai. Tuy nhiên, gói hỗ trợ về lãi suất lần này sẽ rất khác so với thời điểm của năm 2009. Ông cho rằng, mức độ kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ đối với dòng vốn này sẽ chặt chẽ hơn để đưa dòng vốn vào đúng với các đối tượng cần hỗ trợ và sẽ giúp cho nền kinh tế tránh được những bài học trong quá khứ.
“Tất nhiên, trên thị trường hầu hết là các doanh nghiệp ở vị thế đầu trong những ngành kinh tế, sức chống chịu trong hai năm đại dịch cũng như trong giai đoạn gần đây rất tốt. Trong quý I, lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trên hai Sàn giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội tăng trưởng trên 30% so với quý I/2021. Dù dòng tiền chi phí rẻ như trước đây không còn nhưng vẫn còn đấy những cơ hội trên thị trường chứng khoán”, ông Hiển nói.
Đo lường những rủi ro
Phân tích các tác động từ bên ngoài, ông Vũ Duy Khánh cho rằng việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất lần này khác so với giai đoạn trước 2015. Mỗi lần Fed tăng lãi suất thông thường các nước mới nổi hoặc là cận biên như Việt Nam sẽ biến động rất mạnh và khối ngoại sẽ rút ròng. Nhưng thực tế giai đoạn vừa qua, tình thế đó hoàn toàn đảo ngược, mặc dù Fed tăng lãi suất nhưng mà các nước mới nổi như Indonesia, Hàn Quốc, thậm chí Việt Nam, nhà đầu tư đang mua ròng trở lại sau giai đoạn bán ròng cách đây 1-2 năm.
Đối với thị trường trong nước, trước đó các dòng tiền giá rẻ là có, thậm chí một số doanh nghiệp có vốn nhàn rỗi quay ra giải ngân trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, hiện tại dòng vốn này bắt đầu rút đi. Ngoài ra, trong quý II vừa qua, một số sự kiện dẫn đến đối tượng và lĩnh vực cho vay đang được điều chỉnh lại cho phù hợp, dẫn đến nguồn vốn rẻ và hoạt động đầu tư đại trà hạn chế hơn.
Nhận định xu hướng thị trường những tháng cuối năm 2022, ông Ngô Thế Hiển cho rằng khi Quốc hội, Chính phủ đã nhìn nhận được các vấn đề liên quan đến giải ngân các gói hỗ trợ, trong 6 tháng cuối năm, kỳ vọng các dự án, đặc biệt là các dự án đầu tư công, sẽ được triển khai mạnh hơn, các gói kích thích kinh tế cũng sẽ được đẩy mạnh hơn, qua đó sẽ tác động tích cực đến nền kinh tế.
Còn đối với thị trường chứng khoán, sau một nhịp điều chỉnh khá mạnh trên 20% thì mức độ hấp dẫn của rất nhiều nhóm cổ phiếu đã tăng trở lại. Tuy nhiên, giờ đây nhà đầu tư sẽ phải chọn lựa cổ phiếu kỹ càng hơn trước khi ra quyết định đầu tư. Còn về mặt trung hạn thì thị trường vẫn có nhiều cơ hội.
Ông Vũ Duy Khánh thì cho rằng nền kinh tế chúng ta đang tăng trưởng rất mạnh, PMI tháng 5 lên 54,7 và duy trì ở mức cao trong 3 tháng liên tiếp. Bên cạnh đó, Trung Quốc đang chuyển sang mở cửa hoàn toàn, qua đó chúng ta sẽ giải quyết được khâu tắc nghẽn nguồn cung nguyên liệu đầu vào, đồng thời tận dụng được cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu. Cầu tiêu dùng đang tăng, nếu tiếp tục thúc đẩy đầu tư công thì chúng ta sẽ có một mức tăng trưởng kinh tế trên 7%. Còn nếu không thúc đẩy được thì có lẽ con số sẽ ở mức từ 6-6,5%.
Về rủi ro, quan trọng trong giai đoạn sắp tới Fed có dừng việc tăng lãi suất hay không và cách nhìn nhận của các nhà đầu tư trên toàn thế giới như thế nào. Nếu giá dầu chỉ quanh mức 100-120 USD/thùng thì nền kinh tế thế giới về cơ bản sẽ trụ được. Còn nếu mà giá dầu lên trên 150 USD/thùng thì kinh tế thế giới sẽ rơi vào suy thoái. Lúc đấy rủi ro của chúng ta sẽ xuất hiện.
Vài khuyến nghị với nhà đầu tư
Trong bối cảnh đó, ông Hiển khuyến nghị nhà đầu tư nên cẩn trọng trong việc ra quyết định đầu tư, chọn ngành, lĩnh vực đầu tư, thậm chí là mã cổ phiếu. Bởi trong một ngành cũng sẽ có sự phân hóa rất mạnh giữa các cổ phiếu.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư cần theo dõi sát các diễn biến liên quan, như vấn đề tăng lãi suất của Fed, lạm phát ở các nền kinh tế lớn… để có thể kịp thời hạn chế được các rủi ro nếu phát sinh trong giai đoạn tới.
“Ở giai đoạn hiện tại, một số nhóm ngành như thủy sản, cảng biển, logistics, ngân hàng là những những nhóm ngành mà nhà đầu tư cũng có thể xem xét. Nếu chúng ta có những nguồn tài chính dự phòng thì những nhịp sụt giảm của thị trường có thể là cơ hội để mua được những cổ phiếu tốt ở những vùng giá thấp, tránh để rơi vào trạng thái hoảng loạn”, ông Hiển nhìn nhận.
Đồng quan điểm thị trường chứng khoán trong nước vẫn có nhiều cơ hội, nhưng ông Vũ Duy Khánh cho rằng cơ hội sẽ “không dễ dãi” như giai đoạn trước. Nhà đầu tư nên chọn những ngành có khả năng tăng trưởng, nhưng trong đó nên chọn những cổ phiếu vốn hóa trung bình.
“Giai đoạn tiền không rẻ mà chúng ta chọn những cổ phiếu mang tính ‘quốc dân’ sẽ rất khó tăng”, ông Khánh lưu ý thêm.