Theo báo cáo của PitchBook, một trong những công cụ nghiên cứu thị trường tài chính hàng đầu trên thế giới, những căng thẳng trong địa chính trị và tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại đang bóp nghẹt thế giới khởi nghiệp của Trung Quốc, nơi từng sản sinh ra những kỳ lân như ByteDance và Didi.
Kinh tế Trung Quốc phục hồi chậm sau đại dịch. Thêm vào đó, căng thẳng Mỹ-Trung đã lan sang lĩnh vực tài chính, ảnh hưởng đến tâm lý thị trường. Quy định của Trung Quốc trong hai năm qua cũng khiến các công ty gặp khó khăn hơn khi IPO ở nước ngoài.
PitchBook cho biết các công ty đầu tư mạo hiểm ở Trung Quốc đã đầu tư 26,7 tỷ USD vào 3.072 giao dịch trong nửa đầu năm 2023. Báo cáo cho biết, trên cơ sở hàng năm, những con số trên đã cho thấy mức giảm 31,4% so với mức của năm 2022. Đáng lo ngại hơn, thị trường đầu tư vốn mạo hiểm vẫn đang trên đà tiếp tục giảm, xuống dưới mức của năm 2016.
Số lượng giao dịch giảm và hầu hết các khoản đầu tư cũng nhỏ. PitchBook cho biết giá trị hàng năm của các giao dịch lớn – từ 100 triệu USD trở lên – đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2015.
Trong khi nền kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu phục hồi trong vài tuần qua, thì sự chậm lại trong đầu tư giai đoạn đầu là một khó khăn cần phải phục hồi.
Theo PitchBook, các giao dịch trong quý hai vừa qua đã đánh dấu quý thứ tư liên tiếp giá trị giao dịch sụt giảm. Các quỹ đầu tư nước ngoài cắt giảm nguồn vốn cũng là một yếu tố gây nên sự sụt giảm chung của thị trường.
Thế giới ngách nhưng từng phát triển của các nhà đầu tư giai đoạn đầu ở Trung Quốc đã chứng kiến các công ty huy động hàng tỷ đô la từ các tổ chức ở nước ngoài để đầu tư vào các công ty khởi nghiệp trong nước. Những công ty này sau đó sẽ tổ chức đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng ở Mỹ.
PitchBook cho biết mức độ đầu tư của các quỹ nước ngoài đã xuống, chỉ còn 10% giao dịch đến từ nhà đầu tư có trụ sở bên ngoài Trung Quốc, giảm từ mức khoảng 16% vào năm 2018. Về mặt gây quỹ, báo cáo cho biết chỉ có ba quỹ bằng đô la Mỹ “chốt deal” trong nửa đầu năm nay.
Báo cáo cho biết: “Theo giai thoại, chúng tôi nghe nói rằng một số nhà đầu tư Mỹ đã rút lui khỏi việc phân bổ vốn vào Trung Quốc chủ yếu do lo ngại về địa chính trị và một số yếu tố khác, bao gồm cả sự suy thoái kinh tế của Trung Quốc và các cuộc đàn áp đối với lĩnh vực công nghệ”.
Trước đó, vào khoảng tháng 8 năm nay, Mỹ đã áp đặt giới hạn đối với các khoản đầu tư của Hoa Kỳ vào Trung Quốc. Cụ thể, các quy định mới cấm hoặc hạn chế đầu tư của Hoa Kỳ vào các công ty Trung Quốc trong ba lĩnh vực: chất bán dẫn và vi điện tử, công nghệ thông tin lượng tử và một số hệ thống trí tuệ nhân tạo. Những diễn biến này đã ảnh hưởng sâu sắc đến các công ty đầu tư mạo hiểm và ngành công nghệ. Thực tế, các nhà đầu tư lớn của Mỹ đã dự đoán về lệnh cấm này từ trước và các công ty đầu tư mạo hiểm đã thu hẹp quy mô rót vốn của họ vào các công ty khởi nghiệp Trung Quốc trong hơn một năm.
PitchBook cho biết, sự tăng trưởng của các quỹ bằng đồng nhân dân tệ và các quỹ quy mô vừa đã giúp thúc đẩy hoạt động gây quỹ tổng thể của Trung Quốc đại lục lên 28 tỷ USD - trên đà vượt mức của năm 2022, nhưng vẫn giảm mạnh so với mức 131,4 tỷ USD huy động được trong năm 2018.
Những khó khăn ở giai đoạn cuối của quá trình đầu tư vốn mạo hiểm vẫn tồn tại khi tâm lý thị trường đối với các đợt IPO ở Hồng Kông và Hoa Kỳ vẫn khá tiêu cực.
PitchBook cho biết số lượng thoái vốn trong nửa đầu năm đã giảm xuống 130 từ 177 vào nửa cuối năm 2022, trong khi giá trị thoái vốn giảm xuống 77,5 tỷ USD từ 100,2 tỷ USD.
Sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc sau đại dịch đã chậm lại kể từ quý 2, kéo theo sự sụt giảm của nhiều ngành, trong đó có bất động sản. Xuất khẩu, một động lực quan trọng khác của nền kinh tế Trung Quốc, cũng sụt giảm khi nhu cầu toàn cầu đối với hàng hóa Trung Quốc suy yếu.