Bloomberg đưa tin Saudi Arabia sẽ kéo dài thời gian cắt giảm sản lượng dầu thô đơn phương thêm một tháng. Nga - đồng minh OPEC+ (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa và liên minh) của Saudi Arabia - cũng vừa công bố các hạn chế xuất khẩu mới.
Việc cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày của Saudi Arabia sẽ bắt đầu từ tháng này, kéo dài đến tháng 8 và có thể được gia hạn thêm.
Tiếp tục cắt giảm
Động thái này sẽ đẩy sản lượng dầu thô của Saudi Arabia xuống còn khoảng 9 triệu thùng/ngày. Đây là mức thấp nhất trong vòng vài năm trở lại đây. Riyadh sẵn sàng hy sinh doanh thu để hưởng lợi nhờ giá dầu tăng cao.
Theo dữ liệu của Trading Economics ngày 3/7, so với 24 giờ trước đó, giá dầu Brent chuẩn quốc tế đã tăng vọt 1,01% lên 76,164 USD/thùng. Còn giá dầu WTI (Mỹ) ghi nhận mức tăng 1,22% trong vòng một ngày qua lên 71,5 USD/thùng.
Trong khi đó, Phó thủ tướng Nga Alexander Novak khẳng định nỗ lực của Saudi Arabia sẽ được phía Moscow hỗ trợ. Nước này quyết định cắt giảm 500.000 thùng/ngày trong tháng 8. Nhưng từ đầu năm đến nay, Nga vẫn trì hoãn việc cắt giảm sản lượng theo thỏa thuận của OPEC+.
Đà phục hồi không mạnh mẽ như kỳ vọng của Trung Quốc khiến giá dầu thô mắc kẹt ở mức gần 75 USD/thùng. Con số này là không đủ để Saudi Arabia trang trải chi phí.
Các chuyên gia phân tích của Bloomberg tin rằng việc nước này kéo dài thời gian cắt giảm sản lượng dầu thô là điều có thể lường trước.
Giới quan sát tin rằng giá dầu sẽ tăng lên trong năm nay. Nhưng thay vào đó, thị trường dầu vẫn đang bị đè nặng bởi nguy cơ suy thoái của các nền kinh tế lớn vì lãi suất tăng cao và sự chững lại của kinh tế Trung Quốc.
Giới quan sát vẫn tin rằng thị trường dầu sẽ rơi vào tình trạng cầu vượt cung trong nửa cuối năm nay. Nhưng các chuyên gia Phố Wall tại Goldman Sachs Group và Morgan Stanley đều lần lượt loại bỏ kịch bản giá dầu trở lại ngưỡng 100 USD/thùng.
Giá dầu sẽ bật tăng trong nửa cuối năm?
Các quốc gia tiêu thụ dầu như Mỹ đã chỉ trích OPEC+ vì hạn chế nguồn cung nhằm duy trì giá ở mức cao. Nỗ lực này sẽ khiến lạm phát càng trở nên trầm trọng và đe dọa đà phục hồi vốn đã mong manh của nền kinh tế toàn cầu.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã lên án nhóm này vì các hành động bóp nghẹt những người tiêu dùng dễ tổn thương.
Trong một báo cáo, IEA cho rằng "những lo ngại kéo dài về sự chững lại của ngành công nghiệp và lãi suất tăng cao khiến viễn cảnh suy thoái đang đến gần hơn". Kéo theo đó là tâm lý bi quan đối với tăng trưởng trong nhu cầu dầu thô.
Cơ quan này tin rằng đà giảm trên thị trường dầu cho thấy niềm tin của nhà đầu tư đã lung lay. Họ thậm chí phớt lờ thực tế là cầu chuẩn bị vượt quá cung.
"Sự bi quan trên thị trường hiện tại hoàn toàn trái ngược với tình trạng khan hiếm trên thị trường, mà chúng tôi tin rằng sẽ xảy ra vào cuối năm nay, khi nhu cầu dự kiến vượt cung 2 triệu thùng/ngày", IEA cảnh báo.
Dù vậy, đà tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chững lại vẫn đang đè nặng lên thị trường dầu. Chỉ số quản lý thu mua Caixin/S&P Global đối với lĩnh vực sản xuất tư nhân của Trung Quốc tiếp tục giảm từ mức 50,9 điểm hồi tháng 5 xuống 50,5 điểm trong tháng 6.
Ngưỡng 50 điểm phân chia vùng tăng trưởng và thu hẹp. Thứ sáu tuần trước, dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho thấy PMI sản xuất đạt 49 điểm trong tháng 6, tăng nhẹ từ 48,8 vào tháng 5.
Trước đó, giới quan sát tin rằng đà phục hồi của nền kinh tế 1,4 tỷ dân sẽ thúc đẩy nhu cầu đối với nhiên liệu, từ đó lấn át những lo ngại về một cuộc suy thoái của kinh tế Mỹ.
Nhu cầu đối với nhiên liệu sẽ bị đè nặng nếu các hoạt động kinh tế như sản xuất, vận tải và di chuyển yếu đi.